Ngày 22-2, UBND TPHCM đã tổ chức tọa đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài. Tham dự toạ đàm có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và 25 lãnh đạo sở ban ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu đến năm 2025 của TPHCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Nhằm đạt được mục tiêu, TPHCM đã đưa ra 5 giải pháp.

Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

Thực hiện chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tập trung phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng một số doanh nghiệp (DN) lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu. Đồng thời, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực có đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, xanh, thông minh, hiện đại, đổi mới sáng tạo, tạo giá trị gia tăng cao, có khả năng lan tỏa lớn, có sự gắn kết, kéo theo sự phát triển của DN thành phố; thu hút các tập đoàn, DN lớn thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại thành phố; tập trung phát triển công nghệ số nền tảng, phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối DN thành phố với DN FDI.

TPHCM tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài ảnh 1

TPHCM tổ chức đối thoại giải quyết khó khăn cho DN nước ngoài. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TP phát huy vai trò động lực, dẫn dắt của đầu tư công, kết hợp khơi thông nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức tài chính quốc tế. Đặc biệt, phát triển thành phố Thủ Đức dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động cao để trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Cũng phải nói thêm, thành phố ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại gắn với Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch (hoàn thành và đưa vào hoạt động tuyến đường sắt đô thị số 1 vào năm 2024, hoàn thành đường vành đai 3 vào năm 2026; hoàn thành đường vành đai 4 (đoạn từ cầu vượt sông Sài Gòn – Kênh Thầy Cai) vào năm 2030, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc TPHCM - Chơn Thành,...).

TPHCM tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài ảnh 2

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi hoan nghênh sự tham gia đóng góp ý kiến từ DN nước ngoài để đồng hành cùng thành phố phát triển. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không dừng lại đó, thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong việc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nâng cấp, mở rộng hệ thống cao tốc, quốc lộ là TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành (Quốc lộ 20B), đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; TPHCM - Cần Thơ. Đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển TPHCM; cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thủy nội địa do thành phố quản lý; xúc tiến đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn; khai thác hiệu quả mạng đường sắt đô thị, luồng tàu đường biển, đường sông, bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Ngoài ra, thành phố còn phát triển mạnh mẽ văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trong đó, cơ cấu lại tổng thể kinh tế thành phố đặt trong mối quan hệ với vùng, cả nước và quốc tế; gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Cuối cùng là bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố ghi nhận sự đóng góp lớn của cộng đồng DN cho mục tiêu mà TP đã đạt được trong năm 2022. Tuy nhiên, TP mong muốn lắng nghe đóng góp của DN cho sự phát triển của TP.

Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, sự tương tác thực tế của các DN với các đối tác trong và ngoài nước sẽ là sự đóng góp ý kiến thực tế để thành phố sửa đổi những bất cập trong hoạt động quản lý, tạo động lực cho sự phát triển của TP trong thời gian tới. TP sẵn sàng lắng nghe và giải quyết ngay những gút mắc của DN. Trường hợp ý kiến cần có sự tham gia giải quyết liên ngành thì sẽ giải quyết và phúc đáp trong 1 tháng. Bên cạnh đó, TP hoan nghênh nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. TP tạo điều kiện đất đai, nhân lực để DN đầu tư loại hình này. Từ nay đến năm 2025, TP công bố các lĩnh vực kêu gọi đầu tư cùng những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài tham gia đầu tư.

TP mong muốn có sự chung tay của các doanh nghiệp nước ngoài cùng thành phố đầu tư.

Tại buổi tọa đàm giữa lãnh đạo TPHCM và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, ông James Ollen, Giám Đốc Điều hành Hiệp Hội Thương Mại Mỹ Tại Việt Nam - HCMC & Đà Nẵng đã gửi đến thành phố 8 kiến nghị.

