NẮNG ẤM PHƯƠNG NAM…

Để thực hiện hết khối lượng công việc đã đề ra, suốt bốn ngày, chúng tôi đã phải di chuyển từ 4 giờ sáng đến 22 giờ mới quay về nơi nghỉ trọ. Bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi một cách thân thương, chương trình “chuyển nắng ấm phương Nam đến Hà Giang giá lạnh”.

 

 

Chương trình từ thiện tại Hà Giang năm nay tổng trị giá 4,1 tỷ đồng, do nhóm từ thiện của bà Mai Thị Hạnh gồm các doanh nhân và tình nguyện viên phối hợp với Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Thanh Phong, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Kinh tế Tài chính GHPG Trung ương và GHPGVN tại Hà Giang thực hiện.

Bà Mai Thị Hạnh và các thành viên trong đoàn trao quà cho bà con

Suốt 4 ngày liền, vượt hàng ngàn cây số đèo dốc cheo leo, dưới những cơn mưa rừng tầm tã, đoàn từ thiện đã trao tận tay 1.300 hộ nghèo phần quà tặng (trị giá 1 triệu đồng/phần), nơi bản làng xa xôi nhất như: Sảng Lò, Tả Chà Lảng, Lò Lử Phìn, Cốc Pại, Pải Lủng (huyện Mèo Vạc) và xã Sính Lùng, Tả Phìn (huyện Đồng Văn) và tại huyện Vị Xuyên.

Đường đi khó, đèo dốc quanh co, thật gian nan, thế nhưng, ở các điểm đến, xe vừa dừng, mấy chục người phố thị trên xe chợt tỉnh hẳn và họ trở thành những “cửu vạn” chuyên nghiệp, bốc dỡ hàng chục tấn gạo, thực phẩm rất gọn gàng.

Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Thượng tọa Đồng Huệ (trụ trì chùa Quan Âm, Hà Giang), Thượng tọa Thích Đức Tuấn (từ Mỹ về),.. cũng “vào vai cửu vạn” khiêng vác, chuyển hàng hóa giữa cơn mưa rừng giá buốt.

Chị Liên Nhã, trưởng nhóm từ thiện luôn tay, luôn miệng nhắc mọi người nhanh tay để bà con còn kịp về nhà. Ở một góc sân, chị Liên (GĐ BV Phụ sản Quốc Tế), chị Thu Hà (ngân hàng ACB), bà Mai Thị Hạnh, chị Võ Bạch Tuyết… đã giúp hàng trăm cháu nhỏ nếm vị ngọt của bánh, kẹo. Những đứa trẻ miền cao cẩn thận phủi đôi chân lấm đầy bùn trong đôi dép tổ ong cũ rách để thử dép mới. Chúng cười khúc khích với nhau… Tiếng cười trong veo khiến chúng tôi thấy ấm áp lắm, dù thời tiết trong máy chúng tôi báo 4C.

Các em thử dép mới vừa được tặng

MÙA ĐÔNG ẤM Ở CAO ĐIỂM 468

Những câu chuyện kể về những ngày khói lửa ngập tràn khu cửa khẩu Thanh Thủy, sát biên giới Trung Quốc năm xưa chưa bao giờ nhạt trong lòng người dân Việt. Ngày 12/7/1984, ngày mà hơn 600 chiến sĩ của Trung đoàn 876, Sư 356 đã trở thành liệt sĩ; đó là ngày mà hàng trăm người lính khác đã chiến đấu trong nước mắt khóc thương đồng đội, trong tiếng thét tiến quân cố giữ vững mảnh đất biên giới, dưới một trời mưa bom, bão đạn của quân Trung Quốc từ đỉnh núi Nậm Ngặt nã xuống.

Ngã ba Thanh Thủy, bên dãy núi Nậm Ngặt mây mù che phủ quanh năm, Nhà tưởng niệm được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đứng ra vận động từ 2013 và chính thức khởi công xây dựng từ 2015, ngay tại chính nơi hàng ngàn chiến sĩ ta đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, năm xưa, cao điểm 468. Từ Nhà tưởng niệm, ta có thể nhìn rõ các cao điểm mà quân ta chiến đấu oanh liệt năm xưa như: 772, 685.

Nhà tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại cao điểm 468, Vị Xuyên, Hà Giang.

Để tỏ lòng tri ân sự hy sinh của hàng ngàn liệt sĩ tại mặt trận Vị Xuyên năm xưa, đoàn từ thiện đã thực hiện Lễ cầu siêu và chẩn tế cho hương linh các chiến sĩ vị quốc vong thân tại cao điểm 468, 772, 685, cầu nguyện đất nước hòa bình, nhân dân an lạc.

Ngoài Thượng tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Hòa thượng Yoshimizu Daichi Nguyên Hội trưởng Hội Tịnh độ tông, Nhật Bản cùng nhiều chư tăng từ Mỹ, Lào, Châu Phi cùng tham gia Lễ cầu siêu, chẩn tế chiến sĩ trận vong tại cao điểm 468. Đoàn cũng đến dâng hoa, thắp hương tại Nghĩa trang Vị Xuyên nơi an nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ, trong đó có hơn 1.500 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Trước đó, Bà Mai Thị Hạnh, Thượng tọa Thích Thanh Phong đã cùng ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Hà Giang cùng trao tặng 36 căn nhà do Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tổ chức, thực hiện với kinh phí do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động (60 triệu đồng/căn, trong đó, tỉnh góp10 triệu đồng/căn) cho các cựu chiến binh Sư đoàn 313, 314 và Tỉnh đội Hà Giang đã từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên những năm 1979 -1989, trong đó có 10 căn do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh, Trưởng ban TSPG TP.HCM đóng góp.

Trao tiền xây nhà cho bà con

Để tạo điều kiện cho con em gia đình dân tộc, đặc biệt con cháu những cựu TNXP từng tham gia xây dựng cung đường Hạnh Phúc băng qua đèo Mã Pí Lèng cheo leo, nối Mèo Vạc với thành phố Hà Giang năm xưa, chị Trần Hải Anh, PCT HĐQT Ngân hàng Quốc Dân (NCB) trao tài trợ 1 tỷ đồng để địa phương xây mới điểm trường mầm non, gồm 2 phòng học, nhà lưu trú giáo viên và Nhà văn hóa thôn Cốc Pại II, xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc.

***

Những cơn mưa rừng nhớp nháp buốt giá, nhóm chúng tôi áo dạ, khăn len quấn chằng chịt trên người vẫn co ro, càng thấy thương những em nhỏ tím người run từng chập trong bộ quần áo phong phanh mà nước mũi chảy còn pha những sợi máu vì giá rét, nhìn những cụ già lập cập bước xiêu đổ vì rét, những phụ nữ trẻ địu con chưa đầy năm đến điểm nhận quà đã phải đi hàng chục giờ, trước đó; chợt thấy thương hơn với vất vả của bà con dân tộc nơi đỉnh trời vùng cực Bắc này.

Những người mẹ trẻ khi nhìn con ăn bánh, kẹo, mang những đôi dép mới, những người già khệ nệ ôm bao gạo thơm 10kg cùng đường sữa…, họ đập tay chúng tôi, nói “Cám ơn nhé, mình vui lắm rồi, tết nhà mình no rồi, ấm rồi đấy..”. Vâng, một mùa Đông ấm không chỉ đến với người miền ngược mà đến với cả những người miền xuôi nữa đấy.