Làn sóng cấm TikTok đang lan rộng ở phương Tây do những lo ngại về nguy cơ gián điệp, đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng mà ứng dụng này mang lại.

Sau khi Mỹ "nổ phát súng" đầu tiên, đến lượt Canada và hàng loạt quốc gia châu Âu ra quyết định cấm ứng dụng TikTok trên tất cả thiết bị của chính phủ. Giới chức các nước cho biết việc xóa TikTok là không thể tránh khỏi bởi rủi ro an ninh mà ứng dụng này gây ra.

Quyết định cấm TikTok của các nước phương Tây phản ánh mối lo ngại về an ninh quốc gia liên quan công ty mẹ của TikTok là ByteDance, tập đoàn công nghệ thành lập tại Trung Quốc nhưng đã đổi trụ sở tới Singapore năm 2020.

Giới chức Mỹ và EU lo ngại Trung Quốc sẽ gây sức ép với ByteDance để thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng, hoặc lan truyền thông tin không chính xác có lợi cho Bắc Kinh.

Canada liên tiếp nhắm vào TikTok

Phát biểu hôm 27/2, Bộ trưởng Dịch vụ công Canada Mona Fortier cho biết ứng dụng TikTok sẽ bị cấm trên tất cả thiết bị của chính phủ, quyết định có hiệu lực từ 28/2.

Bà Fortier lý giải ứng dụng TikTok gây ra mối đe dọa cho an ninh của Canada cũng như bí mật đời tư của người dùng ở mức độ không thể chấp nhận, theo Wall Street Journal.

Quyết định cấm TiKTok cũng xuất phát từ những lo ngại về khuôn khổ pháp lý đang điều chỉnh hoạt động thu thập thông tin thông qua các thiết bị di động. Quan chức Canada cho hay Ottawa cùng các đối tác Mỹ và châu Âu có chung chính sách về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng các thiết bị thông tin truyền thông.

 
Bộ trưởng Dịch vụ công Canada Mona Fortier. Ảnh: Canadian Press.
<button _class="z-close-btn"></button>
cam tiktok anh 2

Bộ trưởng Dịch vụ công Canada Mona Fortier. Ảnh: Canadian Press.

Người phát ngôn của chính phủ Canada từ chối trả lời câu hỏi liệu giới chức nước này đã trao đổi những lo ngại an ninh, bí mật đời tư với TikTok trước khi thông qua lệnh cấm hay chưa.

Quyết định có hiệu lực ngày 28/2 là lần thứ hai trong chưa đầy một tuần nhà chức trách Canada "ra tay" với TikTok.

Tuần trước, các cơ quan quản lý cấp liên bang cũng như tiểu bang cho biết đã khởi động cuộc điều tra cáo buộc TikTok thu thập, sử dụng, tiết lộ dữ liệu cá nhân của người dùng trái phép và không được sự cho phép của khách hàng.

Nhà chức trách Canada cho hay một bộ phận đáng kể người sử dụng TikTok là trẻ em và thanh niên, vì thế cuộc điều tra được tiến hành tập trung vào bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết quyết định của chính phủ đối với TikTok sẽ là lời cảnh tỉnh để các cá nhân, doanh nghiệp đánh giá lại các biện pháp an ninh đang sử dụng để bảo vệ dữ liệu của họ, và đưa ra quyết định phù hợp.

Người phát ngôn của TikTok chỉ trích chính phủ Canada "không đưa ra bất cứ quan ngại an ninh cụ thể nào", cũng như không liên hệ với phía công ty để giải đáp các thắc mắc.

"TikTok luôn sẵn sàng gặp các quan chức chính phủ để thảo luận cách chúng tôi bảo vệ an ninh và bí mật của người dân Canada, nhưng loại bỏ TikTok theo cách này không giúp chúng ta đạt được mục tiêu chung", đại diện TikTok nói.

Mỹ sẽ cấm triệt để TikTok?

Tại Mỹ, Nhà Trắng hôm 27/2 thông báo các cơ quan chính phủ có 30 ngày để xóa TikTok khỏi tất cả thiết bị và hệ thống liên bang, CNN đưa tin.

