Tại Diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc), do Bộ Nông nghiệp cùng tỉnh Lào Cai tổ chức vào sáng 10-2, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói...
Đắk Lắk có khoảng 2.000ha sầu riêng tham gia xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh: TÂM AN

Đắk Lắk có khoảng 2.000ha sầu riêng tham gia xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh: TÂM AN

Để tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng, theo ông Tô Ngọc Sơn (phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương), cần giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu nông sản tiểu ngạch.

Tuy nhiên, ông Sơn khuyến cáo cần chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo hộ thương hiệu...

Doanh nghiệp muốn xuất khẩu sầu riêng cấp đông

Phát biểu tại diễn đàn, bà Bùi Thị Hải, giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Haiyang (Bình Thuận), cho biết công ty đã xây dựng nhà máy chế biến nông sản và phối hợp với nông dân xây dựng vườn sầu riêng mẫu theo các yêu cầu kỹ thuật để cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, sạch.

"Đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất với Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch mã sản phẩm sầu riêng cấp đông, do số lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chưa đáp ứng được sản lượng bà con sản xuất ra. Đặc biệt, khi xuất quả tươi sẽ tăng chi phí sản xuất, bảo quản và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Hải nói.

Ông Trần Phương Tuấn, tổng giám đốc Công ty CP Phát triển tổ yến Việt Nam, cho biết phía khách hàng Trung Quốc đặc biệt đánh giá cao sản phẩm tổ yến Việt Nam. Ngay khi có thông tin tổ yến Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các đối tác nước bạn liên tục đề nghị cung cấp hồ sơ để hỗ trợ.

"Phía bạn rất mong chờ được nhập khẩu sản phẩm tổ yến theo con đường chính ngạch", ông Trần Phương Tuấn nói và kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ, Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu yến trên hệ thống đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, nhờ việc ký kết nghị định thư và thông thương giữa Việt Nam - Trung Quốc thuận lợi nên giá một số mặt hàng trái cây của tỉnh đã tăng cao như sầu riêng, nhãn, xoài, khoai lang...

Tuy nhiên, do diện tích sản xuất của địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán nên việc tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng mã số vùng trồng của Vĩnh Long còn ở mức khiêm tốn.

"Thời gian tới, định hướng của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây ăn quả, rau màu, khoai lang. Đồng thời, thực hiện tốt quy định trong việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ cho xuất khẩu", ông Liêm nói và đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đơn giản hóa hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, rút ngắn thời gian cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói.

Thêm nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch

Cũng tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng việc Trung Quốc mở cửa thị trường từ ngày 8-1 là tin mừng song cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Bởi các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng nâng cao, đặc biệt là yêu cầu từ lệnh 248 và 249. Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm theo các yêu cầu kỹ thuật, kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu.

"Các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của phía bạn. Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các đơn vị như ban quản lý cửa khẩu để biết tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải", ông Nam lưu ý và yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm trình thông tư hướng dẫn về xác định mã số nhà nuôi yến, hang nuôi yến để sớm hoàn tất các thủ tục.

Cũng theo ông Nam, có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.

Trong đó, bảy sản phẩm đã có nghị định thư và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện chuẩn hóa các nghị định thư cho khoai lang, ớt. Các địa phương có diện tích lớn về ớt, khoai lang và chanh leo cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả... Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp về cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng.

"Bộ sẽ liên hệ Tổng lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc) để thảo luận nội dung và cử đoàn sang tỉnh Vân Nam đẩy mạnh xúc tiến nông sản vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản", ông Nam cho biết.

Tuy nhiên, ông Nam cũng bày tỏ lo lắng cho nông sản Việt Nam khi Trung Quốc đã khai thông đường sắt tới Lào và Thái Lan - giúp rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa, nông sản xuống còn một ngày và giảm chi phí hơn 20%.

"Đây là vấn đề đặt ra cho nông sản Việt Nam, nếu doanh nghiệp không cải tiến chất lượng, bảo đảm mẫu mã và giảm chi phí. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần phối hợp để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới", ông Nam chia sẻ.

Ông Huỳnh Tấn Đạt (cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

Phải minh bạch thông tin từ sản xuất nông sản đến chế biến

Trong thời gian qua, rất nhiều loại hồ sơ, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam được phía bạn nỗ lực để phê duyệt. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp với Văn phòng SPS để thống kê, tổng kết các số liệu các doanh nghiệp có hồ sơ mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã gửi cho phía hải quan Trung Quốc để thúc đẩy họ phê duyệt các hồ sơ này.

Tuy nhiên, để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm theo lệnh 248 và 249.

Các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện hết các hồ sơ nói trên, sau đó gửi về Cục Bảo vệ thực vật để tiếp tục giới thiệu sang phía bạn. Khoảng 2 - 3 tháng/lần, theo các danh sách mặt hàng, chúng tôi sẽ gửi các danh sách này cho phía bạn xem xét phê duyệt.