Tuy nhiên nhiều nội dung được đưa lên các nền tảng này đã vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Nguyên tắc cộng đồng của ba nền tảng mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam này đều hạn chế, thậm chí cấm đăng những thông tin phản cảm hoặc xâm phạm quyền riêng tư, hình ảnh cá nhân người khác. Thế nhưng hàng loạt video xung quanh đám tang nghệ sĩ Vũ Linh mới đây khiến nhiều người xem bức xúc, cho thấy các nguyên tắc này đã bị phớt lờ.
Náo loạn đám tang để kiếm tiền
Ngay sau khi nghệ sĩ Vũ Linh ("ông hoàng hồ quảng", ghi dấu ấn đậm trong vở cải lương Tình anh bán chiếu) qua đời, hàng trăm YouTuber, Facebooker, TikToker... đã đổ tới tang lễ, tranh giành chỗ đứng, tất bật quay video. Thay vì chia buồn, bày tỏ lòng thương mến, nhiều người xem đám tang là hội lớn, đăng các video với những tiêu đề phản cảm, câu kéo người xem.
Không khó để tìm thấy những video với các nội dung câu khách như "Biến căng: Anti fan xuất hiện phá đám tang nghệ sĩ ưu tú Vũ Linh; Đám tang Vũ Linh: Ngọc Sơn tới náo loạn cả khu phố, Hà Trí Quang - Thanh Đoàn, Công Hậu viếng"...
"Đám tang Vũ Linh: "sư thầy" Thích Tâm Phúc được viếng nhưng Bảy Bóng không được vào phải ra về", "Hoài Linh tội nghiệp đến đám tang nghệ sĩ Vũ Linh một mình"... Trong đó, nhiều kênh YouTube đã được bật tính năng kiếm tiền, nên quảng cáo của các nhãn hàng lớn như sữa Enfa, nước mắm Knorr, bột giặt NET, mỹ phẩm Eucerin, nước ngọt C2... cũng nhảy vào video về đám tang cố nghệ sĩ.
"Đám tang nghệ sĩ Vũ Linh bất ngờ xuất hiện chuyện lạ chưa từng có", tiêu đề một video đăng trên kênh Trai đồng bằng TV. Để hút lượt xem, trên ảnh đại diện của video này còn chèn thêm các cụm từ "Vũ Linh Miễm Cười", "Linh Cữu", "Trời Ơi...!", "Cảnh Tượng Chưa Từng Thấy".
Bấm vào video, lập tức quảng cáo của dịch vụ giao đồ ăn Baemin xuất hiện. Vào video chính, YouTuber này quay khung cảnh đám tang về khuya, đông đúc người viếng thăm, đồng thời thuyết minh về đám tang, nhưng không có bằng chứng nào khẳng định cố nghệ sĩ Vũ Linh mỉm cười trong đám tang của chính mình, như phía YouTuber giới thiệu. Một tài khoản tên Trinh Lam bức xúc: "Trai Đồng Bằng nên thật thà khi làm YouTuber. Không nên ghi giật tít kiểu này. Không được cảm tình đâu".
Trong hai ngày gần đây, kênh này liên tục đăng hàng loạt video về đám tang cố nghệ sĩ Vũ Linh, trong đó có video đạt trên 390.000 lượt xem chỉ sau 17 tiếng đăng tải. Trong tuần này, kênh Trai đồng bằng TV cũng đăng tải tới chín video về một đám tang khác. Bấm vào video "Sóc Trăng em rể đưa chị vợ đi làm bằng 30 nhát dao", lập tức quảng cáo nước tăng lực Rồng Đỏ xuất hiện.
Mở đầu video, YouTuber cho biết đã có mặt "để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, dẫn cô chú anh chị tới trực tiếp hiện trường đã xảy ra sự việc kinh hoàng", đồng thời gặp chồng của người phụ nữ xấu số và đặt nhiều câu hỏi liên quan. Tua vào giữa video là quảng cáo của Agoda (ứng dụng đặt vé máy bay, khách sạn...) hiện lên, tiếp nối là ứng dụng trò chơi điện tử Coloring Match.
Đến gần cuối video, YouTuber này tới một khu vực được giới thiệu là hiện trường vụ án, sau đó quay cận mặt của mình để chia sẻ cảm xúc, phía sau người này là nhiều người đàn ông khác cũng cầm trên tay điện thoại để quay. Song song đó kênh này cũng đăng tải các video về vụ tịnh thất Bồng Lai, bà Nguyễn Phương Hằng, ông Võ Hoàng Yên...
Kênh này còn có video với tít "Chấn động Trà Vinh chơi với bạn U60 hốt lun con bạn 19t", hình đại diện video chèn các cụm từ "dắt vô cà phê chòi", "bầu 7 tháng"... Không chỉ kiếm tiền nhờ các quảng cáo của nhãn hàng lớn được "bắn" vào video, kênh này còn bán mật ong, cảm ơn sự yêu thương, tin tưởng, ủng hộ của khán giả để có tiền trang trải cuộc sống, có chi phí đi lại...
Càng cấm càng xuất hiện nhiều
Tương tự, tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok cũng nêu rõ: "Chúng tôi không cho phép nội dung khỏa thân, khiêu dâm hoặc tình dục công khai trên nền tảng của mình. Chúng tôi cũng nghiêm cấm những nội dung mô tả hoặc ủng hộ hoạt động tình dục không có sự đồng thuận, việc chia sẻ hình ảnh riêng tư không có sự cho phép và gạ gẫm tình dục người lớn".