Một là TP cần nâng cao cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, TP cần ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý công. Điều này giúp tạo môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, quá trình phê duyệt nhanh chóng, tin cậy và nhất quán. Hiệp hội đề nghị thành phố cho phép các công ty hội viên của AmCham mở rộng các khoản đầu tư hiện có và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Về việc nâng cao năng lực doanh nghiệp thành phố để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần phải có chính sách thuế tương thích với các chính sách thuế toàn cầu. Cùng với đó, Việt Nam nên áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về kế toán, kiểm toán, chuyển giá và sử dụng quy trình thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đã được Quốc hội thông qua.

Hai là mong muốn TP cải thiện chất lượng môi trường, nhất là chất lượng không khí và kiểm soát vấn đề tiếng ồn. Cùng với đó, thành phố cần đầu tư mở thêm nhiều phân làn dành cho người đi bộ và phương tiện giao thông công cộng. Doanh nghiệp Amcham mong muốn có cơ hội để tham gia vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao và tăng cường sức khỏe và an sinh cho người dân tại TP bao gồm các cơ hội phát triển thành phố thành một điểm đến cho du lịch y tế.

TPHCM tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài ảnh 3

Ông James Ollen, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam - HCMC & Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ba là liên quan đến vấn để hỗ trợ TP phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị cao, Amcham đề nghị TP cải cách giáo dục, có chính sách thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng, đầu tư hạ tầng giao thông vận tải, logistics. Cùng với đó là xây dựng giải pháp hành động thiết yếu để đáp ứng an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng sạch; và khuyến khích tăng cường đầu tư công nghệ cao và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển.

Bốn là TP cần có giải pháp đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là một hạn chế đáng kể, đặc biệt là đối với sản xuất và du lịch. Ùn tắc giao thông trong và xung quanh thành phố ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và chất lượng cuộc sống. Các hội viên của chúng tôi coi trọng các kế hoạch đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở miền Nam. Tuy nhiên, các kế hoạch này cần được triển khai và đẩy nhanh như một phần của hành lang chuỗi cung ứng tổng thể miền Nam để thúc đẩy kết nối các khu kinh tế. Trải dài từ Bình Dương và Đồng Nai ở phía Bắc đến Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía Nam, các khu công nghiệp cần phải tiếp cận dễ dàng, thông qua các đường cao tốc không ùn tắc, đến Sân bay Long Thành, cảng Cát Lái và cảng biển Trung tâm logistics Cái Mép. Điều này là rất cần thiết để giảm bớt sự ùn tắc của TPHCM và tạo cơ hội để tăng sản lượng công nghiệp trên khắp miền Nam.

Năm là TPHCM có tiềm năng mạnh mẽ để trở thành địa phương đi đầu trong các dịch vụ kinh tế số. Do vậy, cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số, tạo nền tảng để thu hút các công ty khởi nghiệp công nghệ đầy tính sáng tạo và đổi mới đến với TP. Từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế cho TP.

Sáu là hình thành trung tâm, cơ sở đào tạo để phát triển lực lượng lao động mang tính cạnh tranh toàn cầu. AmCham cam kết hợp tác với chính phủ Việt Nam, các tổ chức giáo dục, Ngân hàng Thế giới và khu vực tư nhân để giải quyết khoảng cách về kỹ năng và tăng năng suất của người lao động. Chúng tôi khuyến khích xem xét lại các quy định để hỗ trợ quá trình số hóa và tiếp cận giáo dục nhiều hơn.

Bảy là cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư, thành phố nhất thiết phải sớm xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm tài chính khu vực và trong tương lai, là trung tâm tài chính quốc tế.

Tám là phải đơn giản hóa chính sách thị thực để thúc đẩy nền kinh tế. Việt Nam nên hoan nghênh và có chính sách rõ ràng, nhất quán và tạo thuận lợi cho phép các giám đốc, quản lý và chuyên gia nước ngoài đủ điều kiện xin giấy phép lao động làm việc tại Việt Nam, đi công tác đến Việt Nam để xúc tiến thương mại và đầu tư, vì tất cả những điều này đều giúp mang lại đầu tư đất nước và phát triển kinh tế.