Toàn cảnh bàn tròn Đối thoại Hữu nghị TP.HCM 2022. Ảnh: T.T.D/Tuổi Trẻ

Đúng vào ngày cuối cùng của năm, UBND TP.HCM công bố 10 sự kiện nổi bật trong năm 2022 với điểm sáng bao trùm là thành phố đã kiểm soát dịch bệnh thành công, kinh tế có sự phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GRDP là 9,03%.

Kết thúc năm 2022, TP.HCM với sự chung tay, góp sức của mọi tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể… cùng vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao độ, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Năm 2022 - năm của “Sức bật mạnh mẽ”, của “Những thành tựu”, “Cột mốc” và “Sự kiện” đáng tự hào. Việc công bố 10 sự kiện nổi bật là hoạt động thường niên của TP.HCM nhằm nhìn lại và đánh giá những sự kiện, hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong năm trên các lĩnh vực.

1. Tổng Bí thư thăm và làm việc với TP.HCM

Ngày 23/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác của Trung ương Đảng đã đến thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy, cán bộ chủ chốt của Thành phố về tình hình kết quả phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng từ sau Đại hội lần thứ XI Đảng bộ Thành phố, Đại hội lần thứ XIII của Đảng và 8 tháng năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Tổng Bí thư đã dành tình cảm hết sức đặc biệt cho Thành phố, Tổng Bí thư đã nói: “TP.HCM-một địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng, Thành phố nhiều lần anh hùng, Thành phố duy nhất của cả nước được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, đổi mới và luôn gợi nên niềm tin yêu, trìu mến trong đồng bào cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài, được bạn bè quốc tế nể trọng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại buổi làm việc. Ảnh: SGGP

Trong bài phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tổng Bí thư đã “đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với Thành phố để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị của TP.HCM với tinh thần "TP.HCM vì cả nước" và "Cả nước vì TP.HCM"; tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn nữa”.

2. Các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Chuỗi hoạt động kỷ niệm nhằm khẳng định công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt - người con ưu tú của Nam Bộ thành đồng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời thể hiện lòng thành kính tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.HCM đối với những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội thảo ngày 22/11/2022, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Đồng chí Võ Văn Kiệt là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh. Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi, vượt qua bao nhiêu cam go thử thách, từ một thanh niên yêu nước đến khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, cuộc đời đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi cùng năm tháng hào hùng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhất là của TP.HCM. Trong những thời điểm khó khăn có tính chất bước ngoặt, thì tài năng, trí tuệ, sự sắc sảo, phẩm chất bản lĩnh của đồng chí được hiển lộ rõ nét nhất".

3. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn TP.HCM được phát triển ngày càng rộng khắp

Tại thành phố mang tên Bác, không gian văn hóa Hồ Chí Minh chứa đựng, hội đủ nhiều giá trị đặc sắc riêng về không gian văn hóa vật thể, phi vật thể không phải nơi nào cũng có được. Không gian văn hóa vật thể Hồ Chí Minh là Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh; Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trang trọng trước trụ sở Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân Thành phố, trên quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ hướng về Bến Bạch Đằng – một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của Nhân dân Thành phố đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian gần đây, nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh được hình thành, đi vào hoạt động ngay tại trụ sở làm việc, các trường đại học và cả cơ sở thờ tự tôn giáo.

4. Chương trình “TP.HCM Chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City”

Chương trình “TP.HCM chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City” diễn ra xuyên suốt quá trình tổ chức các sự kiện: Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 8 năm 2022; Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 18 năm 2022; Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM năm 2022 (ITE HCMC 2022); Lễ hội Ẩm thực TP.HCM; Giải Marathon Quốc tế TP.HCM lần thứ 6 năm 2022; Giao lưu với đầu bếp quốc tế gắn sao Michelin; Ngày hội Khinh khí cầu… Và nhiều sự kiện hấp dẫn do Sở Du lịch phối hợp tổ chức để quảng bá, giới thiệu điểm đến TP.HCM như: Lễ hội Tết Việt, Liên hoan Lân Sư Rồng, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Festival Hoa lan, Tinh hoa Gạo Việt; Tinh hoa Nông sản Việt; Lễ hội Bánh mì Sài Gòn…

Định vị của điểm đến du lịch TP.HCM trên bản đồ thế giới ngày càng được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như "Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á", “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á” và "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á" của Tổ chức Du lịch thế giới (WTA); Điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất theo báo cáo của Agoda; Điểm đến hấp dẫn nhất khu vực trong mùa du lịch cao điểm hè (theo Tạp chí Travel & Leisure); là 1 trong 2 Thành phố của Châu Á năm trong top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới.