Thế nhưng một video nhảm với nhạc nền và nội dung là những lời kích dục "Anh... vào nha bé ơi...", "Không, bé sợ đau lắm"... lại thuộc hàng nổi tiếng khi thu hút đến gần 144.000 lượt xem, hơn 2.600 bình luận, gần 2.600 lượt chia sẻ. Hay đoạn video ngắn quay vòng ba một cô gái đang nằm uốn éo cũng thu hút đến 54.200 lượt xem, hơn 300 bình luận...
Trên YouTube, kênh Kiên Chổi (hơn 441.000 người theo dõi) liên tục đăng các video diễn cảnh ghen tuông, đánh nhau. Ở video "Biến căng - thằng trà xanh đ.á.n.h. Phạm Thư bắt phải lên rừng t.r.ố.n không cho đầu tư", nhân vật nam tên Quang diễn cảnh tát người yêu, bắt cô gái phải lên rừng cùng mình để trốn công an, khỏi bị bắt vào tù vì tội lừa 500 triệu đồng. Đầu video này xuất hiện quảng cáo sữa Vinamilk, cuối video chèn quảng cáo nước tăng lực Warrior dẫn tới đường link mua hàng bachhoaxanh.com.
Trong video khác có tên "Kiên Chổi p.h.a.ng thằng trà xanh một trận tơi bời vì é.p Phạm Thư phải trốn", nhân vật Kiên đã cầm cây gỗ để đánh tình địch, bạn của Kiên cầm một cây dao dài (nghi bằng kim loại) ra dọa.
Để lách kiểm duyệt, trong các tiêu đề, phía kênh YouTube đã chêm thêm các dấu chấm vào những từ mang tính chất bạo lực, như: phang (p.h.ang), đập (đ.ậ.p), xử lý (x.ử l.í), trả thù (trả t.h.ù)... Để tăng tương tác, tăng view, trên Facebook cũng có một tài khoản tên Nguyễn Trung Kiên (Kiên Chổi) chia sẻ các video trên kênh YouTube.
Bên cạnh đó, trào lưu giang hồ mạng một thời nổi tiếng tại Việt Nam vẫn tiếp tục được nhiều YouTuber duy trì bằng các video âm nhạc thể hiện đời sống giang hồ, kèm hình ảnh bạo lực... được đăng tải tràn lan. Tại kênh NhacPro Tube (có 6,37 triệu tài khoản đăng ký), bài nhạc chế "Đời người anh em" thu hút tới 11 triệu lượt xem.
Ngoài lời bài hát tỏ ý ca ngợi, răn dạy làm "anh em xã hội" trong giang hồ phải tình nghĩa với nhau, còn có minh họa các cảnh chửi thề, ăn nhậu, đánh chém có sử dụng dao, kiếm (nghi giả) làm đạo cụ. Kênh này cũng có các quảng cáo được "bắn" vào các video. Các hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, lời lẽ thô tục, thể hiện nội dung phân biệt đối xử... cũng xuất hiện nhan nhản trên Facebook, TikTok...
30 triệu người Việt xem YouTube
Việt Nam là một trong những nước có lượng người xem YouTube trên tivi cao nhất, với con số được ghi nhận vào tháng 5-2022 lên đến 30 triệu người.
Khảo sát "Why Video" của Ipsos 2022 cho biết 77% người dùng tại Việt Nam cho rằng YouTube là truyền hình khi họ xem trên tivi được kết nối mạng (Connected-TV), và 50% người dùng khảo sát cũng khẳng định YouTube là truyền hình khi xem trên bất kỳ thiết bị nào khác.
Tổng số giờ nội dung được đăng tải trên YouTube Việt Nam từ tháng 6-2021 đến tháng 5-2022 đã tăng 130% so với năm trước đó. Tại Việt Nam, có hơn 1.100 kênh sở hữu trên 1 triệu người theo dõi, tăng 25% so với năm 2021.
Ông Lars Voedisch (giám đốc điều hành Công ty truyền thông PRecious Communications):
Doanh nghiệp tự hạ thấp thương hiệu
Khi nhìn thấy quảng cáo của một thương hiệu xuất hiện trên các trang web lậu, vi phạm bản quyền hoặc các video có nội dung xấu độc, người dùng có thể có những nhận thức tiêu cực về thương hiệu đó. Họ có thể cho rằng thương hiệu đó hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp hoặc các nội dung xấu độc bằng cách cho phép quảng cáo của họ xuất hiện trên các trang web hoặc video đó.
Người dùng cũng có thể đặt câu hỏi về các giá trị và đạo đức của thương hiệu dựa trên sự liên kết với các trang web vi phạm, các video có nội dung xấu độc, và có thể liên kết thương hiệu với các hành vi hoặc thái độ tiêu cực nói chung. Ngoài ra, nếu nội dung của các trang web đó vi phạm một số thuần phong mỹ tục của Việt Nam, người dùng có thể cho rằng thương hiệu không tôn trọng các giá trị văn hóa địa phương.
Cuối cùng, bối cảnh mà một thương hiệu và quảng cáo của nó được nhìn thấy phản ánh lại những gì thương hiệu đại diện - có thể khiến hình ảnh của thương hiệu từ một thương hiệu cao cấp trở thành một thương hiệu thị trường đại chúng, hoặc thậm chí tệ hơn là đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp và giá trị của thương hiệu, gây ảnh hưởng không chỉ đến nhận thức về thương hiệu mà còn trực tiếp đến doanh số bán hàng tiềm năng.