Thời gian qua, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong khu vực phía Nam cơ bản đã bám sát chủ trương, định hướng và quan điểm xuyên suốt của chúng tôi là triển khai các hoạt động thiết thực gắn với quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) phụ trách phía Nam vào những ngày cuối năm 2022 khi ông đang rất bận rộn với vô số đầu việc, trong đó “làm sao để các hội viên, nhà báo khu vực phía Nam tiếp tục gắn bó, đoàn kết, góp phần vào sự phát triển chung của ngôi nhà HNBVN” là một trong những điều trăn trở và tâm huyết của một người nhiều năm nay gắn bó với hoạt động Hội.
Kết nối các cụm thi đua, nâng tầm giải khu vực
+ Tôi thấy rằng, guồng quay công việc của HNBVN ở khu vực phía Nam khá sôi động trong năm qua. Ngay từ khi ông là Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh cho đến khi đảm nhiệm cương vị mới thì các hoạt động Hội khu vực phía Nam vẫn luôn trong guồng quay đều đặn. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các nhiệm vụ, công việc đã và đang triển khai?
- Tôi nhận nhiệm vụ chính thức phụ trách phía Nam từ tháng 3/2022, đồng thời lúc đó còn kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, bận rộn nhiều công việc nên quả thực vẫn chưa có điều kiện để sâu sát hơn với các cấp Hội địa phương. Thế nhưng, với tôi thì các hoạt động Hội gắn liền với hoạt động báo chí năm qua và cho đến tận những ngày cuối cùng của năm vẫn đang diễn ra rất hiệu quả.
Trong lúc trả lời phỏng vấn của bạn, tôi cũng đang ở Bà Rịa - Vũng Tàu để tổ chức Chương trình “Trái tim biển đảo - Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” - một sự kiện rất ý nghĩa do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Báo Người Lao Động tổ chức.
Trong bối cảnh chung của Hội, thời gian qua hoạt động trong khu vực phía Nam cơ bản đã bám sát chủ trương, định hướng và quan điểm xuyên suốt của chúng tôi là triển khai các hoạt động thiết thực gắn với quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên. Đặt hội viên của mình là trung tâm cho mọi hoạt động thì bất cứ công việc gì triển khai mà cảm thấy hữu ích với họ, chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện.
+ Ông là người có rất nhiều ý tưởng trong hoạt động như việc đẩy mạnh hoạt động của các Câu lạc bộ, đưa ra giải pháp tăng nguồn thu, vấn đề bản quyền, chuyển đổi số… Thời gian tới, những tâm huyết ấy sẽ tiếp tục được ông lan tỏa, đẩy mạnh như thế nào, thưa ông?
- Với tôi, tổ chức Hội muốn mạnh thì quan trọng là phải chủ động suy nghĩ, đề xuất ra việc, ra các hoạt động và tổ chức phối hợp thực hiện. Chẳng hạn như về việc tổ chức các giải báo chí, tạo sân chơi nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo cũng cần có những đổi mới hơn.
Chẳng hạn như, năm nay, bên cạnh việc trao giải Báo chí truyền thống hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi đã vận động ra mắt, phát động Giải Báo chí viết về Đông Nam Bộ. Dự kiến tới đây, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một Giải Báo chí viết về Tây Nguyên và một giải viết về miền Trung. Như vậy, từ năm 2023 trở đi phấn đấu ở khu vực phía Nam sẽ có bốn giải báo chí về khu vực là: Đồng bằng sông Cửu Long; Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung.
Vì sao chúng tôi lại mở rộng và quan tâm đến vấn đề này? Là bởi, thực tế hiện nay, ở tất cả các tỉnh là đều có giải báo chí của tỉnh nhưng do cơ quan báo chí ít, chủ yếu chỉ có đài phát thanh, truyền hình, báo và một tạp chí nghệ thuật nên số lượng tham gia giải không nhiều. Trong khi đó, Giải Báo chí Quốc gia lại quá lớn, đôi khi quá tầm với phóng viên ở địa phương.
Vậy nên, chúng tôi mong muốn tổ chức các giải của HNBVN ở cấp khu vực để tạo ra sân chơi rộng hơn, thu hút các phóng viên tham gia tích cực hơn nữa. Đồng thời cũng khuyến khích các phóng viên, nhà báo phối hợp với nhau để không chỉ tuyên truyền cho tỉnh mình mà còn cho khu vực, cho liên vùng, đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay là phát triển liên vùng, kinh tế liên vùng, du lịch liên vùng, môi trường liên vùng... Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các câu lạc bộ cấp khu vực.
