Phòng truyền thống Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) bên trong thủy đài ở quận 3 trưng bày hàng trăm hiện vật, sổ sách... về ngành nước từ thời Pháp.
Thủy đài (đài nước) nằm trong khuôn viên Tổng công ty cấp nước Sài Gòn - Sawaco, được người Pháp xây năm 1886. Trước đó, đài nước đầu tiên xây tại vị trí hồ Con Rùa trong giai đoạn 1878-1880, nhưng đã bị đập bỏ năm 1921. Hai công trình này khác nhau về kiến trúc, nằm cách nhau khoảng 150 m.
Thời Pháp thuộc, Sài Gòn là thủ phủ, trung tâm kinh tế quan trọng nhất ở Nam Kỳ. Cho nên việc cấp nước cho thành phố được đặt ra cho nhà quy hoạch đô thị thời bấy giờ. Thủy đài là bồn chứa đặt trên cao nhằm dự trữ nước, phục vụ cho nhu cầu cao điểm.
Bên trong thủy đài, gồm một trệt và hai tầng, vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Từ năm 2018, toàn bộ tầng trệt được Sawaco dùng làm phòng truyền thống, trưng bày 218 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về ngành cấp nước thành phố qua các thời kỳ. Trước đó tầng trệt để trống hoặc có thời gian được dùng làm việc và lưu trữ hồ sơ.
Phòng truyền thống được chia thành hai khu vực trưng bày sự hình thành và phát triển ngành nước thành phố qua nhiều giai đoạn. Các hiện vật được sắp xếp theo từng kệ riêng về máy móc, sổ sách, hình ảnh, con dấu... của ngành cấp nước từ thời thuộc Pháp mà Sawaco còn lưu trữ.
Bức ảnh tư liệu khổ lớn về tháp nước đầu tiên được xây dựng ở vị trí của Hồ Con Rùa hiện nay.
Hệ thống các ống dẫn nước bằng sắt thép từ bồn xuống tầng trệt được giữ nguyên trạng. Dưới nền được gắn kính chịu lực và lắp đèn để khách tiện tham quan kết cấu đường ống bên dưới.
Hiện vật được trưng bày nhiều nhất là các loại đồng hồ nước, khoá góc, van nước, ống... chủ yếu là từ thập kỷ 1950-1960.
Hệ thống do mực nước năm 1966 vẫn còn nguyên vẹn.
Một chiếc máy ảnh cổ từ thời Pháp được sử dụng cho việc ghi lại tư liệu hình ảnh của đơn vị cấp nước Sài Gòn thời ấy.
Một số loại giấy tờ hồ sơ ngành nước những giai đoạn đầu thế kỷ 20 được bảo quản cẩn thận trong tủ kính.
Tập nội san ngành cấp nước xuất bản năm 1965 (góc trái) và sổ ghi nước mưa của năm 1968.
Ngoài các hiện vật về chuyên môn ngành nước, phòng truyền thống còn lưu trữ kiến trúc, logo của các nhà máy nước ở Sài Gòn. Nổi bật là đầu rồng bằng gốm trang trí tại nhà máy nước Thủ Đức trước năm 1975.
Nhà máy nước Thủ Đức xây dựng năm 1966, cung cấp hơn 90% nguồn nước sạch người dân Sài Gòn khi ấy. Thời điểm hình thành, từng là nhà máy nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Ví trí thủy đài nhìn từ trên cao, góc phải là Hồ Con Rùa, nơi từng tồn tại đài nước đầu tiên của Sài Gòn. Năm 2016, thủy đài được công nhận là Di tích kiến trúc cấp thành phố.