Văn phòng Quản lý và Ngân sách gọi hướng dẫn được ban hành hôm 27/2 là “một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các rủi ro do ứng dụng gây ra đối với dữ liệu nhạy cảm của chính phủ”, AP đưa tin.

“Chính quyền Biden-Harris đã đầu tư rất nhiều vào việc bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của quốc gia và hạn chế quyền truy cập của các đối thủ nước ngoài vào dữ liệu của người Mỹ”, Chris DeRusha, giám đốc an ninh thông tin liên bang, cho biết.

“Động thái này là một phần trong cam kết liên tục của chính quyền nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bảo vệ an ninh và quyền riêng tư của người dân Mỹ”, ông nói.

Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật không TikTok trên các thiết bị của chính phủ” vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, luật pháp vẫn cho phép sử dụng TikTok trong một số trường hợp nhất định, bao gồm phục vụ mục đích nghiên cứu, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật.

Ngày 28/2, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok trên toàn bộ các thiết bị của Mỹ.

Theo Forbes, nếu dự luật được thông qua, chính quyền Tổng thống Biden có thể cấm TikTok cũng như bất kỳ ứng dụng phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Washington cũng có thể có một lựa chọn khác là buộc TikTok bán lại toàn bộ hoạt động cho các công ty Mỹ.

 
Mỹ dẫn đầu làn sóng cấm TikTok tại phương Tây. Ảnh: Reuters.
 
<button _class="z-close-btn"></button>
cam tiktok anh 3

Mỹ dẫn đầu làn sóng cấm TikTok tại phương Tây. Ảnh: Reuters.

Trong diễn biến mới nhất hôm 28/2, Quốc hội Đan Mạch đã kêu gọi cấm TikTok trên điện thoại làm việc của tất cả nghị sĩ và nhân viên bởi "rủi ro hoạt động gián điệp".

"Một bức thư đã được gửi tới các nghị sĩ và nhân viên Quốc hội Đan Mạch khuyến cáo mạnh mẽ việc xóa ứng dụng TikTok nếu đã được tải xuống trước đó", Chủ tịch Quốc hội Soren Gade nói.

Quyết định được Quốc hội Đan Mạch đưa ra sau khi Trung tâm An ninh mạng, trực thuộc Cơ quan Tình báo nước ngoài Đan Mạch, đánh giá ứng dụng TikTok tiềm ẩn rủi ro hoạt động gián điệp.

Hiện chưa rõ khuyến cáo của Quốc hội Đan Mạch sẽ được các nghị sĩ đón nhận như thế nào. Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiều thành viên Quốc hội Đan Mạch cho biết họ đã xóa ứng dụng TikTok vì lo ngại an ninh.

Hôm 23/2, Ủy ban châu Âu đã tạm thời cấm TikTok trên thiết bị di động của tất cả nhân viên, gọi đây là một biện pháp an ninh mạng, theo AP.

"Lý do quyết định này được đưa ra là nhằm nâng cao mức độ bảo vệ an ninh mạng của Ủy ban châu Âu. Biện pháp này cũng nhằm bảo vệ Ủy ban châu Âu trước các mối đe dọa và hành vi có thể bị lợi dụng cho các cuộc tấn công mạng", Sonya Gospodinova, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, nói.

Nhân viên của Ủy ban châu Âu được yêu cầu xóa ứng dụng TikTok trên tất cả thiết bị họ sử dụng cho công việc trước ngày 15/3. Tuy nhiên, đại diện EU không nói rõ họ quy định sẽ được thực hiện như thế nào đối với các thiết bị di động cá nhân mà nhân viên của Ủy ban châu Âu dùng cho mục công việc.

Tại Na Uy, quốc gia không phải thành viên của EU, Bộ trưởng Tư pháp Emilie Enger Mehl đã phải công khai xin lỗi sau khi bị phát hiện lén cài TikTok vào điện thoại được chính phủ phát để sử dụng trong công việc.