Sáng 7-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề "Khả năng mới của mối quan hệ Việt - Nhật hướng đến tương lai", do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Keidanren tổ chức.
Là sự kiện nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ hai nước, ông Ichikawa Hideo, cố vấn Tập đoàn Resonac Holdings, đồng chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt thuộc Keidanren - bày tỏ mối quan hệ lâu đời của hai nước được vun đắp qua nhiều thế hệ.
Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực lắng nghe
Ông đánh giá cao Việt Nam đã đạt thành tựu kinh tế vững chắc, là quốc gia có nền chính trị và xã hội ổn định, có 100 triệu dân. Việt Nam là cửa ngõ và là thị trường hấp dẫn đối với thế giới. Hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.
Một trong những nền tảng tăng cường quan hệ hai nước là "Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản", ông Ichikawa Hideo cho rằng đã đạt nhiều thành tựu.
Theo đó, sáng kiến đã hỗ trợ Việt Nam, xây dựng những hạ tầng kinh tế quan trọng, tiến hành các dự án ODA. Từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng trưởng công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực.
"Những kết quả này là nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản" - ông Ichikawa Hideo nói.
Gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả cho Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ hai nước dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã không ngừng được củng cố, phát triển và tin cậy.
Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện cả song phương, đa phương, tạo hành lang thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại.
Đặc biệt trong hợp tác ODA, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỉ yen vốn vay, gần 100 tỉ yen viện trợ không hoàn lại và 180 tỉ yen hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật thực hiện nhiều dự án hạ tầng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực…
Đến nay, Nhật Bản cũng có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 70 tỉ USD tại Việt Nam. Kim ngạch hai nước đạt 50 tỉ USD trong năm 2022.
"Chúng tôi cảm nhận được sự chân thành, tin cậy, chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản" - Thủ tướng nói và bày tỏ với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam, rất mong muốn phía bạn sẽ tin tưởng và hợp tác đầu tư.
Nhiều dư địa hợp tác
Với tinh thần cùng đồng hành hướng tới tương lai, trên nền tảng quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á", người đứng đầu Chính phủ cho rằng còn nhiều dư địa hợp tác nên cần nghiên cứu nâng cấp quan hệ hai nước để phát triển bền chặt hơn.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến một số định hướng trong hợp tác. Đó là xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Việt Nam đã ban hành các cơ chế thu hút tài chính, đặc biệt từ tư nhân cho mục tiêu này.
Cùng với chiến lược và kế hoạch hành động, Việt Nam xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu đãi tài chính, thúc đẩy dự án sử dụng hiệu quả năng lượng, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo…
Về chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hợp tác công - tư với vai trò Chính phủ dẫn dắt, doanh nghiệp đồng hành. Mục tiêu là xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi mở hướng hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý và các ưu đãi đầu tư về vấn đề này.
Có nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành lập những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra: đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Do đó, Thủ tướng mong muốn những thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần chia sẻ kinh nghiệm giúp Chính phủ những giải pháp thiết thực để hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai nước.
"Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả. Đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu" - Thủ tướng nói.
Trên tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro, khó khăn chia sẻ", Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.