Muốn ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong cán bộ, đảng viên đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp tổng thể.

Quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Đây là giải pháp mang tính quyết định, bởi vì cội nguồn của sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong cán bộ, đảng viên là xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân. 

6 giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 1.

Quét sạch chủ nghĩa cá nhân - cội nguồn của suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực "lợi ích nhóm" trong cán bộ, đảng viên là giải pháp quyết định.

GIA HÂN

Khi chủ nghĩa cá nhân nổi lên, chiếm ưu thế và lấn át thì dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", làm hư hỏng cán bộ, đảng viên.

Nhưng cũng không phải ngày một ngày hai mà quét sạch được chủ nghĩa cá nhân, nâng cao được đạo đức cách mạng. Điều đó đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện suốt đời.

Việc quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng phải làm thường xuyên, tu dưỡng, rèn luyện suốt đời, chứ không thể làm theo đợt, theo phong trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Người đứng đầu phải nêu gương

Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu mà nêu gương trên mọi phương diện của cuộc sống, hoạt động công tác, làm việc từ tác phong công tác đến lối sống, cách sống, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức... thì sẽ là tấm gương để cán bộ, nhân viên dưới quyền và quần chúng nhân dân noi theo, làm theo. Cán bộ lãnh đạo càng cao thì tầm ảnh hưởng của việc nêu gương của cán bộ đó càng lớn, càng sâu rộng.

6 giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải làm gương trong mọi công việc

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, phải làm gương trong mọi công việc, từ việc nhỏ đến việc lớn, và phải thể hiện thường xuyên về mọi mặt: phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...

Cần nêu gương trên ba mối quan hệ với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày.

Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc "dĩ công vi thượng", đặt việc công lên trên, lên trước việc tư.

Thống nhất giữa nói và làm, nói đi đôi với làm

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu.

Với cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương đạo đức cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường.

Người có địa vị càng cao, uy tín càng lớn, thì càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Việc nói đi đôi với làm mang lại cho cấp dưới, quần chúng nhân dân lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, do đó, mà người cán bộ dễ dàng thực thi quyền lãnh đạo của mình.

Cấp dưới và quần chúng nhân dân không bao giờ tin cậy những cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo.
 

Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình. Đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhân dân nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa.

Tăng cường quản lý cán bộ

Chi bộ, tổ chức đảng cơ sở phải quản lý chặt chẽ đảng viên, giao nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu.

Tổ chức đảng cơ sở, chi bộ phải thường xuyên yêu cầu cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu thường xuyên báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc tu dưỡng rèn luyện của đảng viên cho chi bộ biết để theo dõi, giám sát, kiểm tra.

Kiên quyết chỉ ra và đấu tranh với những biểu hiện không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Đồng thời cũng kiên quyết chống biểu hiện lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng cấp trên hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực

Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ buộc người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ được giao và có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những người lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực.

6 giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực - Ảnh 4.

Kiểm soát quyền lực, minh bạch trong công tác cán bộ là giải pháp đặc biệt quan trọng

GIA HÂN

Cơ chế, chế tài phải đủ mạnh đến mức kìm hãm được chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người, không cho chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy; phải đủ mạnh đến mức người cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là người đứng đầu không dám, không thể và không muốn tham ô, tham nhũng; không dám, không thể và không muốn có những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống; không dám, không thể, không muốn lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân mình, gia đình mình, nhóm lợi ích của mình.

Cơ chế, chế tài đủ mạnh để buộc người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chỉ có một con đường hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và thực hiện đúng.

Người cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chỉ có một phương thức duy nhất là đặt lợi ích quốc gia dân tộc, đặt lợi ích chung của tập thể lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình, lợi ích gia đình mình, lợi ích của nhóm mình. Ai đi trái, làm ngược với điều đó sẽ bị nghiêm trị.

Minh bạch, khách quan trong công tác cán bộ

Công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là công tác cán bộ là giải pháp đặc biệt quan trọng, quan trọng của quan trọng, bởi vì nếu tất cả các khâu trong công tác cán bộ được tiến hành công khai, minh bạch, công tâm, khách quan để chọn được đúng cán bộ có tài, có đức; chọn đúng cán bộ có trình độ, có năng lực, có tầm nhìn xa trông rộng, chọn đúng cán bộ có tầm có tâm, đặc biệt là có đức... thì mọi việc sẽ thành công, đem lại lợi ích cho dân, cho nước.

Nếu mọi khâu trong công tác cán bộ đều công khai, minh bạch, công tâm, khách quan thì sẽ chọn đúng được cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có năng lực lãnh đạo, quản lý thực sự và đặc biệt là chọn đúng được cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, trong sáng, lành mạnh; có lối sống, cách sống giản dị, khiêm tốn, cầu thị, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, cống hiến hết mình vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc, vì lợi ích chung của ngành, của địa phương, của tập thể; không vì lợi ích cá nhân mình, không vì lợi ích của gia đình mình, của nhóm lợi ích mình...