TP.HCM chính thức phát động chương trình quảng bá du lịch "TP.HCM chào đón bạn". Ảnh: Người Lao Động.

5. Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022

“Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 – HEF 2022” với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai” có sự tham dự của 29 chuyên gia quốc tế, 16 chuyên gia trong nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp; hơn 900 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 100 đại biểu trực tuyến.

Diễn đàn lần này khẳng định TP.HCM luôn năng động, sáng tạo, tiên phong triển khai các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, trong đó có Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và phát triển kinh tế số trong cả nước. Diễn đàn cũng tạo ra cơ hội hợp tác cho các cơ quan và chuyên gia trong, ngoài nước, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số.

6. Khánh thành cầu Ba Son

Cầu Ba Son dài gần 1,5 km với 6 làn xe, riêng phần cầu dài 885m. Công trình giúp hoàn thiện trục giao thông chính của thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Dự án cũng tạo sức hút đầu tư để hoàn thiện khu đô thị này trước năm 2030 - nơi được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính của quốc tế, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố.

Việc hoàn thành cầu Ba Son góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính, tăng cường kết nối khu vực Trung tâm Thành phố với bán đảo Thủ Thiêm, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức bật cho khu đô thị mới này để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030 theo Nghị quyết số 26-NQ/TU.

7. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử được UBND Thành phố chính thức ra mắt ngày 29/10/2022. Hệ thống mới được triển khai đáp ứng đầy đủ các tính năng, được kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống xác thực, định danh điện tử để chia sẻ, xác thực thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06.

Tính đến ngày 28/12/2022, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố đã cung cấp 436 dịch vụ công trực tuyến.

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: T.L/Thanh Niên.

8. Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM năm 2022

Chương trình Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP.HCM năm 2022 không chỉ mang đến thông điệp về vai trò của nhà nước về kiến tạo, mà còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác và chia sẻ trong hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng Chương trình chuyển đổi số từ tháng 6/2020. Mới đây nhất, Thành ủy TP.HCM đã ban hành chỉ thị số 17 ngày 27/8/2022 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Thành phố tập trung vào các nhiệm vụ chính như: nâng cao năng lực chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số: phát triển nền tảng số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số.

Đến nay, hơn 900 đơn vị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. 

9. Diễn tập DT 22

TP.HCM tổ chức thành công diễn tập xử lý tình huống về an ninh trật tự kết hợp với diễn tập về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. (DT22 TP.HCM). Buổi diễn tập DT-22 có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng trên địa bàn Thành phố và sự phối hợp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an, Sư đoàn Không quân 370 - Bộ Quốc phòng.

Diễn tập DT-22 đóng vai trò rất quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức về công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành xử lý tình huống của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố TP, Ban Chỉ huy thống nhất các địa phương; qua đó vận dụng hiệu quả vào thực tiễn xử lý các tình huống tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, bạo loạn, khủng bố xảy ra trên địa bàn; đồng thời giúp củng cố, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng Công an, Quân sự với các sở, ngành, địa phương của TP; đảm bảo duy trì, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu đến dự buổi diễn tập. Ảnh: Công An TP.HCM.

10. Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần thứ nhất năm 2022 với chủ đề “Thích ứng để phục hồi và kiến tạo phát triển”

Đây là sự kiện đối ngoại quy mô lớn lần đầu tiên của Thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19. Sự kiện được tổ chức nhằm triển khai kế hoạch thúc đẩy quan hệ giữa TP.HCM với các địa phương quốc tế, đặc biệt là các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững của TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, tạo thêm kênh giao lưu, kết nối và thắt chặt tình hữu nghị với các địa phương đã, đang và sẽ là đối tác cùng đồng hành với Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình phấn đấu vì mục tiêu hòa bình và phát triển, đồng thời thể hiện tính chủ động, sức hấp dẫn và vị trí ngày càng cao của Thành phố trong đời sống quốc tế ở cấp độ khu vực và thế giới.

Sự kiện có sự tham dự của hơn 20 lãnh đạo và đại diện các địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với TP.HCM đến từ nhiều quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Nga, các nước trong khối EU và khu vực ASEAN... 

 
PV