Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người - tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.
Và giờ đây, trong những ngày kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), “thông điệp” ấy một lần nữa được tiếp tục nhấn mạnh: Văn hóa tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển trên hành trình hiện thực hoá giấc mơ thịnh vượng.
1. Tối 28/2 vừa qua, phát biểu tại Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và cả nhân loại. Văn hóa dân tộc là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử.
80 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, cốt cách của con người Việt Nam, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của lòng yêu nước, nhân ái, sẻ chia; tính cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, chịu thương, chịu khó và khả năng sáng tạo, ứng phó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nhấn mạnh ấy của người đứng đầu Chính phủ cũng là một trong những nhìn nhận nhận được sự thống nhất cao từ các nhà nghiên cứu trong dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam.
“Thứ nhất, Đảng ta đã xác định văn hóa là một mặt trận và chúng ta phải đấu tranh cách mạng trên mặt trận văn hóa đó thì cách mạng mới đi đến thành công. Thứ hai, văn hóa cùng với kinh tế - chính trị là 3 mặt trận rất quan trọng mà phải tiến hành đồng thời. Và sau đó như chúng ta đã biết, đến năm 1945 - CMT8 thành công, bản Đề cương vẫn tiếp tục được Đảng ta phát huy, phát triển thông qua những cuộc vận động bình dân học vụ, đoàn kết dân tộc để đánh đuổi đế quốc phong kiến để giành độc lập. Cho đến giai đoạn chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và giai đoạn đổi mới ngày nay, chúng ta thấy những luận điểm, luận cứ, những đường lối đã được Đảng ta vạch ra trong bản Đề cương vẫn còn rất chính xác, rất đúng với những bước phát triển của đất nước hôm nay”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu quan điểm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã nhấn mạnh: Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc, hình thành nên một nền văn hóa giàu bản sắc, thể hiện nổi bật phẩm chất, lương tri, trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của con người Việt Nam.
Từ trong cội nguồn sâu thẳm, văn hóa đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
2. Phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu trên trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra sáng 24/11/2021 tại Hà Nội.
Tuy nhiên, làm thế nào để thực sự “đưa tư duy văn hóa vào trong mỗi bước đi, mỗi quyết sách về kinh tế, chính trị, hoạt động xã hội, bảo đảm cho văn hóa được thể hiện rõ nét, ngang bằng với các trụ cột phát triển khác” lại là điều không hề dễ dàng. Văn hóa nằm ở đâu trong dòng chảy của phát triển? Làm sao để văn hóa phát huy được giá trị và sức mạnh, thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực và nguồn lực phát triển của đất nước?... là một vài trong số rất nhiều những vấn đề đang được đặt ra và cần có những lời giải thỏa đáng.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng về văn hóa, Đảng ta xây dựng 10 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó cụ thể là: tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển; tập trung nguồn lực cho phát triển văn hóa...
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 24/11/2021, trong phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận về 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp phát triển văn hoá, trong đó nhấn mạnh tới việc: cần đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ chân - thiện - mỹ; nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, vui tươi, hạnh phúc cho người dân; tiếp tục phát huy vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của nhân dân; Chú trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống và giá trị hiện đại; Phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với các hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội…
Tổng Bí thư cũng đề nghị, tập trung xây dựng Đảng về văn hóa, về đạo đức để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh; xây dựng văn hóa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo quản lý, trong kinh doanh. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và sự tham gia của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong phát triển văn hóa. Quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch, huy động nguồn lực phát triển văn hóa. Quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng văn hóa số phù hợp với thời đại công nghệ số, xã hội số, công dân số nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; từ đó điều tiết sự phát triển đất nước phù hợp bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tới nay, sau hơn một năm, việc thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã có những kết quả bước đầu.
Kết quả ấy, dù còn khá khiêm tốn nhưng là động lực để chúng ta nuôi trong mình nguồn động lực để tiến xa hơn, để văn hóa thực sự là sứ mạnh của dân tộc Việt trên hành trình hiện thực hoá giấc mơ thịnh vượng, như tin tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với một đất nước trọng văn hiến, trọng hiền tài; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ văn nghệ sỹ có trách nhiệm cao và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm dày thêm văn hóa dân tộc. Từ đó, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.