Nền tảng chatbot đã được nhúng vào các trang web chính thức của một số cơ quan nhà nước Việt Nam với hai ứng dụng là kiểm tra triệu chứng Covid-19 và điều tra xã hội học.
Sáng 24/2, Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu phát triển nền tảng ứng dụng chatbot trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ kiểm tra triệu chứng Covid-19 và điều tra xã hội học trực tuyến tại Việt Nam.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ TT&TT và Liên minh viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương (APT), với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam và đại diện ban thư ký APT.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc - Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông, mục tiêu của dự án là phát triển nền tảng dịch vụ công trực tuyến dựa trên chatbot để tích hợp trên website của các cơ quan nhà nước.
Với hệ thống này, cơ quan quản lý nhà nước có thể tương tác với người dân thông qua chatbot trả lời câu hỏi, nhắn tin tự động và thực hiện khảo sát điện tử để kiểm tra các triệu chứng dịch bệnh, từ đó lên kế hoạch phòng ngừa và điều trị.
Nền tảng chatbot sẽ giúp các cơ quan tiếp cận người dân nhanh nhất, đồng thời phát hiện và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời.
“Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng và hiệu quả của các giải pháp CNTT như AI, chatbot nhằm tiết kiệm chi phí trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Thông qua việc đánh giá mức độ phù hợp khi triển khai ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch, Việt Nam có thể trở thành mô hình tham khảo cho các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Phúc nói.
Thực tế cho thấy, Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông đã phối hợp cùng Quỹ KDDI (Nhật Bản) trong việc phát triển hệ thống chatbot. Hiện nền tảng chatbot đã ở mức hoàn thiện 100% với trợ lý ảo có khả năng nhận biết ngữ cảnh, hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt và có khả năng đàm thoại.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Trưởng Ban CNTT (Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông), nền tảng chatbot đã được nhúng vào các trang web chính thức của cơ quan hữu quan Việt Nam với hai ứng dụng là kiểm tra triệu chứng Covid-19 và điều tra xã hội học.
Hệ thống dựa trên mã nguồn mở có khả năng tương thích với các kênh nhắn tin phổ biến như Facebook Messenger, Telegram, Slack… Đội ngũ phát triển có thể nhúng trực tiếp chatbot vào website hoặc phần mềm mà không cần “code”. Nền tảng chatbot này cũng có khả năng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau trong việc phân tích và xử lý ngữ cảnh hội thoại.
Đã có 20.000 báo cáo về các triệu chứng của Covid-19 được người dân gửi tới hệ thống chatbot. Tính năng khảo sát của chatbot cũng ghi nhận khoảng 5.000 ý kiến phản hồi.
Trong thời gian tới, Viện Chiến lược khuyến nghị mở rộng cấu hình và chức năng của hệ thống chatbot để dùng cho việc tìm kiếm dữ liệu, chia sẻ thông tin công cộng và phục vụ hỏi đáp về giấy phép kinh doanh.
Theo đó, chatbot có thể giúp người dân truy cập cổng dữ liệu mở (data.gov.vn) để lấy thông tin họ muốn mà không cần điều hướng qua trang web. Các doanh nhân khởi nghiệp có thể hỏi chatbot Chính phủ về các quy tắc, quy định của chính quyền địa phương đối với việc cấp giấy phép kinh doanh.
Ngoài ra, hệ thống chatbot có thể cung cấp cho người dân thông tin về các cơ quan Chính phủ, tin tức, thông cáo báo chí hay phản ánh khiếu nại,...
------------------------------
Ông Nguyễn Tử Quảng: Đây là cơ hội tốt phát triển giải pháp AI chatbot của Việt Nam
Với vai trò Chủ tịch Ủy ban phát triển AI thuộc VINASA, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng khuyến nghị việc nâng cấp giải pháp AI chatbot với dữ liệu để đào tạo là của Việt Nam và do người Việt Nam làm chủ công nghệ.
