“Truyền thông tạo ra giá trị gia tăng cho một nền kinh tế, chứ không chỉ dừng lại ở người đưa tin” - đó là lời nhắn nhủ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tới Báo Thanh Niên tại Hội thảo “ Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa” cuối tháng 11.2022 do báo phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Với chúng tôi, những người làm báo Thanh Niên thì lời nhắn nhủ này là sự khích lệ tinh thần quan trọng. Nó cho thấy Thanh Niên đã và đang đi đúng mục đích, tôn chỉ khi dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn khác với hoạt động báo chí truyền thống: Làm cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp (DN) với chính quyền trong các vấn đề nóng bỏng của đất nước một cách trực tiếp và hiệu quả nhất.
Thanh Niên đã tổ chức thành công nhiều hội thảo, tọa đàm quan trọng, đóng vai trò cầu nối giữa cấp quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp ĐỘC LẬP - Đ.N.T |
“Kinh tế Việt Nam rất cần cuộc tọa đàm này”
Đó là thời điểm giữa tháng 11.2021, khi đất nước chính thức mở cửa trở lại sau nhiều tháng phong tỏa để chống dịch Covid-19. Cuộc họp giao ban trực tuyến của Báo Thanh Niên hôm đó kéo dài hơn thường lệ bởi một đề tài gây nhiều tranh luận: Mở cửa du lịch nhưng giới hạn chỉ cho 5 tỉnh/thành đón khách quốc tế, kèm theo những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về dịch tễ. Nghịch lý này khiến DN và các địa phương bức xúc vì đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho ngày trở lại. Quan trọng hơn, đây là cơ hội sống còn với rất nhiều công ty đã kiệt quệ sau một thời gian dài ngưng hoạt động. Thế nhưng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan thì vẫn đề phòng một đợt dịch mới có thể tái diễn nếu “mở toang” bầu trời. Nguy cơ “rước dịch” từ khách quốc tế hoàn toàn có thể xảy ra nên tâm lý thận trọng là có thể hiểu được. Ủng hộ mở rộng cửa đón khách hay “he hé” cho an toàn là lựa chọn không hề đơn giản. “Nhưng nếu mình không làm thì đợi ai và đợi đến bao giờ?”, câu hỏi của Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn đã chốt lại mọi băn khoăn.
Gần 5 năm kể từ khi chính thức bước chân vào lĩnh vực tổ chức sự kiện, từ tự hào vì góp phần giải quyết một số vướng mắc, những điểm nóng trên thị trường thì giờ đây, chúng tôi thấy mình là người được “nhận” nhiều hơn. Xuất phát điểm đầu tiên là thúc đẩy các chính sách của nhà nước vào cuộc sống để phát triển kinh tế, khi tổ chức 2 cuộc hội thảo quy mô lớn về miền Tây là “Xóa trắng cao tốc cho ĐBSCL” và “Phát triển ĐBSCL”, chúng tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn, thực tế hơn đời sống của người dân Nam bộ. Tình yêu quê hương, đất nước; niềm tự hào về văn hóa, truyền thống, lợi thế của vùng đồng bằng phì nhiêu - vựa lúa của cả nước - trong mỗi con người Báo Thanh Niên được vun đắp. Sự cảm thông, thấu hiểu với khó khăn, thậm chí với cả những điều chưa đúng, chưa đẹp... giúp chúng tôi trưởng thành hơn, mong muốn được dấn thân nhiều hơn...
