Viện Kiểm sát quân sự trung ương vừa ban hành cáo trạng truy tố ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út trọc) và 2 đồng phạm về tội trốn thuế.
Thuê đất quốc phòng mang cho thuê lại, Út trọc bị cáo buộc trốn thuế 39 tỉ - Ảnh 1.

Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa trước đó - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo cáo trạng, ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là 'Út trọc', thượng tá, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) đã nhờ người nhà, người thân, bạn bè đứng tên đại diện theo pháp luật, cổ đông hoặc thành viên góp vốn để thành lập một số công ty.

Trong đó có Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đức Bình (Công ty Đức Bình), Công ty cổ phần Đầu tư Cái Mép (Công ty Cái Mép)...

Các công ty này có tư cách pháp nhân, trên danh nghĩa là độc lập nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo của ông Đinh Ngọc Hệ và sự điều hành của ông Phạm Văn Diệt (tổng giám đốc điều hành Công ty Đức Bình, Diệt được Hệ giao nhiệm vụ điều hành tất cả các công ty của Hệ, trong đó có Công ty Cái Mép).

Trong quá trình hoạt động, từ tháng 3-2008 đến tháng 4-2016, Công ty Cái Mép đã ký hợp đồng liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị quân đội trên 8 khu đất quốc phòng (bản chất là thuê đất).

Sau đó ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác khác để thu về khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp đồng (bản chất là cho đối tác khác thuê lại).

Lợi dụng công tác quản lý doanh nghiệp của các cơ quan thuế có lúc chưa thực sự chặt chẽ, vì động cơ vụ lợi, Công ty Cái Mép mà đại diện là các bị can đã cố ý che giấu doanh thu có được từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh (mà bản chất là cho thuê tài sản) trên 8 khu đất quốc phòng.

Không thực hiện việc xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, không kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, dẫn đến không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước trong một thời gian dài, đến kỳ kiểm tra thuế năm 2019 đối với niên độ 2011-2018 mới được phát hiện.

Cáo trạng xác định trong giai đoạn 2011 - 2018, tổng doanh thu Công ty Cái Mép phải thu theo các hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác trên 8 khu đất quốc phòng là 133,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Hệ đã trực tiếp chỉ đạo ông Phạm Văn Diệt, thống nhất với ông Trần Lê Toàn (kế toán trưởng Công ty Cái Mép) không kê khai thuế, kê khai không đầy đủ, để ngoài sổ sách, không xuất hóa đơn các khoản thu của Công ty Cái Mép cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê lại các điểm đất quốc phòng để Công ty Cái Mép trốn đóng thuế nhà nước từ năm 2011 đến năm 2018 số tiền 39,7 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, đối với các đơn vị quân đội cho Đinh Ngọc Hệ cho thuê 8 điểm đất quốc phòng đã tiến hành điều tra làm rõ, xác định các đơn vị quân đội đã nộp tiền thu cho thuê các điểm đất quốc phòng đúng quy định nhà nước và cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết nên không xem xét trong vụ án là có cơ sở.

Ngoài ra cáo trạng cũng không xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là Công ty Cái Mép. Do những người thực hiện hành vi phạm tội không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cái Mép. Nhưng công ty này được hưởng lợi trái pháp luật nên phải có trách nhiệm nộp lại toàn bộ số trốn thuế và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định vào ngân sách nhà nước.

---------------------------------------

Y án chung thân đối với 'Út trọc' trong vụ sai phạm tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương

 

TAND cấp cao tại TP.HCM đã bác tất cả kháng cáo, tuyên y án đối với 4 bị cáo có kháng cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, gây thất thoát 725 tỉ đồng.

Y án chung thân đối với Út trọc trong vụ sai phạm tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh 1.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại tòa - Ảnh: T.M.

Cụ  thể, HĐXX đã bác kháng cáo, tuyên y án chung thân đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức "Út trọc") về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Bị cáo Phạm Văn Diệt (tổng giám đốc Công ty Đức Bình) 10 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó 24 năm tù; phạt bị cáo Vũ Thị Hoan (giám đốc Công ty Yên Khánh) 7 năm tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó 14 năm tù; phạt bị cáo Phạm Tấn Hoàng (phó phòng kế toán Công ty Yên Khánh) 6 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.  

Theo cáo trạng, do mối quan hệ quen biết, ông Đinh La Thăng đã giới thiệu để hai công ty của Đinh Ngọc Hệ tham gia đấu giá và trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Sau đó, ông Hệ đã chỉ đạo nhân viên chiếm đoạt 725 tỉ đồng của Nhà nước. 

Ngoài ra, bị cáo Hệ còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để yêu cầu Công ty Licogi 13 bán rẻ căn biệt thự cho mình. Đổi lại, ông Hệ hứa cho Công ty Licogi 13 được tham gia thi công dự án không qua đấu thầu. 

HĐXX cho rằng ông Hệ đã lập khống hồ sơ của Công ty Yên Khánh để tham gia đấu thầu và chiếm đoạt quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Sau khi giành được quyền thu phí thì Hệ đã chỉ đạo cấp dưới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền thu phí. 

HĐXX nhận định bị cáo Hệ có động cơ chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu. Hành vi của Hệ cùng đồng phạm diễn ra liên tục, trong một thời gian dài. 

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương vẫn do Nhà nước sở hữu nên số tiền 725 tỉ đồng là tài sản phải nộp về Bộ Giao thông vận tải nên không có cơ sở xác định bị cáo Hệ phạm tội trốn thuế.

Theo HĐXX phúc thẩm, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo đúng người, đúng tội, phù hợp với tính chất phạm tội cũng như hậu quả vụ án. 

Vì vậy, không có cơ sở xem xét kháng cáo của các bị cáo. Tại tòa phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được tình tiết mới nên không chấp nhận kháng cáo.