Lời tòa soạn: ChatGPT là chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên do OpenAI phát triển với khả năng trả lời gần như mọi câu hỏi của người sử dụng. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã chạm mốc 100 triệu người dùng; bỏ xa các hiện tượng công nghệ khác. Cùng với sự nổi lên của ChatGPT, có không ít vấn đề xoay quanh chương trình AI này được "mổ xẻ". Đó là những câu chuyện về khả năng của công nghệ AI, tính ứng dụng hay các vấn đề pháp lý. VietNamNet gửi tới độc giả tuyến bài câu chuyện ChatGPT dưới góc nhìn của giới công nghệ Việt Nam. Trong phần tiếp theo, VietNamNet giới thiệu góc nhìn của CEO tập đoàn công nghệ Bkav Nguyễn Tử Quảng, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Ủy ban Trí tuệ nhân tạo (AI) của VINASA về ChatGPT nói riêng và ứng dụng AI nói chung: |
Chương trình chatbot để tương tác với con người đã có hàng chục năm nay, song rõ ràng khi chúng ta tham gia nói chuyện với các chương trình chat đó vẫn nhận ra nhiều câu chữ ngô nghê giúp biết ngay đấy là máy chứ không phải đang trò chuyện với con người. Lần này, phải nói ChatGPT làm rất xuất sắc. Các câu trả lời ChatGPT đưa ra đạt được mức độ không khác gì người thật nói, kể cả khi nội dung kiến thức sai nhưng câu chữ, cách biểu cảm giống hệt con người. Trường hợp kiến thức đúng thì câu trả lời là xuất sắc. Như vậy, nôm na ChatGPT cho cảm giác thực sự như đang trò chuyện với con người. Từ trước tới nay chưa có bên nào làm được như vậy. Cá nhân tôi thấy rằng họ làm rất xuất sắc!
Nhiều người đặt ra câu hỏi nên ứng xử ra sao với ChatGPT, qua tìm hiểu bản chất của chương trình chatbot này, tôi cho rằng nên nhận định ChatGPT là một công cụ hữu hiệu để thực hiện những công việc mà nó có thể làm tốt. Cụ thể là một số việc đơn giản được lặp lại và chia sẻ rất nhiều trên mạng thì bây giờ AI làm tốt hơn con người. Từ đó, chúng ta được rảnh tay làm việc khác. Đây là thời kỳ quá độ khi có ChatGPT trợ giúp, con người sẽ chuyển dịch sang làm những việc sáng tạo và xuất sắc hơn.
Chẳng hạn như khi chưa có ChatGPT, các em học sinh lên mạng tìm kiếm bài tập về nhà. Với một đất nước như Việt Nam chắc chắn có rất nhiều bài tập được đưa lên chia sẻ và đa phần giống nhau. Thường các em search (tìm kiếm) là ra ngay ở Google và đưa vào bài giải của mình. Hiện tượng đó vẫn đang diễn ra kể cả khi chưa có công cụ ChatGPT. Nhiều trường cấm này cấm nọ nhưng chắc chắn là khó. Do đó, sự chuyển dịch là giáo viên phải search trước trên Google xem họ đang nói như nào và thay đổi bài thi của mình. Tương tự như vậy, giáo viên phải kiểm tra trước xem ChatGPT thực thi theo kiểu nào để biết trước và sáng tạo bài tập mới. Đây sẽ là một quá trình thay đổi tốt hơn từ cách học, cách thi nhằm tận dụng hiệu quả công cụ này.
Ở góc độ quản lý nhà nước, quan điểm của tôi là Chính phủ, các cơ quan quản lý cần định hướng để sử dụng AI là công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực. Các công cụ AI hiện nay mới bắt chước những công việc con người đã làm và chia sẻ với nhau. Nếu chúng ta có định hướng đúng đắn để ứng dụng các công cụ đó một cách hợp lý, con người sẽ được giải phóng và chuyển dịch sang những công việc sáng tạo hơn có sử dụng công cụ AI. Như vậy, xã hội ngày càng phát triển và đi lên một cách mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, AI đã trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội trong mọi lĩnh vực. Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Gần đây nhất Bộ TT&TT đã ban hành Chiến lược AI ứng dụng. Đây là giải pháp hữu hiệu đưa AI đi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng cuộc sống mỗi người dân.
Trong thời gian tới, cơ quản quản lý nhà nước cần có chính sách định hướng khuyến khích sử dụng AI chẳng hạn như ứng dụng công cụ tương tự ChatGPT vào biên tập bài viết. Song song với đó, Chính phủ cần ban hành chính sách, quy chế nhằm đảm bảo việc sử dụng công cụ AI đúng mục đích.
Cá nhân tôi cho rằng làn sóng ChatGPT là một cơ hội tốt với Việt Nam. Người Việt có năng lực rất phù hợp để phát triển AI. Bằng chứng là thuật toán của ChatGPT được dựa trên nền tảng là thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên seq2seq mà Lê Việt Quốc có vai trò quyết định.
Đáng chú ý, công cụ ChatGPT hiện nay có điểm hạn chế là bị sai rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Với vai trò Chủ tịch Ủy ban phát triển AI - VINASA, tôi khuyến nghị chúng ta cần hoàn thiện, nâng cấp các giải pháp AI chatbot với dữ liệu được sử dụng để đào tạo là dữ liệu của Việt Nam với tri thức về lịch sử, văn hóa của người Việt, do người Việt Nam làm chủ công nghệ.
Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, Phó Chủ tịch VINASA