+ Các câu lạc bộ cấp khu vực, cụ thể là như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?
- Nếu như Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức các câu lạc bộ thuộc phạm vi thành phố, thì bây giờ chúng tôi đang bàn bạc và xin chủ trương thành lập câu lạc bộ Phát triển xanh dưới sự bảo trợ của Bộ Tài nguyên & Môi trường. CLB Phát triển xanh nhằm tuyên truyền thông tin về kinh tế xanh theo như cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ tại Hội nghị COP 26, COP 27. Bên cạnh đó, truyền thông giúp người dân và doanh nghiệp nhận thức về giảm rác thải, năng lượng tuần hoàn, kinh tế xanh, du lịch xanh,…
Trước mắt, chúng tôi sẽ phát triển hội viên tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ vì đây là trục tam giác trọng điểm kinh tế của cả nước, đồng thời cũng là nơi đặt ra các thách thức lớn về môi trường. Sau đó, sẽ phát triển tại Tây Nam bộ và miền Trung - Tây Nguyên. Chúng tôi đã dự định sẽ ra mắt CLB vào ngày 2/11, kỷ niệm tròn một năm Thủ tướng Phạm Minh Chính ký cam kết COP 26 nhưng do điều kiện khách quan nên phải rời lịch ra mắt vào đầu năm 2023.
Trong định hướng hoạt động của Hội trong khu vực phía Nam thời gian tới sẽ tiếp tục mở các CLB phóng viên liên vùng để tạo điều kiện cho các phóng viên của các tỉnh liên kết với nhau, thực hiện những tuyến bài dài hơi hơn và hiệu quả hơn dưới sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành, doanh nghiệp,… Từ đó, tạo ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn cho hội viên.
Phải quan tâm đến phát huy các nguồn lực
+ Tôi thấy là những ý tưởng của ông rất thú vị nhưng điều lo ngại chung vẫn là bài toán kinh phí. Thưa ông, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
- Xã hội hóa là chủ trương lớn của Nhà nước ta từ lâu nay trên các hoạt động, đặc biệt là những vấn đề trong lĩnh vực về văn hóa xã hội, thể dục thể thao, khoa học công nghệ là tập trung rất nhiều. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng trong năm 2023, Hội chúng ta nên nghiên cứu thực hiện các cuộc trao đổi, tọa đàm với các cấp Hội để cùng nhau tháo gỡ vấn đề, để có các cơ chế phát huy.
Chúng tôi mong rằng, ở các cấp Hội địa phương cũng có một cơ quan báo chí trực thuộc. Điều này sẽ giúp công tác truyền thông về các hoạt động của Hội được tốt hơn, đồng thời cũng tạo ra được những nguồn lực, nguồn thu mà pháp luật cho phép như các cơ quan báo chí khác để tái tạo lại nguồn kinh phí giúp hoạt động Hội hiệu quả hơn.
+ Nhưng quả thực, hướng triển khai đó chỉ dành cho các Hội địa phương lớn, còn các Hội địa phương vừa và nhỏ thì phương án chúng ta triển khai như thế nào thì phù hợp, thưa ông?
- Các Hội địa phương bây giờ có rất nhiều hoạt động theo hướng phục vụ thiết thực nhu cầu của hội viên gắn liền với tôn chỉ mục đích. Nhiều hoạt động được Tỉnh ủy và các địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện. Theo tôi, để huy động được nguồn lực, các cấp Hội địa phương cần phải chủ động, phải xã hội hóa thông qua các báo, đài trực thuộc Hội. Vì vậy, các cấp Hội phải kết hợp được các báo, đài để những chương trình của Hội chính là chương trình của các cơ quan báo chí.
Lúc ấy, khi chúng ta triển khai bất cứ hoạt động nào mà cần phải xã hội hóa thì các thành viên của Hội Nhà báo, cụ thể là các cơ quan báo, đài, tạp chí sẽ cùng ủng hộ thực hiện và đảm bảo quyền lợi về mặt truyền thông cho nhà tài trợ. Để thực hiện, phát huy các nguồn lực đó thì cần phải phát huy được vai trò, vị thế của Hội Nhà báo trong việc tập hợp, tạo thành “mái nhà chung” cho người làm báo và các cơ quan báo chí…
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!