Hội thảo khoa học “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023)- Khởi nguồn và động lực phát triển” đã mang tới những nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về bản Đề cương, đồng thời đề xuất những định hướng và giải pháp kế thừa, phát huy, để văn hóa là động lực phát triển, “soi đường cho quốc dân đi”.
Tỏa sáng giá trị một văn kiện mang tầm Cương lĩnh
Với 2 phiên thảo luận với các nội dung: “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về Văn hóa Việt Nam”; “Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước giai đoạn mới”, các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất đánh giá ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn, mang tầm thời đại và sức sống lâu dài, bền vững của bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng. Bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.
“Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh”, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng, “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam. Đó không chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động văn hóa để thực hiện mục tiêu vận động chính trị (như các chí sĩ yêu nước lúc đó thường làm) mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng thành công.
“Không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945, mà Đề cương còn hàm chứa một nội dung rất sâu sắc, đó chính là những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam”, GS.TS Đinh Xuân Dũng nói.
Còn PGS.TS Lê Thị Bích Hồng (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) nhận định, bản Đề cương là văn kiện chính thức đầu tiên, tương đối hoàn chỉnh của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đề cương đã xác định những định hướng mới về nhận thức, hành động thực tiễn cho nền văn hóa của Đảng. Tinh thần bản Đề cương với những giá trị cốt lõi đã được Đảng ta phát triển, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn đất nước ở từng giai đoạn lịch sử. Theo bà Hồng, các văn kiện định hướng quan trọng của Đảng sau này đều được soi sáng từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943.
Khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nhìn nhận trong những năm qua, vẫn có lúc, có nơi, văn hóa chưa được đặt thật đúng vị trí, chưa thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thậm chí, từng có quan niệm cho rằng bảo tồn, phát triển văn hóa cần nguồn lực đầu tư lớn song hiệu quả kinh tế mang lại không cao…
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, một số hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa của bản Đề cương vẫn đang tồn tại. Điều này khiến cho các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân…
Cũng với mục tiêu chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới và từ thành công về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa qua, PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương kiến nghị Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2045.
“Trung ương cử một đồng chí lãnh đạo chủ chốt làm Trưởng ban. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực. Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận có liên quan đến sự nghiệp chấn hưng văn hóa Việt Nam sẽ tham gia Ban Chỉ đạo này”, PGS.TS Đào Duy Quát đề xuất.
Tham luận về vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa - con người Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, là cơ hội để Việt Nam phát triển bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam muốn chuyển đổi số thành công thì phải dựa trên đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam.
Dẫn chứng về sách, Bộ trưởng cho hay, trong thời chuyển đổi số thì quyển sách có “vô vàn hình tướng”. Một quyển sách ra đời có thể có các phiên bản trên Youtube, Facebook, Tiktok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm và phiên bản để ChatGPT đưa vào hệ tri thức, phiên bản tóm tắt, phiên bản hoạt hình, phiên bản âm thanh… Để làm được vậy, thì chỉ có công nghệ, công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Từ phân tích này, Bộ trưởng đề xuất xây dựng một trợ lý ảo, dạng như ChatGPT. Theo Bộ trưởng, ChatGPT là về mọi lĩnh vực, cho mọi quốc gia nên rất khó đạt đến mức xuất sắc; nhưng nếu chúng ta xây dựng chat Văn hóa Việt Nam với dữ liệu phải xử lý giảm đi hàng ngàn lần thì nó sẽ đạt được mức xuất sắc. Bộ trưởng cho rằng, đây là cách lưu trữ, quảng bá văn hóa Việt Nam hiệu quả nhất; đồng thời cam kết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành với ngành Văn hóa trong việc xây dựng các nền tảng số của văn hóa Việt Nam.
Trong lời phát biểu tổng kết, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo, quản lý tiếp tục công bố những nghiên cứu mới, góp phần làm rõ, làm sâu sắc hơn nữa giá trị lớn lao, bền vững của bản Đề cương; nhận diện những vấn đề cần bổ sung, phát triển, từ đó đề xuất những giải pháp để tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị của Đề cương trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho hay, tại Hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận được 173 tham luận gửi đến. Đây là minh chứng sinh động, rõ nét, khẳng định vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng to lớn của bản “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và ý nghĩa thiết thực của Hội thảo này.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, ở vào những bước ngoặt mang tính quyết định, sức mạnh của văn hóa dân tộc luôn được khẳng định và phát huy, góp phần quan trọng đưa đất nước ta phát triển đi lên.
“Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chốt lại.