Ngày 7.12.2021, Tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” chính thức được tổ chức tại trụ sở Báo Thanh Niên ở TP.HCM với sự tham dự của nhà chức trách du lịch và hàng không, các chuyên gia kinh tế, du lịch, y tế hàng đầu cùng nhiều DN uy tín hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Các đại biểu cùng mổ xẻ đầy đủ những rào cản, vướng mắc khiến cánh cửa du lịch cả nội địa và quốc tế chưa thể mở rộng trở lại; nhấn mạnh vai trò của việc cấp bách mở cửa bầu trời, nối lại du lịch; đề xuất mô hình mở cửa thế nào để an toàn. Toàn bộ ý kiến tại tọa đàm đã được tường thuật nguyên vẹn tới các cơ quan quản lý nhà nước. Đây là tọa đàm rất quan trọng vì nhờ đó mà Chính phủ quyết định mở cửa Việt Nam sớm hơn nhiều so với các nước trong khu vực, để bà con Việt kiều, người Việt sống ở nước ngoài kịp về nước đón tết sau 2 năm Covid-19. Rồi sau đó là mở cửa du lịch.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) - người đã tham gia rất nhiều hội thảo của Báo Thanh Niên với tư cách là chuyên gia về hàng không, du lịch, cho biết ông “ấn tượng nhất là Tọa đàm Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế”.Theo ông, đó là giai đoạn Việt Nam đã kiểm soát được dịch, phủ vắc xin ở nhiều tỉnh thành và chuyển sang trạng thái “sống chung với Covid-19”. Một chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế cũng đang được Chính phủ xây dựng với những giải pháp đột phá để hỗ trợ người dân, DN. Lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để phục hồi kinh tế là du lịch. Thế nhưng, quá thận trọng, Việt Nam chỉ cho phép 5 tỉnh đón khách quốc tế, chưa mở lại đường bay quốc tế, nhiều địa phương vẫn áp dụng quy định cách ly nghiêm ngặt..., nguy cơ bỏ lỡ cơ hội khi mà nhiều nước đã rục rịch đón du khách. “Thế nên khi Báo Thanh Niên ngỏ lời mời tham dự tọa đàm, tôi không cần suy nghĩ, liền gật đầu ngay vì kinh tế Việt Nam rất cần cuộc tọa đàm này”, TS Lương Hoài Nam nhớ lại.
Cuộc hội thảo “nóng bỏng”
Cuối năm 2019, chúng tôi từng đứng trước tình thế “cân não” trước quyết định có nên đứng ra làm hội thảo về vấn đề bảo tồn hay phát triển hay không. Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng phát triển hạ tầng du lịch đã xâm hại môi trường, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi tiêu chuẩn để phán xét không có, tiêu chí thế nào là ngành kinh tế mũi nhọn, muốn thành mũi nhọn thì phải làm gì... cũng chưa được luận chứng rõ ràng khiến các địa phương lúng túng, DN đi tiên phong gặp rủi ro. Dấn thân vào một vấn đề quá nhạy cảm như vậy là điều không dễ dàng nhưng né tránh chưa bao giờ là lựa chọn của những người làm báo Thanh Niên. Vấn đề quan trọng nhất mà chúng tôi đặt ra là phải cung cấp thông tin chính xác và tôn trọng quan điểm của những người trong cuộc.
Hội trường hơn 200 chỗ ngồi của tòa soạn đông nghẹt và nóng suốt hơn 3 tiếng đồng hồ (không giải lao). Chưa bao giờ, vấn đề bảo tồn và phát triển, đánh đổi bao nhiêu và phát triển tới đâu lại được phân tích sâu, kỹ, thẳng thắn, sòng phẳng và khách quan đến thế.
Những phút cân não sau hậu trường
Đến giờ, dù trải qua rất nhiều hội thảo, tọa đàm về những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm thì với chúng tôi, việc tổ chức sự kiện chưa bao giờ dễ dàng. Mỗi một sự kiện lại phát sinh một vấn đề mới... Có thể nói, hồi hộp đến phút cuối cùng.
Cuối tháng 4.2022, trong một công văn gửi các ngân hàng (NH) thương mại, NH Nhà nước (NHNN) yêu cầu “Thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS), chứng khoán, trái phiếu DN...”. Ngay sau đó, một số NH thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực BĐS. DN, người có nhu cầu mua nhà “kêu trời” vì các khoản vay bị từ chối thẳng thừng. Trả lời Thanh Niên, đại diện NHNN khẳng định “không có chuyện chỉ đạo siết tín dụng đồng loạt, công văn nói trên chỉ là một hoạt động nhắc nhở bình thường trong quản lý”... Thế nhưng thị trường BĐS vẫn náo loạn; cổ phiếu ngành này lao dốc không phanh trước những thông tin đồn thổi.
