Bộ Chính trị quyết định triệu tập hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lần thứ hai để cho ý kiến về công tác cán bộ, chiều 30/12.
Theo Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai nhiệm kỳ Đại hội, chịu trách nhiệm về mọi mặt của Đảng và đất nước; quyết định những vấn đề chiến lược và chủ trương, chính sách lớn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...
Ban Chấp hành Trung ương làm việc theo chương trình toàn khóa và hàng năm, họp thường lệ 6 tháng một lần và họp bất thường khi cần thiết. Khi Bộ Chính trị thấy cần thiết hoặc có trên một nửa số Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đề nghị thì Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường.
Theo kế hoạch, 5 ngày sau khi Trung ương họp xong, Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét một số vấn đề cấp bách, trong đó có quyết định về công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác (nếu có). Nội dung về nhân sự sẽ được bố trí vào đầu kỳ họp.
Sáu tháng trước, chiều 6/6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII họp bất thường lần thứ nhất quyết định khai trừ Đảng với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh. Sau đó, Quốc hội đã điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, bổ sung nội dung nhân sự.
Mới đây nhất, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII diễn ra trong 7 ngày (3/10-9/10) đã thảo luận và quyết định ban hành ba nghị quyết, một kết luận. Đó là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 45 về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.