Hiệp định Paris có hiệu lực từ 24 giờ (giờ GMT) ngày 27-1-1973. Thực hiện Hiệp định Paris, ngày 28-1-1973, toàn miền Nam thực hiện việc ngừng bắn và đến ngày 29-3-1973, lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 21-1-1973. Ảnh: Tư liệu
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 21-1-1973. Ảnh: Tư liệu

Chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” ở Thủ đô Hà Nội của quân dân Việt Nam vào cuối tháng 12-1972 đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, tạo thế vững mạnh cho 2 đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khi bước vào vòng cuối cùng của cuộc đàm phán tại Paris.

Với sự kiên quyết và khôn khéo đấu tranh của đoàn VNDCCH và đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, cùng việc đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội, ngày 23-1-1973, tại Paris, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt giữa đại diện của VNDCCH là cố vấn Lê Đức Thọ và đại diện Hoa Kỳ là cố vấn H. Kissinger. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao đại diện cho các Chính phủ tham dự hội nghị gồm: VNDCCH, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa.

Hiệp định Paris gồm 9 chương, 23 điều, gồm 4 loại điều khoản chính. Các điều khoản chính trị gồm: Mỹ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Mỹ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ miền Nam Việt Nam. Các điều khoản về quân sự gồm: 2 bên ngừng bắn, Mỹ rút hết quân trong 60 ngày; chấm dứt bắn phá miền Bắc; nhận tháo gỡ mìn do Mỹ đã rải ở miền Bắc. Các điều khoản về nội bộ miền Nam gồm: theo nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập hội đồng quốc gia hòa giải hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần để tổ chức tổng tuyển cử… Cùng với hiệp định, 2 bên ký 4 nghị định thư: Nghị định thư về ngừng bắn và các ban liên hợp quân sự; Nghị định thư về Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế; Nghị định thư về trao trả nhân viên các bên bị bắt; Nghị định thư về tháo gỡ, vô hiệu hóa mìn ở miền Bắc.

Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của một quá trình đấu tranh gian khổ suốt 5 năm liền - một khoảng thời gian dài chưa từng thấy trong lịch sử đàm phán, kể từ phiên họp đầu tiên vào ngày 13-5-1968 đến khi kết thúc vào ngày 27-1-1973. Hội nghị diễn ra với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Hiệp định Paris được ký kết là một thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; thắng lợi của chủ trương “vừa đánh, vừa đàm”, của sự phối hợp nhịp nhàng giữa đấu tranh trên chiến trường với đấu tranh trên bàn đàm phán của nhân dân Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Paris cũng là thắng lợi của nhân dân Đông Dương cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù chung; thắng lợi của lực lượng xã hội chủ nghĩa, của phong trào độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, tự do và tiến bộ trên thế giới. Với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt sự dính líu về quân sự. Chính quyền và quân đội Sài Gòn không còn chỗ dựa, bị suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng.

Hiệp định Paris được ký kết đã mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. Với việc Mỹ rút quân nhưng lực lượng chính trị và vũ trang Việt Nam vẫn ở miền Nam đã tạo ra so sánh lực lượng mới, tạo thuận lợi cho việc đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào, buộc Mỹ chấm dứt dính líu quân sự, đưa đến việc ký kết “Hiệp định về việc lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc” ở Lào ngày 21-2-1973, tạo điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn nước Lào vào năm 1975. Đối với Campuchia, Mỹ chấm dứt ném bom, đánh phá, mở đường và tạo cơ hội thuận lợi cho nhân dân Campuchia giành thắng lợi hoàn toàn vào tháng 4-1975. Hiệp định Paris và thắng lợi của nhân dân Việt Nam tạo cục diện mới ở Đông Nam Á, quân đội Mỹ rút khỏi Đông Dương, khối SEATO giải thể, xu thế hòa bình, trung lập trong khu vực phát triển.

