Những dấu ấn phong phú, hấp dẫn, độc đáo cả về nội dung và hình thức trên các ấn phẩm Xuân từ năm 1865 đến 2000 sẽ được hiện diện tại Tọa đàm và Trưng bày: “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000”.

Sự kiện diễn ra vào 09h00 sáng thứ Năm, ngày 02/3/2023 tại tầng 2, tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Đây cũng là sự kiện khởi đầu để chuẩn bị cho triển lãm cùng tên tại Hội báo toàn quốc 2023 do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức.

Tuyển chọn và giới thiệu hàng trăm bìa báo Xuân trên các vách trưng bày

Hướng tới kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2023), Chào mừng Hội báo toàn quốc 2023, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề: “Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2000”. Nhà báo Trần Kim Hoa - phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết trong di sản báo chí Việt Nam, báo Tết hay còn gọi là báo Xuân đóng vai trò rất quan trọng, là những giai phẩm đặc sắc nhất của nền báo chí nước nhà. Không phải quốc gia nào cũng xuất bản những số báo Xuân có chất lượng về nội dung và hình thức như vậy.

khi nhung giai pham xuan xua dac sac duoc trung bay hinh 1

Gia Định báo số 2 ra Mồng 1 Tết Bính Dần (1866). Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

khi nhung giai pham xuan xua dac sac duoc trung bay hinh 2

Nông Cổ Mín Đàm số Xuân Ất Tỵ 1905. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, có nhiều tờ báo ra đời vào đúng dịp Tết cổ truyền như Gia Định báo số 2 xuất bản ngày 15/2/1866 đúng mồng 1 tết Bính Dần nhưng chưa có phong vị Xuân trên báo hay tờ Thông loại khóa trình số 10, xuất bản tháng 2/1889 thì chỉ mới đề cập khiêm tốn đến không khí Xuân ở trang 2 qua dòng “Tân Xuân” bằng chữ Hán và “Chữ viết dán ngày Tết”.

Một số tờ báo khác như Nam Kỳ (1898), Lục Tỉnh Tân Văn (1908)… cũng có đề cập đến Tết trong các số báo ra dịp đầu Xuân nhưng phải đến Nam Phong tạp chí số Tết năm 1918 thì báo Tết mới thực sự khởi đầu cho trào lưu ra báo Xuân hằng năm của báo chí Việt Nam.

Trong Thú chơi sách, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển khi nói tới Nam Phong tạp chí cho rằng: “Nam Phong cả thảy hai trăm mười một cuốn (211), vì Tết 1918, có cho ra một tập riêng, toàn văn thơ giá trị, và nếu không lầm, tập ấy là thỉ [thủy] tổ các số báo Xuân, báo Tân niên, báo đặc biệt vậy”. Nam Phong tạp chí số Tết 1918 có 126 trang gồm chữ quốc ngữ và chữ Hán. Báo được thiết kế đẹp, trình bày trang trọng, nội dung phong phú gồm cả thơ, luận, tiểu thuyết, câu đối…

Từ đây, báo Xuân từng bước phát triển muôn màu, muôn sắc. Qua báo Tết, người đọc có thể thấy được toàn bộ hình thái xã hội đương thời, những phong tục tập quán độc đáo, thế giới văn hóa muôn màu hay lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của người dân trong thời cuộc. Báo Tết mang đến những áng văn chương đặc sắc, mang đậm tính thẩm mỹ và hấp dẫn cả về nội dung và hình thức. Qua báo Tết, người đọc có thể thấy tài năng của các thế hệ những người làm báo Việt Nam.

khi nhung giai pham xuan xua dac sac duoc trung bay hinh 3

Nam Phong tạp chí số Tết năm 1918. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Nhà báo Trần Kim Hoa chia sẻ: “Ngay khi xây dựng đề án thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chúng tôi có mong ước sẽ có một bộ sưu tập báo Xuân và 8 năm qua, chúng tôi đã từng bước làm phong phú bộ sưu tập đó với hơn 2.000 tờ báo Xuân trải dài hơn 100 năm qua đã được Bảo tàng dày công sưu tầm. Và nay là thời điểm phù hợp để chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm và trưng bày về báo Xuân. Tọa đàm sẽ có phát biểu của các diễn giả là lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành, các họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm… Các ý kiến tiếp tục khẳng định những dấu ấn phong phú, hấp dẫn, độc đáo về nội dung và hình thức trên các ấn phẩm báo Xuân. Bảo tàng với tinh thần cầu thị sẽ tiếp nhận tất cả các ý kiến tâm huyết của các nhà báo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để làm phong phú hơn cho sưu tập của mình”.

Theo lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam, lần đầu tiên, Bảo tàng tuyển chọn và giới thiệu hàng trăm bìa báo xuân trên các vách trưng bày và giới thiệu 99 tờ báo xuân trong các tủ hiện vật như Nam Phong, Trung Hòa Nhật Báo, Ngày nay, Dân Chúng, Sự thật, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Cờ Giải phóng, Lao Động, Việt Nam Độc lập…

Lần đầu tiên đưa trưng bày báo Xuân xưa ra Hội báo

Hội báo Xuân và Hội báo toàn quốc qua các năm mới dừng lại ở các trưng bày về báo Xuân hiện nay. Lần đầu tiên, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đưa trưng bày về báo xuân xưa ra Hội báo. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng Hội báo toàn quốc 2023.

“Chúng tôi thiết kế các không gian trưng bày về báo Xuân tại Hội báo. Song song với đó các hiện vật báo Xuân gốc sẽ tiếp tục được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đến hết tháng 3/2023 để công chúng quan tâm có thể thưởng lãm. Bản thân tôi bắt đầu tham gia làm báo từ những năm 1990, tôi rất mong chờ được làm báo Tết với các đồng nghiệp và mong muốn tạo ra những giai phẩm báo chí đặc sắc ngày xuân phục vụ độc giả. Đó là cảm giác háo hức mà tôi tin những người làm báo và các độc giả của mình đều mong chờ mỗi độ Tết đến xuân về” - nhà báo Trần Kim Hoa bộc bạch.

Có thể nói, Tọa đàm và trưng bày: “Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2000” góp phần chắt lọc những kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu của ông cha ta trong hành trình làm báo Tết ở Việt Nam và tôn vinh bộ sưu tập báo Tết đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tuyển chọn công phu, góp phần khẳng định những giá trị di sản báo chí vô giá, phục vụ mục tiêu xây dựng nền Báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

khi nhung giai pham xuan xua dac sac duoc trung bay hinh 4

Nhà báo và Công luận Xuân Đinh Sửu 1997.

khi nhung giai pham xuan xua dac sac duoc trung bay hinh 5

Nhân Dân số Tết Mậu Tuất 1958.