Các doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh giá thuê cáp quang của VNPT Đồng Nai tăng cao nhiều lần là quá vô lý. Trong khi chờ có sự thống nhất, VNPT Đồng Nai đã cắt cáp quan kết nối tín hiệu của các doanh nghiệp như SCTV, CMC Telecom...
Tại cuộc họp do Cục Viễn thông chủ trì trong tuần qua, hầu như đơn vị nào cũng bảo lưu ý kiến của mình và vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết rốt ráo vấn đề này. Đại diện SCTV cũng khẳng định đã gửi công văn yêu cầu hiệp thương đến Sở Tài chính Đồng Nai theo quy định từ tháng 12.2022 nhưng vẫn chưa có kết quả.
Trước đó, từ tháng 7.2021, các đơn vị gồm CMC Telecom, SCTV, HTC Viễn thông quốc tế, Netnam, Công nghệ Việt Thành đã cùng ký bản kiến nghị, gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ TTTT đề nghị can thiệp, hỗ trợ sau khi nhận được các văn bản số 067 và 1882 của VNPT Đồng Nai thông báo giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung. Theo các đơn vị này, đơn giá mới mà VNPT Đồng Nai đưa ra cao gấp từ 2,9 - 9 lần so với đơn giá cũ (tùy chủng loại cáp).
Chẳng hạn như cáp quang 96 FO giá cũ là 538 đồng/m/tháng thì tăng lên 2.941 đồng/m/tháng, tăng gần 5,5 lần; cáp quang loại nhỏ hơn 24FO giá cũ là 215 đồng/m/tháng được tăng lên 1.961 đồng/m/tháng, gấp hơn 9 lần…
Đại diện SCTV cho biết, đơn giá mới của VNPT Đồng Nai đưa ra cao hơn cả đơn giá của VNPT TP.HCM. Công ty đã nhiều lần thương thảo đề nghị ký hợp đồng để SCTV thanh toán giai đoạn 2018 - 2021 theo đơn giá cũ cũng như đề nghị được giảm giá mới (từ năm 2022 trở đi) bằng với mức giá cho thuê hiện tại của VNPT TP.HCM.
Trong khi hai bên chưa ký được hợp đồng mới, SCTV cũng đề nghị giữ nguyên hiện trạng cáp để đảm bảo thông suốt tín hiệu trong quá trình hai bên đàm phán, đề nghị cơ quan chức năng tổ chức hiệp thương giá (theo thông tư liên tịch 210/2013).
Đến ngày 7.12.2022, tại buổi làm việc giữa Sở TTTT, PA03 - Công an tỉnh Đồng Nai và VNPT Đồng Nai, đại diện Sở TTTT tỉnh Đồng Nai đã có ý kiến gửi Cục Viễn thông (Bộ TTTT) để được hướng dẫn các nội dung vượt thẩm quyền. Trong thời gian chờ Cục Viễn thông hướng dẫn, đề nghị các bên đảm bảo an toàn thông tin liên lạc thông suốt.
Thế nhưng đến 15.12.2022 và từ 28 - 30.12.2022 đã xảy ra hiện tượng mất tín hiệu truyền hình lẫn Internet trên địa bàn TP. Biên Hòa (Đồng Nai). Qua tìm hiểu, nguyên nhân của việc mất tín hiệu này là do VNPT Đồng Nai đã cử nhân viên cắt cáp quang kết nối tín hiệu của các đối tác viễn thông là CMC Telecom, SCTV... Chỉ riêng SCTV, các vị trí bị cắt làm gián đoạn tín hiệu tất cả dịch vụ của công ty (truyền hình, Internet, đường truyền...) của gần 40.000 hộ khách hàng tại địa bàn Đồng Nai và ảnh hưởng đến tín hiệu trục truyền đi các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng trên diện rộng.
Ngoài ra, sự việc này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi khách hàng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt ngay trong thời điểm Tết Quý Mão 2023 vừa qua, SCTV buộc phải ký lại hợp đồng với VNPT Đồng Nai với giá mới cho giai đoạn từ năm 2022 trở đi.
VNPT nói gì?
Trước khi có cuộc họp mới đây, giữa tháng 1.2023 Tập đoàn VNPT đã có công văn báo cáo Cục Viễn thông về vụ việc trên. Công văn này cho biết, cuối năm 2021, Đoàn kiểm tra của 3 Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ TTTT đã tiến hành kiểm tra về giá thuê công trình viễn thông sử dụng chung tại VNPT. Qua đó kiến nghị tập đoàn phải ban hành văn bản hướng dẫn các VNPT tỉnh/thành phố áp dụng đúng phương pháp tính giá thuê quy định tại Thông tư 210 liên tịch số 210/2013 của Liên bộ: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ TTTT về việc hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc, kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung).
Đồng thời, VNPT phân cấp cho các đơn vị thành viên trong việc tập hợp chi phí tính giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông tại địa phương, thực hiện các thủ tục thông báo đăng ký giá với Sở Tài chính địa phương, niêm yết giá theo đúng quy định tại Thông tư 210.
Do đó, Tập đoàn VNPT đã ban hành văn bản số 7284 hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng đơn giá cho thuê các công trình cống bể cáp sử dụng chung tuân thủ các quy định theo nguyên tắc giá cho thuê phải được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu tư xây dựng; chi phí quản lý vận hành, bảo trì, sửa chữa, bảo dưỡng; chi phí khác theo quy định. Giá cho thuê được xác định trên cơ sở chi phí theo quy định và lợi nhuận hợp lý, theo quan hệ cung cầu, giá thị trường.
Công văn của VNPT nêu: "Để phát triển mạng lưới, Tập đoàn VNPT cũng phải thuê công trình hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp khác, trong đó, khối lượng chủ yếu là cột treo cáp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Về hoạt động cho thuê, các khách hàng là các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các đơn vị thuê sử dụng nguồn ngân sách và các doanh nghiệp như Viettel, MobiFone… cũng đang thuê công trình hạ tầng cống bể cáp sử dụng chung của VNPT và không có vướng mắc về giá thuê. Kiến nghị lần này của SCTV và CMC Telecom không phải là kiến nghị lần đầu về giá thuê hạ tầng cống bể cáp của VNPT".
Tháng 7.2021, SCTV và CMC Telecom cùng với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam và các doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị về giá thuê hạ tầng cống bể cáp của VNPT đến Bộ Tài chính và đã được Bộ Tài chính hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện tại văn bản số 8742 ngày 5.8.2021. VNPT là doanh nghiệp Nhà nước, được giao quản lý vốn, tài sản Nhà nước và có trách nhiệm thực hiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của doanh nghiệp theo các quy định hiện hành.
Cho đến nay, mọi việc phản ánh xoay quanh giá thuê cáp quang nói trên vẫn chưa có lời giải cuối.