Đánh giá thắng lợi của Hiệp định Paris, trong lời kêu gọi ngày 28-1-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước VNDCCH khẳng định: “Với việc Hiệp định Paris được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rất vẻ vang. Đây là thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam”; “Hiệp định Paris được ký kết là cơ sở chính trị và pháp lý đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, đảm bảo quyền tự quyết thiêng liêng của đồng bào ta ở miền Nam. Thắng lợi này là cơ sở để nhân dân ta tiếp tục tiến lên giành thắng lợi mới, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước” .

Với Hiệp định Paris, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, tạo ra thế so sánh lực lượng có lợi cho quân và dân miền Nam tiến tới đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1975.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hiệp định Paris - dấu chấm hết cho sự can dự của quân đội Mỹ tại Việt Nam

Những thất bại chiến lược, sự thiếu hiểu biết về địa lý, đánh giá thấp khả năng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là những yếu tố quyết định sự thất bại của quân đội Mỹ, dẫn đến Hiệp định Paris 1973. Đó là nhận định của các nhà lịch sử Mỹ.

Mỹ bị buộc phải ký kết Hiệp định Paris

Theo trang web historynewsnetwork.org, vào ngày 26-10-1972, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger tuyên bố “hòa bình đã ở trong tầm tay” tại Việt Nam. Điều đáng nhớ là khi Kissinger phát biểu, ông không đề cập đến một thỏa thuận vẫn đang được đàm phán với một dự thảo cuối cùng đã được Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng (phía Mỹ gọi tắt là Bắc Việt) chính thức chấp thuận (điều này được xác minh trong cả hồi ký của Tổng thống Mỹ Nixon và Kissinger). Vài giờ trước khi Kissinger bước lên bục trong phòng họp của Nhà Trắng để tuyên bố, hãng thông tấn chính thức của Hà Nội đã phát đi thông báo xác nhận thỏa thuận và đưa ra một phác thảo chi tiết về các điều khoản trong đó.

Hiệp định Paris - dấu chấm hết cho sự can dự của quân đội Mỹ tại Việt Nam ảnh 1

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissenger sau khi ký kết Hiệp định Paris 1973. Ảnh: Tư Liệu

Hồ sơ từ trang web historynewsnetwork.org cũng cho rằng chính Mỹ, chứ không phải Bắc Việt Nam, đã hủy bỏ dự thảo Hiệp định Paris tháng 10-1972. Sau khi chấp nhận bản dự thảo cuối cùng và lên lịch tổ chức lễ ký chính thức, các nhà đàm phán Mỹ đã hai lần hoãn ngày ký, và sau đó hủy bỏ vô thời hạn với lý do đồng minh của họ là Việt Nam Cộng hòa (vốn bị loại khỏi các cuộc đàm phán) không chấp nhận dự thảo hiệp định.

Theo trang web này thì truyền thông Mỹ, nhất là truyền thông quân đội, vào tháng 1-1973 dường như phớt lờ chuyện Tổng thống Nixon và Cố vấn An ninh Kissenger hủy bỏ ký kết dự thảo Hiệp định Paris tháng 10-1972. Thay vào đó, họ chỉ thông tin rằng “khi các cuộc đàm phán kéo dài, Tổng thống Nixon đã phát lệnh chiến dịch không kích Hà Nội vào tháng 12-1972, sau đó Bắc Việt do không có khả năng tự vệ, quay trở lại đàm phán và nhanh chóng đi đến một giải pháp”. Một số tờ còn kết luận trắng trợn: “Do đó, không quân Mỹ đóng vai trò quyết định trong việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài”.

Theo các nhà sử học Mỹ, so sánh giữa nội dung dự thảo Hiệp định Paris từ tháng 10-1972 và tháng 1-1973 có thể thấy rõ ràng rằng Bắc Việt Nam không nhượng bộ gì trong thỏa thuận, cho dù Mỹ đã mang bom “rải thảm” miền Bắc Việt Nam hai đợt, từ tháng 5 đến tháng 10-1972 và từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972. Ngoài một số thay đổi nhỏ về thủ tục và một số sửa đổi về từ ngữ, hai văn bản này giống hệt nhau về nội dung, chứng tỏ rằng 2 đợt ném bom của Mỹ không làm thay đổi các quyết định của Hà Nội theo bất kỳ cách nào.

