Kinh tế báo chí luôn là vấn đề “nóng” khi nguồn thu cho hoạt động báo chí gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2022 vừa qua doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng.
1.Có một thực tế trong bối cảnh hiện nay đã đang và sẽ tiếp tục là câu chuyện khiến các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, các lãnh đạo báo chí trăn trở đó là bài toán sụt giảm doanh thu trong bối cảnh quảng cáo đang chạy dần vào túi các nền tảng mạng xã hội.
Theo thông tin từ Cục Báo chí - Bộ Thông tin & Truyền thông, nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc nhiều vào quảng cáo thì các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google ngày càng nhiều hơn. Trong khi đó, hiện nay, báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo.
Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn. Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.
Rõ ràng, sau đại dịch COVID-19 làm lộ rõ và trầm trọng thêm những khó khăn và áp lực về kinh tế báo chí. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững của các nguồn thu cho tòa soạn. Một chuyên gia công nghệ cho biết, các doanh nghiệp bỏ ra chi phí tới 80% dành cho marketing sản phẩm trên Facebook và Google, trong khi chỉ bỏ phần nhỏ để làm thương hiệu trên báo chí chính thống.
Nhiều tờ báo làm thực hiện quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp (như: Google, Facebook, MGID…), làm cho chi phí quảng cáo của doanh nghiệp tiếp tục đổ vào các nền tảng này, khiến doanh thu báo chí ngày càng eo hẹp dần.
Đó là chưa kể, các cơ quan báo chí cơ bản đã chủ động thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng khó khăn về nguồn kinh phí cho công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc cơ quan báo chí phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ. Sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của cơ quan chủ quản báo chí về nguồn lực cho cơ quan báo chí hoạt động chưa đồng đều, có nhiều hạn chế…
2. Khó khăn ấy buộc các cơ quan báo chí phải chủ động tìm kiếm hướng đi cho mình và các mô hình tăng nguồn thu đã dần được thúc đẩy. Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã có những mô hình đa dạng nguồn thu tương đối hiệu quả. Qua 20 năm thực hiện cơ chế tự chủ (2002-2022) Đài PTTH Vĩnh Long là một trong những Đài đã phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong các hoạt động kinh tế báo chí. Đài được mở rộng, nguồn nhân sự phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, không ngừng nâng cao chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình, mở rộng sản xuất kênh chương trình, các hoạt động thiện nguyện…
Đặc biệt, từ một đơn vị thụ hưởng kinh phí ngân sách, Đài PTTH Vĩnh Long đã trở thành đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao vừa thực hiện hiệu quả hoạt động kinh tế báo chí. Nguồn thu của Đài tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 2002 doanh thu của Đài chỉ khoảng 30 tỷ đồng, thì sau 10 năm thực hiện tự chủ tài chính, doanh thu của Đài vượt mốc 1.000 tỷ đồng, doanh thu năm 2013 là 1.328 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, doanh thu của Đài liên tục đạt trên 1.000 tỷ đồng, mức doanh thu cao nhất được ghi nhận là vào năm 2015, 2016 với con số trên 2.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận đạt trung bình 30%.
Trong nhiều năm qua, Đài THVL luôn giữ vững vị trí là đơn vị dẫn đầu trong khu vực ĐBSCL về lượng khán giả xem đài và nằm trong top 3 về doanh thu quảng cáo cùng với Đài THVN, HTV. Đài không những tự cân đối thu chi, bảo đảm hoạt động của cơ quan mà còn chi thay ngân sách cho Đài Truyền thanh cấp huyện giai đoạn 2002-2010. Có thể xem đây là một điển hình tích cực trong cả nước về quản lý các Đài Truyền thanh cấp huyện. Việc thực hiện quản lý ngành của Đài đã làm giảm nhẹ ngân sách của tỉnh Vĩnh Long mỗi năm vài tỷ đồng và phát huy tối đa lợi thế của các Đài truyền thanh. Chính sự hiệu quả, ổn định trong hoạt động, Đài PTTH Vĩnh Long đã đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách của địa phương…
Bà Tuyết Vân - Phó Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long cho biết: “Vấn đề kinh tế báo chí đang là vấn đề nóng, một bài toán khó đối với các cơ quan báo chí hiện nay. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta quá đặt nặng mục tiêu khai thác doanh thu. Một bài học kinh nghiệm tâm đắc nhất mà Đài PTTH Vĩnh Long có được trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đó là lấy mục tiêu phục vụ nhu cầu của khán giả lên hàng đầu. Tiêu chí của Đài luôn là: phục vụ những gì khán giả cần, chứ không phải phục vụ những gì mình có, luôn tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng và nhu cầu của khán giả và lấy đó làm mục tiêu, làm động lực để không ngừng đổi mới và sáng tạo. Từ đó, Đài có được lượng lớn khán giả trung thành. Và đó chính là điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà cung cấp quảng cáo và tài trợ mang lại nguồn thu. Vì vậy, dù trong thời gian tới, hoạt động kinh tế báo chí có sự cạnh tranh khốc liệt hơn, nhưng tôi tin rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chỉ cần chúng ta nỗ lực đem lại giá trị cho khán giả và công chúng, được sự yêu thích ủng hộ của công chúng thì chắc chắn chúng ta sẽ vẫn còn chỗ đứng và dư địa để phát triển”.
3. Dĩ nhiên đến thời điểm này, tự chủ và bứt phá như Đài PTTH Vĩnh Long là không nhiều và theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhận định: “Trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời”.
Vậy thì việc tích cực tháo gỡ như thế nào để tìm được nguồn thu bền vững cho các cơ quan báo chí? Trả lời vấn đề này, có rất nhiều quan điểm khác nhau như các giải pháp: thu hút thêm lượng truy cập, giữ chân độc giả, tăng doanh thu quảng cáo và phát triển thêm các mảng doanh thu khác. Đặc biệt, Nhà nước cần có “cơ chế đặt hàng” báo chí trong việc truyền thông chính sách… là một trong những phương thức thúc đẩy kinh tế báo chí trong thời gian tới, giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
“Thời gian tới, khi Thủ tướng ký chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách, các địa phương sẽ bố trí nguồn lực cho truyền thông chính sách, trong đó có đặt hàng báo chí và truyền thông cơ sở. Trong năm nay, chắc chắn sẽ có kết quả”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay.
Về phía các cơ quan báo chí, nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền - Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân cũng cho rằng: Tờ báo không phải doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng... sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí.
Chính vì thế, rất tán thành giải pháp trong cơ chế đặt hàng, nhà báo Phạm Thị Thanh Huyền nhận định: “Đơn đặt hàng cũng là một kênh phát triển kinh tế báo chí trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép và sẽ mang lại “hiệu quả kép” vừa có đầu tư, nguồn lực cho tòa soạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; vừa góp phần nâng cao nhận thức thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật, sáng kiến pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân… Đây chính là phương thức kinh tế báo chí hiệu quả trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích góp phần vừa sáng tạo ra những sản phẩm kết tinh từ truyền thông vừa mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế và xã hội”.