Chỉ đạo được Chủ tịch Phan Văn Mãi đưa ra khi phát biểu kết luận tại buổi làm việc về kinh tế xã hội TP.HCM tháng 2, hai tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 3, tổ chức sáng 3-3.
"Không thể chấp nhận thành phố thiếu nhà vệ sinh công cộng"
Trước đó, đầu tháng 2, dẫn chỉ số từ bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia cho biết chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM xếp vị trí 67/69 thành phố du lịch trên thế giới.
Tình trạng vừa thiếu vừa quá tải nhà vệ sinh công cộng ngày càng nghiêm trọng. Tại các tuyến đường sầm uất như Bùi Viện, Đề Thám (quận 1), Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch (quận 3)... đều không có nhà vệ sinh công cộng. Trong khi đó, một số nhà vệ sinh trên đường Tú Xương, Lê Quý Đôn (quận 3) thường xuyên đóng cửa.
Để có thể tìm thấy nhà vệ sinh, du khách và người dân phải tìm kiếm các khu vực xung quanh hoặc đi nhờ ở những cửa hàng, quán cà phê hoặc trung tâm thương mại.
Trao đổi về vấn đề này tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: "Không thể chấp nhận việc ở thành phố thế này lại để xảy ra tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng". Ông đề nghị các quận, huyện rà soát, công bố rõ danh sách nhà vệ sinh công cộng để người dân tiếp cận.
Theo ông Mãi, các đơn vị không thể viện cớ không có quy hoạch để không triển khai chương trình nhà vệ sinh lưu động. Thay vì đó, tại những nơi có nhu cầu như trung tâm, công viên phải làm ngay.
Mặt khác, Sở Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành giải quyết vấn đề bất cập. Nếu có vướng mắc phát sinh liên quan vỉa hè, kết nối điện nước thì phối hợp giải quyết.
Theo thống kê, toàn TP.HCM chỉ có trên 200 nhà vệ sinh công cộng, trong khi dân số thành phố khoảng 10 triệu người. Vừa qua, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại buổi họp liên quan đến phương án tổ chức, quản lý nhà vệ sinh công cộng khu vực trung tâm thành phố.
Cụ thể, giao Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong nghiên cứu, đề xuất mẫu thiết kế, phương án nguồn lực tài chính, cách thức vận hành, quản lý để xây dựng nhà vệ sinh công cộng khu vực trung tâm TP theo hướng hiện đại, đảm bảo các yêu cầu về tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường.
Đồng thời, giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cùng với các sở ngành liên quan rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng trong khu vực. Từ đó đề xuất giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dịch vụ.
Đặc biệt, các quận trung tâm TP tiếp tục thực hiện công tác vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý, khai thác các cơ sở như: bưu điện, cây xăng, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống, bến xe... trên địa bàn để khách du lịch, khách vãng lai được sử dụng nhà vệ sinh ở bên trong các khu vực này.
Bên cạnh đó, cần có biển báo hướng dẫn để khách du lịch, khách vãng lai dễ dàng nhận biết và tiếp cận sử dụng.