Hơn hết, các cuộc ném bom tuy có gây những tổn thất nặng về cơ sở vật chất cho phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng gây một làn sóng bất bình lớn từ chính người Mỹ, dư luận và chính giới của các nước trên thế giới, trong đó có cả các đồng minh lâu dài của Mỹ. Uy tín của Chính phủ Mỹ bị xuống thấp nghiêm trọng. Bị phản đối trong nước, bị cô lập trên trường quốc tế, gặp phải sự chống trả hiệu quả gây thiệt hại lớn cho lực lượng không quân chiến lược, lại không thể buộc đối phương thay đổi lập trường, Tổng thống Richard Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch ném bom vào ngày 30-12-1972, đề nghị nối lại đàm phán tại Paris. Tại đây, Mỹ chấp nhận ký kết Hiệp định Paris trên cơ sở dự thảo mà trước đó họ đã từ chối ký kết. Sau cùng, các nhà sử học Mỹ kêu gọi Lầu Năm Góc và cả những người liên quan đến các vấn đề chính sách an ninh quốc gia hiện tại nên coi trọng sự thật lịch sử.

Những cột mốc thất bại của phe chủ chiến tại Mỹ

Cựu chiến binh tại Việt Nam và là nhà sử học quân sự Jerry Morelock đặt câu hỏi: “Mỹ thua trong Chiến tranh Việt Nam khi nào?”. Hầu hết những người được hỏi có chút hiểu biết về chiến tranh đều có thể trả lời: “Ngày 30-4-1975”. Nhưng có chính xác?

Có ý kiến cho rằng ngày 2-11-1963 diễn ra cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, hay ngày 22-11-1963 xảy ra vụ ám sát Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy cũng có thể được xem là ngày cuộc chiến đã kết thúc, không thể cứu vãn được nữa, vì họ tin rằng ông Kennedy có thể đưa Mỹ thoát khỏi tình trạng sa lầy tại Việt Nam. Tuy nhiên, đó là những phỏng đoán.

Theo nhà sử học Morelock, ngày 30-4-1975 được công nhận là kết thúc chiến tranh, nhưng những sự kiện vào những ngày trước đó đã tạo ra những phản ứng chuyển động khiến cho thất bại của Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Một sự kiện đặc biệt đã giáng một đòn nghiêm trọng vào sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến tại Việt Nam: Cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân bắt đầu vào ngày 30-1-1968. Quy mô lớn của các cuộc tấn công và thương vong cao của Mỹ đã khiến nhiều người Mỹ bị sốc. Tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến, vốn đã giảm trong các cuộc thăm dò ý kiến của Viện Gallup, đã giảm xuống 40% trong những tháng sau Tết Mậu Thân, so với 50% một năm trước đó, và không bao giờ hồi phục.

Sau khi Hiệp định Paris ký kết tháng 1-1973, Tu chính án Case-Church đã được sửa đổi và được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 6 cùng năm, ký thành luật vào ngày 1-7-1973. Động thái này được ví như con dao găm cắm vào ngực những người chủ chiến ở Nhà Trắng. Tổng thống Richard Nixon, bị cản trở về mặt chính trị do vụ Watergate đang diễn ra, đã không thể ngăn cản việc thông qua Tu chính án Case-Church. Tu chính án này kèm theo Nghị quyết về Quyền hạn Chiến tranh của Quốc hội Mỹ vào tháng 11-1973 đã hạn chế nghiêm trọng khả năng điều hành của tổng thống với các lực lượng quân sự tham chiến.

Sau Hiệp định Paris, Quốc hội Mỹ - do các chính trị gia cam kết chấm dứt chiến tranh kiểm soát - đã tập trung sự chú ý vào nhiệm kỳ của Tổng thống Nixon hơn là vào Việt Nam Cộng hòa. Vì vậy, vào tháng 7-1973, Quốc hội Mỹ phản ánh nguyện vọng của cử tri, đã cấm can thiệp quân sự vào miền Nam Việt Nam. Việc Tổng thống Nixon từ chức sau đó là một dấu hiệu khác cho thấy sự hỗ trợ của Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa đã chấm dứt.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 

Kỷ niệm 50 năm ký Hiệp định Paris - Bài 2: Chuyện của người phiên dịch trong Hiệp định Paris 1973

Trước khi gọi điện cho ông, chúng tôi thầm nhủ, có lẽ khó gặp được thời điểm này bởi ông là một trong những nhân chứng sống hiếm hoi từng tham dự đàm phán trong Hiệp định Paris năm 1973 nên chắc chắn đã ở tuổi xưa nay hiếm, độ minh mẫn bị ảnh hưởng hoặc đang bị “bủa vây” trong lịch trình dày đặc những cuộc hội thảo, tọa đàm dịp chẵn kỷ niệm 50 năm sự kiện này. Tuy nhiên, kết quả lại thật khác…
Ông Phạm Ngạc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP tại nhà riêng. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Ông Phạm Ngạc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP tại nhà riêng. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Những ẩn ý của ngôn từ

Mở cửa cho chúng tôi là một ông cụ cao gầy, quắc thước và rất nhanh nhẹn. Thoạt trông, không ai nghĩ ông đã ở cái tuổi sắp 90. “Không sao, cứ đi cả giày vào, tôi sống có một mình ở đây thôi”, ông cười niềm nở. Khi bước vào, căn phòng khách của căn hộ tập thể rộng chừng 15m2, được “trang trí” bằng tràn ngập sách và ảnh. Nó như một kho lưu trữ ký ức và thời gian về những năm tháng cuộc đời làm trong ngành ngoại giao của chủ nhân.

Ông là Phạm Ngạc, người phiên dịch cho phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) trong các cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris, ở cả các cuộc đàm phán trong hội nghị công khai chính thức lẫn những cuộc tiếp xúc và đàm phán bí mật giữa Hà Nội và Washington. Ông tham gia phiên dịch từ những ngày đầu diễn ra hội nghị (năm 1968) cho đến khi Hiệp định Paris được chính thức ký kết (27-1-1973). Ông cũng là nhân chứng trực tiếp chứng kiến nhiều cuộc đấu trí cam go giữa ta và phía Mỹ trên bàn đàm phán trong suốt quá trình 4 năm 8 tháng ròng rã.

Năm 1968, khi làm phiên dịch cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy trong các cuộc đàm phán tại hội nghị Paris, ông mới 33 tuổi, nằm trong số trẻ nhất đoàn. Ông kể, có lần đến phòng họp để phiên dịch đàm phán, trong thang máy đi lên lầu trên, còn có 2 đại diện của đoàn đại biểu phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Khi hỏi chuyện, biết ông là đại biểu của đoàn VNDCCH, một người trong họ nói: “Ông còn trẻ quá” (có ý rằng chưa có kinh nghiệm ngoại giao). Khi đó, ông đã đáp lại: “Các ông đánh giá thấp tôi quá”.

“Bác học ngoại ngữ ở đâu và học từ khi nào?”, tôi hỏi.

“Tôi tự học. Thế hệ chúng tôi phần lớn đều phải tự học cả, làm gì được đào tạo trường lớp như bây giờ”, ông nói.

Hóa ra, ông không chỉ giỏi tiếng Anh mà ông còn rất thông thạo tiếng Trung, tiếng Pháp và cả tiếng Nga. Khi được hỏi trong khi phiên dịch, nhất là phiên dịch trong một hội nghị đặc biệt quan trọng như hội nghị Paris với những cuộc đàm phán đấu trí cân não, cách dịch của ông như thế nào, ông nói rằng tôi dịch thoát ý, dịch theo ý chứ không chỉ khư khư bám vào kiểu “word by word”. Theo ông, làm người phiên dịch không chỉ có vai trò dịch mà còn phải hiểu biết, phải có phông văn hóa rộng thì mới có thể diễn đạt lại thanh thoát, trôi chảy các diễn ngôn.

Trước ông, từng có một người khác làm phiên dịch cho Bộ trưởng Xuân Thủy, nhưng sau một vài lần dịch thì đã bị “vấp”. Một lần, trong một hội nghị công khai, khi Mỹ tiếp tục ném bom miền Bắc, các cuộc đàm phán khi đó bị gián đoạn, một nhà báo quốc tế đã hỏi Bộ trưởng Xuân Thủy rằng: Miền Bắc Việt Nam có còn muốn tiếp tục đàm phán nữa hay thôi? Bộ trưởng Xuân Thủy trả lời rằng: Chúng tôi không câu nệ chuyện ấy. Ý của ông Xuân Thủy là chúng tôi (miền Bắc) vẫn sẵn sàng đàm phán, không ngại gì cả. Nhưng người phiên dịch khi ấy lại không biết cách diễn đạt từ “câu nệ” trong tiếng Việt sang tiếng Anh thế nào cho trôi chảy, nên đã dịch nhầm sang thành “chúng tôi không đàm phán”. Bộ trưởng Xuân Thủy nghe xong đã nhíu mày, biết người phiên dịch đã dịch sai nên ngay lập tức ông đã đính chính lại câu trả lời của mình cho vị nhà báo nước ngoài kia.

Một lần khác là trong một cuộc đàm phán bí mật chỉ có đại diện Hà Nội và Washington do cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn Kissinger làm trưởng đoàn. Cuộc đàm phán được giấu kín và diễn ra trong bí mật. Thế nhưng, ngay khi vừa bắt đầu thì trong phòng lại xuất hiện thêm một nhà báo Mỹ. Khi đó, ông Lê Đức Thọ đã tỏ ý không hài lòng, nói với ông Kissinger: “Tôi nghi ngờ chính phía các ông đã vi phạm thỏa thuận của chúng ta” (trước đó hai bên đã thỏa thuận là đàm phán bí mật, giấu kín). Nhưng khi đó, người phiên dịch của ta lại dịch không đúng ý. Khi nghe dịch, ông Lê Đức Thọ đã không hài lòng. Tuy nhiên, đến khi Phạm Ngạc được thay thế làm phiên dịch chính, thì cả ông Lê Đức Thọ lẫn ông Xuân Thủy đều rất hài lòng. Bởi ông dịch đúng ý người nói, diễn dịch thanh thoát, trôi chảy, thậm chí còn biết dùng cả những ẩn ý.

Cũng nhờ lối dịch của ông mà phía Mỹ đã hiểu rõ hơn quan điểm của Việt Nam, nhất là các nội dung có tính quyết định trong đàm phán. Các bản chép tay tốc ký để dịch của ông trong các cuộc đàm phán, sau mỗi cuộc họp, đều được thu lại và nằm trong số các tài liệu quan trọng mà ông Lê Đức Thọ đem về nước để báo cáo với Bộ Chính trị. Về sau, ông mới được người khác cho biết, nhiều bản ghi tốc ký của ông được xếp vào loại tài liệu tuyệt mật.

Thông điệp ngầm bên hành lang

Vào những năm đầu 1970, các cuộc đàm phán đi vào thế giằng co và bế tắc. Phía Chính phủ VNDCCH kiên quyết giữ vững lập trường của mình đó là người Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi Việt Nam; còn phía Mỹ thì ngoan cố, lảng tránh vấn đề. Khi đó, báo chí quốc tế viết rằng, người Mỹ ngừng ném bom để đàm phán và giờ đây họ lại ngừng đàm phán để chuẩn bị ném bom…

Sự ngoan cố của phía Mỹ và VNCH còn thể hiện từ trước đó, ngay giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị. Ông Ngạc kể, lúc đầu, Mỹ và VNCH đều không công nhận phái đoàn đàm phán đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (trực tiếp là Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - LTCHMNVN). Họ tuyên bố chỉ đàm phán với phái đoàn đại diện Chính phủ VNDCCH, không công nhận đại diện phái đoàn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (LTCHMNVN) vì theo họ đây chỉ là “cánh tay nối dài của Bắc Việt”. Do đó, ngay cả khi có phái đoàn đại diện Chính phủ LTCHMNVN ngồi bên, Kissinger cũng chỉ nhìn thẳng vào phái đoàn VNDCCH để nói chuyện. Lúc ấy, chúng ta lại có cách ứng phó lại. Trưởng phái đoàn đàm phán VNDCCH là Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy không phát biểu trước, thay vào đó để cho đại diện phái đoàn Chính phủ LTCHMNVN là bà Nguyễn Thị Bình phát biểu trước, cùng tham gia đối thoại. Ban đầu, phái đoàn Mỹ và VNCH không lắng nghe bà Nguyễn Thị Bình nói, nhưng sau nhiều lần như vậy, họ đã buộc phải nghe. Đó cũng là sự thành công của ngoại giao.

Kỷ niệm 50 năm ký Hiệp định Paris - Bài 2: Chuyện của người phiên dịch trong Hiệp định Paris 1973 ảnh 1

Ông Phạm Ngạc say sưa kể về đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh trong Hội nghị Paris. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò trước khi đàm phán, đó là phải ứng phó linh hoạt, phải hiểu đúng nguyên tắc “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, nghĩa là cả hai đoàn Chính phủ VNDCCH và Chính phủ LTCHMNVN phải thể hiện vai trò đúng từng thời điểm và tùy hoàn cảnh đàm phán.

Nhưng, nói vậy cũng không phải là không có những người Mỹ yêu chuộng hòa bình và có thành ý với Việt Nam. Ngay trong phái đoàn Mỹ cũng có những người mong muốn hòa bình. Ông kể, khi đàm phán, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VNDCCH là ông Nguyễn Cơ Thạch đã đặc biệt chú ý đến một người là trợ lý về pháp lý, đại diện cho Quốc hội (lưỡng viện) Mỹ của phái đoàn Mỹ. Ông Thạch nói riêng với ông: “Cậu hãy chú ý người này”.

Lúc nghỉ giải lao giữa cuộc đàm phán, khi dùng cà phê ngoài hành lang, ông đã đứng trò chuyện với vị đại diện cho Quốc hội Mỹ. Vị này đã nói với ông: “Ở Mỹ, khi ôm hôn tạm biệt con trai để sang đây đàm phán với các ông, con trai tôi nói với tôi rằng con không muốn có chiến tranh, con muốn hòa bình”. Ông đã kể chuyện này với ông Nguyễn Cơ Thạch, ông Thạch cười tươi bảo: “Đó là tín hiệu tốt”. Ông kể: Về sau, tôi mới được biết, ông Thạch chú ý đến vị đại diện pháp lý Quốc hội Mỹ trong đoàn đàm phán vì ông muốn qua thái độ của ông ta để đoán xem quan điểm của Quốc hội Mỹ đối với hội nghị Paris, với cuộc chiến tranh ở Việt Nam như thế nào. Lời nói của vị đại diện Quốc hội Mỹ trong lúc cà phê giải lao bên hành lang khi ấy cũng có thể xem là tín hiệu ngầm được bắn đi của Quốc hội Mỹ, rằng họ đã quá mệt mỏi, họ không muốn kéo dài thêm cuộc chiến. Nhận định này về sau đã được chứng minh hoàn toàn chính xác. Sau Hiệp định Paris 1973, Quốc hội Mỹ đã cắt giảm các khoản viện trợ khổng lồ mà trước đây vẫn “bơm” cho VNCH. Thậm chí, ngay cả khi trúng cử tổng thống lần hai, Nixon lật lọng, muốn kéo dài thêm cuộc chiến, song Quốc hội Mỹ đã khước từ.

Nhưng vào thời điểm ấy, việc nắm bắt và “giải mã tín hiệu ngầm” nói trên của Quốc hội Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng trong đàm phán của chúng ta. Từ đó, chúng ta càng kiên quyết và chủ động tấn công trên bàn ngoại giao, bảo vệ vững chắc lập trường và quan điểm đúng đắn của mình, khiến Mỹ phải xuống thang và chấp thuận các điều khoản mà ta đưa ra, đi đến ký kết hiệp định.

Đối thủ nể phục

Sau 50 năm, một quãng thời gian đủ dài để có thể nghiền ngẫm, xem xét một sự kiện lịch sử từ nhiều khía cạnh, theo ông Ngạc, Hiệp định Paris năm 1973 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh là theo nguyên tắc độc lập, tự chủ, tránh sự can thiệp của nước lớn. Có một điều rất đáng chú ý - và cũng có thể nói là khác biệt giữa Hiệp định Paris năm 1973 với Hiệp định Geneve năm 1954 đó là sự độc lập, tự chủ trong đàm phán ngoại giao của Việt Nam. Nếu như năm 1954, các cuộc đàm phán có sự góp mặt của Liên Xô và Trung Quốc thì năm 1973 tại hội nghị Paris, các cuộc đàm phán chỉ có phía VNDCCH và sau này có thêm Chính phủ LTCHMNVN chủ động đàm phán. Điều này vừa thể hiện sự trưởng thành về ngoại giao cũng như đã chứng minh được đường lối đúng đắn về ngoại giao độc lập, tự chủ, tránh sự can thiệp của bên ngoài gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của dân tộc.

Chính sự độc lập, tự chủ trong đàm phán ngoại giao của ta đã khiến phái đoàn Mỹ cũng rất tôn trọng. Trưởng đại diện đoàn đàm phán của Mỹ khi ấy là ông Henry Kissinger đã tặng quà cho hai đại diện trong đoàn đàm phán của Việt Nam. Biết Bộ trưởng Xuân Thủy là người rất chỉn chu trong tác phong và ăn mặc, nên khi tặng quà, phía Mỹ đã tặng ông Xuân Thủy một chiếc cà vạt, còn ông Lê Đức Thọ thì họ đã tặng ông một chiếc bút.

-------------------------------------------------------------------------
 

Kỷ niệm 50 năm ký Hiệp định Paris - Bài 3: Hiệp định Paris 1973 là mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 – 27-1-2023), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về ý nghĩa lịch sử cũng như bài học kinh nghiệm quý báu đối với ngoại giao Việt Nam qua thắng lợi trong đàm phán để đi đến ký kết hiệp định này.
Bà Nguyễn Phương Nga trả lời phỏng vấn. Ảnh: HOÀNG MẠNH
Bà Nguyễn Phương Nga trả lời phỏng vấn. Ảnh: HOÀNG MẠNH

PHÓNG VIÊN: Bà đánh giá như thế nào về những thành công và tầm vóc lịch sử của Hiệp định Paris 1973 trong tiến trình lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta?

Bà NGUYỄN PHƯƠNG NGA: Thành công của Hiệp định Paris 1973 là một mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam cũng như trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành đàm phán trên tư cách là một Nhà nước độc lập có chủ quyền với một nước lớn, thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Thành công này chứng tỏ sức mạnh, truyền thống ngoại giao Việt Nam kết hợp với vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa đánh và đàm, giữa đấu tranh trên bàn đàm phán với những thắng lợi trên chiến trường và thắng lợi trong công cuộc bảo vệ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Thành công của Việt Nam tại Hiệp định Paris là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Đó là thành công của rất nhiều năm kháng chiến chống Mỹ, của các thắng lợi trên chiến trường, thắng lợi của phong trào chống xâm lược của nhân dân miền Nam và thắng lợi của nhân dân miền Bắc trong việc đập tan âm mưu của Mỹ là sử dụng sức mạnh quân sự, lực lượng phòng không đánh phá miền Bắc để đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Chúng ta đã mang lên bàn đàm phán sức mạnh của cả dân tộc. Nhưng, thành công của Hiệp định Paris còn ở chỗ kết hợp sống động, hài hòa, nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa ý chí đấu tranh của dân tộc ta với nguyện vọng, khát khao của nhân dân thế giới vì hòa bình và độc lập dân tộc, sức mạnh của đoàn quốc tế.

Bà đánh giá thế nào về vai trò của ngoại giao nhân dân trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris?

Đoàn kết quốc tế dành cho Việt Nam không phải chỉ đến khi quá trình đàm phán Hiệp định Paris bắt đầu được khởi động hay lúc chúng ta tiến đến việc ký kết mà đây là cả quá trình từ khi chúng ta giành được độc lập năm 1945, cũng như trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thắng lợi này là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân, kết hợp với truyền thống hòa hiếu của ngoại giao Việt Nam, của cha ông ta. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, về sức mạnh của nhân dân được vận dụng sáng tạo trong quá trình đàm phán và tiến tới ký kết Hiệp định Paris.

Ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, chúng ta đã thành lập những tổ chức hữu nghị đầu tiên của Việt Nam để vận động, không chỉ là nhân dân các nước bạn, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới mà để vận động chính trong những nước mang quân đánh, xâm lược Việt Nam.

Kết quả của bài học kinh nghiệm những năm kháng chiến chống Pháp được phát huy cao độ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Trong giai đoạn đàm phán, chúng ta đã tiến hành hàng trăm cuộc họp báo, hàng nghìn cuộc tiếp xúc với báo chí, nhân dân các nước; đã cử nhiều đoàn đi khắp nơi để vạch trần tội ác của đế quốc, làm rõ bản chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam và thắng lợi của ta trên chiến trường; bác bỏ những thông tin sai lệch làm cho người ta có thể hiểu sai về thiện chí của chúng ta, làm cho nhân dân thế giới nhận thức rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam. Đó không phải là nền hòa bình bị áp đặt mà là nền hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, quyền tự quyết, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Hiệp định Paris còn ở chỗ Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Chúng ta đã thực hiện được di huấn của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, chiến thắng từng bước để tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Đây là bài học lịch sử quý giá về đấu tranh giữ nước cũng như đối ngoại nhân dân.

Cho đến ngày hôm nay, những bài học kinh nghiệm quý giá của quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Paris của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay.

Thứ nhất, đó là ý chí kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong giai đoạn Hiệp định Paris, lợi ích quốc gia, dân tộc là hòa bình, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Việt Nam. Ý chí kiên định đó đến bây giờ chúng ta vẫn phải tiếp tục để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; là bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam.

Thứ hai, đó là sức mạnh của nhân dân, của đoàn kết quốc tế và sự ủng hộ, đoàn kết của nhân dân quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Muốn làm được điều này, trước hết, chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ xây dựng đất nước để cho hình ảnh của Việt Nam luôn là hình ảnh đẹp, để những điều Việt Nam làm phải được bạn bè quốc tế cảm phục, ngưỡng mộ và ủng hộ. Đồng thời, chúng ta phải làm tốt nghĩa vụ của mình đối với quốc tế, như việc Việt Nam ủng hộ, hỗ trợ bạn bè trong phòng chống dịch Covid-19. Những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ như ủng hộ khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ phòng dịch nhưng có ý nghĩa rất lớn. Đó là sự thủy chung với bạn bè, sẵn sàng chia sẻ, gánh vác những trách nhiệm chung. Từ những việc nhỏ đó cho tới việc Việt Nam cử cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ở những quốc gia xa xôi và còn nhiều gian khó.

Thứ ba, đó là sự đoàn kết, đồng lòng, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại cũng như các cơ quan, ban, ngành trong toàn bộ hệ thống chính trị để nội lực Việt Nam thật mạnh, có tiếng nói chung, thống nhất, đoàn kết nhất trí trong việc xử lý các vấn đề về đối ngoại, có được sự đồng thuận trong nước. Khi nào chúng ta có được sự đồng thuận cả trong nước và quốc tế thì lúc đó chúng ta có được sức mạnh vô cùng to lớn.