Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên
Ông Lê Thanh Tùng - Phó trưởng Ban Điều hành dự án 4 (Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM - chủ đầu tư) cho biết sẽ khởi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên ngày 23.2.
Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách, trong đó vốn Trung ương 4.000 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn của thành phố.
Theo ông Tùng, dư án án sẽ nạo vét và xây bờ kè hai bên toàn tuyến kênh dài hơn gần 32 km.
Cùng với cải tạo tuyến kênh, dự án sẽ hình thành đường giao thông hai bên bờ kênh với tổng chiều dài 63,41 km, bề mặt đường rộng từ 7-12 m, vỉa hè rộng trên 3 m. Đồng thời, xây dựng 12 bến thuyền và 3 cầu giao thông dọc tuyến kênh.
Dự án sẽ hoàn thành năm 2025, giúp TPHCM có hai tuyến đường chạy dọc theo kênh, song song với Quốc lộ 1, đi xuyên suốt 7 quận, huyện của thành phố.
Các tuyến đường này sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông trong khu vực, nhất là hạn chế xe ôtô cá nhân, xe tải nhỏ lưu thông ra Quốc lộ 1. Cùng với phát triển đường thủy, tuyến đường sẽ tạo trục giao thông liên kết vùng, kết nối từ tỉnh Long An lên các tỉnh miền Đông.
Về vấn đề chất lượng nước kênh, ông Lê Thanh Tùng cho biết cùng với dự án trên, chủ đầu tư sẽ triển khai hai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn và khu vực Tham Lương - Bến Cát với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng. Hai dự án này triển khai trong giai đoạn 2023 - 2028. Sau khi hoàn thành, toàn bộ hệ thống nước thải thu gom sẽ đưa về 2 nhà máy xử lý tại quận 12 và quận Bình Tân.
Vành đai 3 TPHCM
Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỉ đồng (giai đoạn một).
Dự án được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng.
Trong đó, Vành đai 3 qua TPHCM dài hơn 47 km, với tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng (chi phí xây dựng hơn 22.400 tỉ đồng và gần 19.000 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng).
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư dự án thành phần xây lắp ở TPHCM), hiện dự án đang được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán.
Song song đó, Thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh nơi dự án đi qua cũng đang thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.
Dự án sẽ được phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 4 và khởi công cuối tháng 6 năm nay sau khi các địa phương bàn giao 70% mặt bằng.
Vành đai 3 cơ bản thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 6.2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6.2026.
Đây được xem là cung đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả Vùng kinh tế phía Nam.