Sau cuộc hội ý nhanh tại Báo Thanh Niên, chúng tôi gửi công văn cho Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mời tham dự Hội thảo “Khơi thông vốn cho thị trường bất động sản” ngày 7.6.2022, giải thích rõ lý do, mục đích và nhu cầu bức thiết cần sự lên tiếng của cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong lĩnh vực tín dụng để ngăn chặn tin đồn đang lan nhanh trên thị trường, ảnh hưởng nhiều lĩnh vực sản xuất, không riêng gì BĐS. Chỉ có chưa đầy một tuần cho công tác chuẩn bị, cả bộ máy làm việc không quản ngày đêm nhưng điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là đợi phản hồi từ NHNN. Nếu không có đại diện của NHNN trả lời công khai, minh bạch thì không thể ổn định tâm lý người dân, DN và mục đích cao nhất của hội thảo sẽ phá sản. Khi đó lại chính là khoảng thời gian bận rộn nhất của NHNN vì chỉ sau một ngày diễn ra hội thảo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Các lãnh đạo cấp cao của NHNN cũng đều hết sức bận rộn... Liên tục các cuộc điện thoại trao đổi giữa Báo Thanh Niên và NHNN về sự cần thiết phải có phát ngôn chính thức từ NH. Thống đốc cũng hết sức thiện chí nhưng Phó thống đốc Đào Minh Tú, người được cử tham dự hội thảo, dù cố gắng vẫn chưa thể sắp xếp được thời gian.
19 giờ ngày 6.6.2022, nghĩa là chỉ còn 12 giờ đồng hồ nữa hội thảo bắt đầu tại Hội trường Báo Thanh Niên ở TP.HCM thì từ sân bay Nội Bài (Hà Nội), Phó thống đốc Đào Minh Tú vẫn tha thiết “xin” khất hẹn vì quá bận rộn nhưng rồi cuối cùng, ông cũng lên máy bay. Gần 12 giờ đêm, đoàn của NHNN mới có mặt tại TP.HCM để 8 giờ sáng hôm sau tham dự hội thảo. Chỉ đến lúc đó, chúng tôi mới biết chắc chắn sự kiện sẽ diễn ra. Tại hội thảo, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Là người phát ngôn của ngành, tôi chưa bao giờ nói siết chặt tín dụng với BĐS. Tinh thần chỉ đạo của ngành NH nhiều năm qua là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao như BĐS, trái phiếu, chứng khoán. Riêng BĐS, chỉ kiểm soát chặt với BĐS có tính chất đầu cơ, còn tín dụng đối với nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo thì luôn khuyến khích”. Đại diện 5 NH lớn có mặt tại hội thảo cũng khẳng định vẫn cho vay với các dự án pháp lý đầy đủ, có sức lan tỏa, có khả năng thanh toán... Những tuyên bố này chính thức dập tắt các tin đồn âm ỉ trên thị trường, cởi trói tâm lý cho cả người dân và DN có nhu cầu vay vốn NH thời điểm đó...
Đối thoại 3 bên tạo được sự tin tưởng
Nếu như hội thảo của nhiều đơn vị tổ chức hầu như chỉ có đối thoại hai bên DN với chuyên gia hoặc giữa cơ quan điều hành nhà nước với chuyên gia thì Báo Thanh Niên đã tổ chức rất tốt đối thoại cả ba bên. Ví dụ như Hội thảo “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” có lãnh đạo cấp cao của NHNN là rất cần thiết, tạo được sự tin tưởng của DN lẫn độc giả. Bên cạnh đó, cách thiết kế chương trình của một hội thảo khá khoa học, tạo ra sự hấp dẫn và thu hút được những người tham gia cũng như người nghe xuyên suốt thời gian diễn ra.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Thành công trong vai trò cầu nối
Hội thảo “Phát triển ĐBSCL - giải pháp từ cây lúa” do Báo Thanh Niên tổ chức tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt từ nhiều tỉnh, thành, các nhà khoa học, chuyên gia và DN. Chính vì vậy, nhiều quan điểm từ các góc nhìn khác nhau đã được đưa ra. Điều đó khiến cho nội dung hội thảo thật sự đa dạng, phong phú và thiết thực, bổ ích cho những người quan tâm đến vấn đề này. Hơn nữa, hội thảo đã đạt được mục tiêu là tạo ra cơ hội để các bên cùng đưa ra những vấn đề trọng tâm cần giải quyết cho câu chuyện phát triển kinh tế của cả vùng ĐBSCL. Từ đó lãnh đạo Bộ NN-PTNT thông qua Báo Thanh Niên sẽ lắng nghe, nghiên cứu thêm để có các giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng và người nông dân trồng lúa.
TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL
Nhạy bén với thực tiễn cuộc sống
Với tư cách độc giả trung thành và cũng là cộng tác viên nhiều năm của Báo Thanh Niên, tôi rất ấn tượng về tính nhạy bén của báo đối với thực tiễn cuộc sống. Các bạn bám rất sát quá trình đổi mới, phát hiện những vấn đề tắc nghẽn từ cơ chế, chính sách cho tới việc thực thi trong đời sống kinh tế - xã hội và phản ánh kịp thời những diễn biến của đất nước… Đó không chỉ là những thông tin nóng hổi mà còn là nỗ lực tập hợp tiếng nói của những chuyên gia, nhà quản lý nhà nước, DN thông qua các hình thức tọa đàm, hội thảo, bàn tròn... Tại các sự kiện này, ý kiến của các chuyên gia, DN luôn được ghi nhận khách quan, nhiều chiều và được cơ quan nhà nước lắng nghe để tìm giải pháp. Tôi tin rằng những tiếng nói từ Thanh Niên với hình thức ngày càng đa dạng đã, đang và sẽ đóng góp tích cực đối với việc xây dựng, điều chỉnh chính sách của nhà nước trong nhiều lĩnh vực, giúp kiến tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển, kinh tế đi lên.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch
Nói đúng, nói trúng là thương hiệu của Thanh Niên
Không còn dừng lại ở vị thế một tờ báo với các chủ đề có tính thời sự, không né tránh những vấn đề nhạy cảm mà đông đảo người dân quan tâm, Thanh Niên đã và đang tạo ra thương hiệu nhờ những hội thảo, tọa đàm gây tiếng vang rất lớn đối với những vấn đề nóng của kinh tế. Với cách tổ chức tốt, tập hợp được tiếng nói của nhiều người có uy tín trong các lĩnh vực, các sự kiện do Báo Thanh Niên tổ chức luôn ghi nhận được các kiến nghị, đề xuất có chất lượng và trách nhiệm. Nói đúng, nói trúng, đó là thương hiệu của Thanh Niên!
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam
Đeo bám tháo gỡ nút thắt cuối cùng
Tôi thường xuyên theo dõi những hội thảo của báo tổ chức bởi tôi tìm thấy nguồn tư liệu thực tiễn quý phục vụ tốt cho công tác giảng dạy của mình, cũng như những phân tích, nhận định của mình với tư cách chuyên gia về các vấn đề kinh tế tài chính của đất nước được chuyển tải tới người dân, DN và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Số người theo dõi hội thảo ngày càng tăng cho thấy Báo Thanh Niên đã trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín giúp họ bày tỏ tâm tư nguyện vọng, được hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để vượt khó khăn.
Chẳng hạn hội thảo về “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” là một đề tài rất thời sự, đúng lúc, do nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS gần như “đông cứng” đâu đó. Kết quả là đến nay NHNN đã có động thái nới room.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính
Tính thời sự trong tổ chức hội thảo, tọa đàm
Trong thực tế, có những quyết sách được đưa ra ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đến tài chính mỗi hộ gia đình. Chẳng hạn, ngay năm đầu tiên đại dịch Covid-19 xảy ra, tôi nhớ tại thời điểm đó, Báo Thanh Niên đã đứng ra tổ chức tọa đàm về hóa đơn tiền điện tăng rất kịp thời. Những câu hỏi thẳng của bạn đọc cho Tập đoàn điện lực Việt Nam được truyền tải trực tiếp trên các kênh của báo. Ngành điện tại các địa phương cũng tăng cường làm việc với các hộ gia đình có hóa đơn tăng đột biến... Mọi thứ rõ ràng hơn rất nhiều. Tính kịp thời của báo chí trong phản ánh những vấn đề mà dễ có nguy cơ gây xáo trộn trong đời sống người dân là rất quan trọng. Thế nên, tôi đánh giá cao tính thời sự trong tổ chức hội thảo, tọa đàm của Báo Thanh Niên.
PGS-TS Nguyễn Việt Dũng, Trường cơ khí ĐH Bách khoa Hà Nội