Chỉ đạo được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chiều 8-3 nhằm xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, cả nước hiện có 61/281 trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động. Trong đó có 53 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 trung tâm đăng kiểm dừng do không đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, có tới 22/31 đơn vị đăng kiểm với 41 dây chuyền kiểm định đang dừng hoạt động. Tại TP.HCM, 9 trung tâm đăng kiểm với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động.
Thực tế gây tình trạng ùn tắc đăng kiểm ngày càng nghiêm trọng.
Có thời điểm hai thành phố lớn chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu kiểm định xe của người dân
Theo đó, khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân chỉ đạt khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở TP.HCM. Thậm chí, có tháng chỉ đạt khoảng 30% ở cả hai thành phố trên.
Thông tin về một số kết quả điều tra bước đầu tại Cục Đăng kiểm và một số trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết đây là những sai phạm, vi phạm mang tính hệ thống, không chỉ do thiếu kiểm tra, giám sát.
Theo ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, cần có giải pháp tập trung để đưa hoạt động đăng kiểm sớm trở lại bình thường, nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Đồng tình vấn đề này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng việc cung cấp các dịch vụ công, trong đó có hoạt động đăng kiểm, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với người dân.
Tuy nhiên, những sai phạm tại Cục Đăng kiểm, một số trung tâm đăng kiểm hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dân
Trong một thời gian dài, việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải diễn ra rất tùy tiện, không đúng các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật. Vì vậy, chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng kiểm.
Đồng thời, nâng cao niềm tin của người dân, cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những bất cập trong mô hình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm.
Theo đó, ông Hà yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân.
"Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân", ông Hà nêu rõ.
Phải làm ngay để khắc phục tình trạng người dân không thể đi đăng kiểm
Để giải quyết các vấn đề trên, Phó thủ tướng yêu cầu sau cuộc họp hôm nay, các đơn vị "phải làm ngay, phải thay đổi ngay, không thể để tình trạng như thế này".
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải được yêu cầu sớm đưa ra hướng dẫn cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe.
Thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP.HCM. Kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân.
Bộ Công an tiếp tục phân hóa các nhóm đối tượng vi phạm để có phương thức đấu tranh phù hợp, nhất là những cá nhân chủ mưu, cầm đầu.
Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Công an xem xét phương thức tách chức năng quản lý nhà nước và hoạt động của các trung tâm kiểm định. Bảo đảm minh bạch, rõ ràng. Tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên…