Ông Phan Văn Mãi tự hạ một bậc thi đua vì tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm qua của TP HCM chỉ đạt 68%, thấp hơn chỉ tiêu được giao từ đầu năm.

Tại hội nghị cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, sáng 1/2, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết năm 2022 thành phố có những thành quả đạt được rất tốt, nhưng cũng có nhiều mặt hạn chế cần khắc phục. Trong đó, kết quả giải ngân đầu tư công chỉ dưới 70%.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 31/1, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn TP HCM năm 2022 đạt 68% - hơn 25.490 tỷ đồng, thấp hơn chỉ tiêu được giao từ đầu năm là 95%.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị sáng 1/2. Ảnh: Hương Thảo

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị sáng 1/2. Ảnh: Hương Thảo

Theo ông Mãi, trách nhiệm giải ngân đầu tư công thấp thuộc Chủ tịch TP HCM, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cùng phó giám đốc phụ trách đầu tư công và các trưởng ban. Người đứng đầu đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0 đồng sẽ không được đánh giá "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".

"Tôi cũng tự động giảm một bậc thi đua", ông Mãi nói và cho biết năm nay thành phố sẽ siết kỷ cương kỷ luật với đầu tư công vì việc này có vai trò rất lớn trong thu hút đầu tư cho xã hội.

Theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có 4 mức đánh giá: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đối với cán bộ, công chức); hoàn thành nhiệm vụ (đối với viên chức); và không hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối năm ngoái, Chủ tịch TP HCM cũng yêu cầu xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và hưởng thu nhập tăng thêm của lãnh đạo dựa trên kết quả giải ngân đầu tư công theo 4 mức: dưới 30%; 30-50%; 51-79%; và trên 80%. Hiện, thành phố chưa chính thức xếp loại các chủ đầu tư vì đang chờ Kho bạc Nhà nước cập nhật để chốt tỷ lệ giải ngân từng đơn vị.

Về giải pháp năm 2023, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu với dự án đã được phân bổ vốn, chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai ngay. Đến tháng 7 nếu không làm rõ được kế hoạch giải ngân, thành phố sẽ điều vốn sang dự án khác. Với dự án còn trong danh mục dự phòng, tháng 3 thành phố sẽ có kỳ họp HĐND chuyên đề để phân bổ vốn tiếp. "Tinh thần là phân bổ vốn trước nửa đầu năm để có vốn triển khai", ông Mãi nói.

UBND TP HCM cũng tiếp tục vận hành ba tổ công tác và giao ban hàng tháng để kịp thời điều chỉnh vốn, giải quyết vướng mắc khó khăn, gồm: Tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn; Tổ công tác rà soát các khó khăn cho dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, năm 2023, thành phố được giao hơn 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, gấp đôi 2022. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh nhiều khó khăn khách quan và nội tại. Lãnh đạo Sở cho biết sẽ chia các dự án thành 4 nhóm để quy định rõ trách nhiệm, đẩy tiến độ: đã hoàn thành, đang thực hiện thủ tục quyết toán; chuẩn bị đầu tư; khởi công mới; chuyển tiếp sang 2023 tiếp tục thi công, thực hiện.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên nói "đã hết Tết" và yêu cầu các đơn vị nhanh chóng làm việc trở lại bình thường, hạn chế hội họp, tham quan, du lịch.

Theo ông Nên, 2023 được dự báo là năm có nhiều thời cơ nhưng cũng đan xen thách thức, đặc biệt là nguy cơ kinh tế suy thoái nên TP HCM phải nỗ lực rất lớn để phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra năm nay là 7,5%-8% và giai đoạn 2020-2025 là 8-8,5%.