Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định thành phố đang tập trung đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực để trở thành một trong những điểm đến du lịch y tế của khu vực.
TP.HCM tập trung đầu tư thành điểm đến du lịch y tế của khu vực - Ảnh 1.

Du khách vẫn còn nhiều phàn nàn về chất lượng dịch vụ ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 22-2, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM, ông Alain Cany - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - cho rằng TP.HCM đang có nhiều cơ hội để trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và du lịch là ngành then chốt đóng góp vào sự phục hồi, phát triển kinh tế của TP.HCM.

Nhiều vấn đề về du lịch cần tháo gỡ

Tuy vậy, để du lịch lấy được đà tăng trưởng, một trong những chính sách quan trọng là thị thực. "Cần phải gia hạn thị thực lên 30 ngày so với 15 ngày hiện nay, và áp dụng chế độ này cho tất cả công dân thuộc quốc gia trong khối Liên minh châu Âu", chủ tịch EuroCham Việt Nam nói.

Không chỉ vướng mắc về thị thực vào Việt Nam, hiệp hội này cũng nhận nhiều phản hồi du khách về những trải nghiệm không mấy hài lòng của họ ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vì phải xếp hàng chờ đợi nhiều giờ đồng hồ và không có tổ chức sắp xếp hợp lý.

Dù là sân bay lớn, Tân Sơn Nhất không tổ chức làn riêng dành cho khách hạng thương gia, nhà đầu tư, hay khách đến TP theo hình thức du lịch MICE... Việc thiếu lựa chọn cho du khách khi đến cửa ngõ đầu tiên của TP đã làm giảm sự hài lòng của khách.

Cũng quan tâm về chính sách thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam, các nhà đầu tư cũng quan tâm đến khi nào Việt Nam phục hồi chính sách thị thực ra vào nhiều lần có thời hạn 3 tháng với thủ tục dễ dàng, thuận tiện từng có trước dịch COVID-19.

Ông James Ollen, giám đốc điều hành AmCham Việt Nam tại TP.HCM, nhấn mạnh tình trạng cơ sở hạ tầng hiện nay của TP là một hạn chế đáng kể đối với sản xuất và hoạt động du lịch.

Yếu tố quan trọng nhất đối với môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và sắp xếp hợp lý. Ông góp ý TP cần coi trọng sự đổi mới để không chỉ để thu hút nguồn đầu tư mới mà còn duy trì và tăng trưởng nguồn đầu tư đang có sẵn.

"Các hội viên của chúng tôi coi trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở miền Nam. Tuy nhiên, các kế hoạch này cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang chuỗi cung ứng tổng thể miền Nam để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế. Các khu công nghiệp cần phải tiếp cận dễ dàng thông qua các đường cao tốc, tránh tình trạng tắc nghẽn đến sân bay Long Thành mới, cảng Cát Lái và cảng biển trung tâm logistics Cái Mép", ông James Ollen nhấn mạnh.

Đại diện AmCham đề cao cơ hội phát triển TP trở thành một điểm đến cho du lịch y tế.

TP.HCM tập trung đầu tư thành điểm đến du lịch y tế của khu vực - Ảnh 2.

Lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài đề xuất nhiều về cải thiện chất lượng sống ở TP.HCM - Ảnh: N.BÌNH

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham) cũng bày tỏ băn khoăn về khẩu trang được sử dụng trong các nhà hàng, khách sạn phục vụ du khách. Theo vị này, việc đeo khẩu trang trong khi phục vụ du khách tạo ấn tượng không thân thiện, trong khi dịch bệnh ở Việt Nam gần như được kiểm soát thành công. Vì vậy đề xuất xem xét những người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch có thể được cân nhắc "ngoại lệ" về việc đeo khẩu trang ở các môi trường nhà hàng, khách sạn.

Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài trong việc giúp TP đạt được mục tiêu hồi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch trong năm 2022.

Về câu chuyện khẩu trang, ông Mãi cho biết thành phố sẽ rà soát và báo cáo với Bộ Y tế trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp. Ông cũng khẳng định thành phố đang tập trung đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực để trở thành một trong những điểm đến du lịch y tế của khu vực.