Ðó là nhấn mạnh của ông Lưu Ðình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí trong cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề chuyển đổi số báo chí.

Ông cũng lưu ý thêm rằng, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là tăng cường tuyên truyền nhận thức đúng về CÐS báo chí, trong đó cần thúc đẩy thoả thuận hợp tác giữa các cơ quan báo chí với nhau, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực chuyển đổi số…

 

Tìm hướng đi gần nhất để đến đích

+ Thưa Cục trưởng, tôi muốn mang những trăn trở của các Tổng Biên tập chia sẻ với ông. Đó là chuyển đổi số trên thực tế triển khai đang có rất nhiều thách thức trong khi những giải pháp mà chúng ta đang thực hiện dường như vẫn còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ…

- Vấn đề ấy, chúng tôi rất hiểu và cũng là điều tất yếu trong hành trình chuyển đổi số của không chỉ báo chí mà ở các ngành nghề khác cũng vậy. Chúng ta nói rất nhiều đến khó khăn như tìm đối tác công nghệ, tài chính phải tự chủ, về đầu tư, vướng về định mức kinh tế kỹ thuật, phần mềm khó định giá, khó trong thu phí, về nguồn nhân lực, về nhận thức… Tuy nhiên, chuyển đổi số không phải là mục đích cuối cùng mà là phương tiện để cơ quan báo chí làm tốt nội dung.

Nút thắt khó nhất là về nhận thức. Không ít người đứng đầu cơ quan báo chí cho rằng chuyển đổi số là đầu tư trang thiết bị hiện đại. Nếu chỉ có vậy thì chưa đủ. Chuyển đổi số cho báo chí là dùng công nghệ để giải bài toán vướng mắc của cơ quan mình, để có trải nghiệm khách hàng tốt, để tăng số lượng người xem, nghe, từ đó tăng doanh thu quảng cáo, phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền. Bài toán đặt ra cho mỗi cơ quan là khác nhau, đó có thể là hệ thống quản trị tòa soạn, quản trị nội bộ, là chuyển đổi sang báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, phát triển sản phẩm báo chí số.

cuc bao chi se thanh lap trung tam ho tro chuyen doi so bao chi hinh 1

Trong quá trình quản lý, có một vấn đề chúng tôi rất trăn trở đó là nhiều lãnh đạo báo chí cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao ngoài mạng xã hội, một số trang tin điện tử tổng hợp đang lấy đi thị phần của báo chí chính thống? Tại sao trang tin điện tử lại lọt vào được top 10 thậm chí top 3 về lượng truy cập, trong khi không sản xuất tin bài mà chỉ lấy lại từ các tờ báo? Tôi đặt ra vấn đề này không phải đánh giá ở chất lượng nội dung thông tin mà nhìn ở một góc độ khác, chúng ta thấy rằng, những trang tin điện tử đang tổng hợp thông tin cụ thể một cách sát nhất với nhu cầu thị hiếu người dùng, phục vụ độc giả. Tức là họ mang đến trải nghiệm khách hàng rất tốt. Cho nên chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng, xác định được nhóm công chúng đích và biết được họ đang muốn gì, lan tỏa năng lượng tích cực, nhân văn, đó là mục tiêu hướng đến của báo chí, công nghệ cũng chỉ là phục vụ cho việc đó.

+ Nhiều năm nay, dù ở cương vị nào tôi cũng thấy ông rất trăn trở về những khó khăn của báo chí và luôn nỗ lực tìm hướng đi tốt nhất cho báo chí phát triển. Ở góc độ cơ quan quản lý, vấn đề chính sách nào ông mong muốn được đẩy mạnh, đặc biệt là trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay, thưa ông?

- Có khá nhiều vấn đề mà tôi cho rằng cần nỗ lực thực hiện. Trước hết, đó là cùng với việc tăng tính tự chủ của cơ quan báo chí thì Nhà nước cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm để phát triển các cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện đóng vai trò trụ cột, giữ nhịp thông tin; tăng cường đặt hàng cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách.

Hai là, hiện nay có rất nhiều các quan điểm đưa ra khác nhau như: phát triển đến đâu quản lý đến đó, quản lý theo kịp sự phát triển, hay là phát triển tốt, quản lý tốt. Quá trình làm chính sách thực tế, chúng tôi thấy, phát triển ứng dụng công nghệ hiện nay là phát triển phải trọng tâm, quản lý phải hài hoà. Quan điểm này chúng tôi đã xây dựng trong Chiến lược chuyển đổi số phát thanh - truyền hình - thông tin điện tử. Trọng tâm trước đây chúng ta chạy thật nhanh nhưng hiện nay là phải làm sao tìm hướng đi gần nhất để đến đích.

Tiếp nữa, phải nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của Nhà nước. Nhà nước phải dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số. Tức là nỗ lực tìm ra ngưỡng để quản lý giữa cái mới và cái cũ. Ví dụ cái mới là bùng nổ sáng tạo nội dung đại chúng, còn cái cũ là sáng tạo nội dung do phương tiện truyền thông Nhà nước quản lý.

Bây giờ phải xác định cái nào là đột phá, mức đột phá đến đâu, cái nào bắt buộc phải duy trì và duy trì như thế nào? Sử dụng công cụ truyền thông nào cho từng thời điểm... Do đó, chính sách phải làm sao tạo bình đẳng trong ngoài, có những hàng rào kỹ thuật khi sửa đổi chính sách, đảm bảo các vấn đề về bản quyền, vấn đề về dữ liệu người dùng khi dữ liệu đang bị khai thác.

Ở góc độ chính sách cho báo chí, phải khẳng định là chúng ta đang đổi mới rất mạnh mẽ khi các thuật toán chi phối, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động báo chí. Trong đó, thành công của một số nền tảng xuyên biên giới lớn là thuật toán điều hướng về quảng cáo.

Do đó báo chí phải hướng đến cá nhân hoá về quảng cáo, cái này liên quan đến chiến lược chuyển đổi số của từng cơ quan báo chí, liên quan đến dữ liệu lớn khách hàng, tăng trải nghiệm khách hàng… và đã có một số tờ báo cũng đang làm tốt. Thực tế, chúng tôi đã nghiên cứu để xây dựng hàng rào pháp lý để có chế tài xử lý khi các nền tảng xuyên biên giới vi phạm nhưng đây là vấn đề lớn khi mà chúng ta hội nhập sâu rộng với quốc tế, cần phải làm quyết liệt, tạo được sân chơi bình đẳng, nhưng phải trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Thúc đẩy thoả thuận hợp tác, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực chuyển đổi số

+ Thưa ông, chuyển đổi số là một chặng đường không trải hoa hồng và bài toán phía trước vẫn là câu chuyện giải pháp nào để con đường chuyển đổi số bớt những gập ghềnh?

- Vừa rồi, chúng tôi đã cùng với Đài truyền hình và các cơ quan báo chí xây dựng đề án phát triển cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện với những kiến nghị rất cụ thể về đầu tư cho chuyển đổi số từng giai đoạn, là đầu tư những gì, bao nhiêu tiền, nhưng cũng đang rất khó và rất vướng.

Chúng ta đều nhận thức về vai trò quan trọng của kênh truyền thông Nhà nước nhưng đâu đó mức độ quan tâm, đầu tư chưa tương xứng, chưa thống nhất. Chuyển đổi số rất cần mức độ quan tâm cao hơn để có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tương xứng với vị trí, vai trò và giá trị mà báo chí mang lại.

cuc bao chi se thanh lap trung tam ho tro chuyen doi so bao chi hinh 2

Ông Lưu Ðình Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm ảnh "Khoảnh khắc Báo chí năm 2021" do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức.

Ở góc độ quản lý chúng tôi đã có những giải pháp về chính sách, xây dựng chiến lược chuyển đổi số báo chí, thúc đẩy xây dựng nền tảng số dùng chung, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đảm bảo an toàn thông tin… Vừa rồi, Bộ TT&TT đã thúc đẩy hình thành 2 nền tảng số quốc gia cho lĩnh vực truyền hình và phát thanh. Nền tảng số đó được đầu tư bài bản, tất cả hệ thống truyền hình và hệ thống phát thanh trên toàn quốc sẽ có một nền tảng số dùng chung. Với hệ thống báo chí còn lại, chúng tôi cũng kỳ vọng có một nền tảng như vậy.

Hiện nay, bài toán chuyển đổi số của mỗi cơ quan báo chí là khác nhau. Vấn đề khó của cơ quan báo chí này lại là dễ của cơ quan báo chí khác và ngược lại. Do vậy, trước mắt, rất cần phải thúc đẩy thoả thuận hợp tác giữa các cơ quan báo chí với nhau, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực chuyển đổi số. Để thúc đẩy việc đó, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ và tới đây Cục Báo chí sẽ là đầu mối hình thành một Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số báo chí.

+ Một Trung tâm hỗ trợ là rất cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí đang gặp không ít những khó khăn. Thưa ông, Trung tâm dự kiến sẽ triển khai như thế nào?

- Hiện nay, các cơ quan báo chí đều đã ứng dụng công nghệ mới trong các khâu của quy trình xuất bản nhưng quả thực nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cơ quan báo chí chưa thực sự rõ nét, chưa đồng đều. Cục Báo chí sẽ thành lập “Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí”, với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp công nghệ để hỗ trợ, dẫn dắt, thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số báo chí… Khi mô hình này được triển khai, chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ điều tiết, làm một số công việc cụ thể.

Thứ nhất, thúc đẩy đào tạo bồi dưỡng cho lãnh đạo cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên về nhận thức và kiến thức. Thứ 2 là thúc đẩy học tập những mô hình triển khai có hiệu quả trong thực tế. Thứ 3 là chúng tôi sẽ xây dựng bộ chỉ số để đánh giá mục tiêu chuyển đổi số với mức độ áp dụng và hiệu quả như thế nào? Áp dụng một công nghệ mới thì bao nhiêu phần trăm phóng viên sử dụng, không sử dụng, vướng mắc ở đâu, hiệu quả của nó đem lại có tối ưu hoá quy trình làm việc hay không; tiết kiệm được thời gian hay không? Chỉ số về đổi mới trong quy trình sản xuất tin bài, chỉ số về doanh thu, về tài chính, chỉ số về trải nghiệm khách hàng?…

Ngoài ra, chúng ta phải cùng nhau xúc tiến hợp tác quốc tế. Nhà nước sẽ làm nhiệm vụ là đầu mối, báo chí sẽ tham gia để khảo sát và làm việc với các đối tác... Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ quan báo chí để làm thế nào tìm ra con đường chuyển đổi số đúng, mô hình kinh doanh đúng, hướng tới bảo đảm sự phát triển lành mạnh trên môi trường số.

+ Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!