Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Sáng 9-3, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phòng thủ dân sự và Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị.

TPHCM quán triệt các nghị quyết về phòng thủ dân sự và công nghiệp quốc phòng  ảnh 1

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự hội nghị. Ảnh: MINH HIỆP

Phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc

Tại hội nghị, Thiếu tướng - TS Lê Văn Hải, Chủ nhiệm Chính trị Học viện Quốc phòng đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết 22 và Nghị quyết 08, Chỉ thị 283 của Quân ủy Trung ương.

Thiếu tướng Lê Văn Hải nhấn mạnh, phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Đối tượng của phòng thủ dân sự là thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại về con người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân. Phòng thủ dân sự được thống nhất tổ chức từ Trung ương đến địa phương và phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, chuẩn bị tốt, kỹ trước khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc.

TPHCM quán triệt các nghị quyết về phòng thủ dân sự và công nghiệp quốc phòng  ảnh 2

Thiếu tướng-Tiến sĩ Lê Văn Hải báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về mục tiêu, nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng vào ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và tham gia của toàn dân trong phòng thủ dân sự. Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các lực lượng và nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng thủ dân sự; xây dựng chiến lược phòng thủ dân sự đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và kết hợp chặt chẽ với các chiến lược chuyên ngành liên quan.

TPHCM quán triệt các nghị quyết về phòng thủ dân sự và công nghiệp quốc phòng  ảnh 3

Các đại biểu tham dự hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh đó là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Đa dạng hóa và ưu tiên các nguồn lực để phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Chiến lược phòng thủ dân sự phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, các vùng, ngành, địa phương, kịp thời điều chỉnh khi có chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra…

Công nghiệp quốc phòng phải tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội

Thiếu tướng Lê Văn Hải cũng báo cáo các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và quán triệt Chỉ thị 283 của Quân ủy Trung ương.

TPHCM quán triệt các nghị quyết về phòng thủ dân sự và công nghiệp quốc phòng  ảnh 4

Các đại biểu tham dự hội nghị quán triệt, triển khai nghị quyết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đó, công nghiệp quốc phòng là bộ phận quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng, an ninh và là một bộ phận của công nghiệp quốc gia. Công nghiệp quốc phòng có nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vật tư kỹ thuật quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành Kế hoạch 187 về thực hiện Nghị quyết 22. Triển khai thực hiện, Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã quán triệt các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu, chiến lược quốc gia gắn với công tác phòng thủ dân sự.

TPHCM quán triệt các nghị quyết về phòng thủ dân sự và công nghiệp quốc phòng  ảnh 5

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM triển khai Kế hoạch 187 của Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM về thực hiện Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phòng thủ dân sự. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong đó, cần bảo đảm đầu tư ngân sách cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phòng thủ dân sự. Xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, chương trình huấn luyện về phòng thủ dân sự cho lực lượng.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Công an Thành phố, Bộ đội Biên phòng Thành phố cần phối hợp với Đảng ủy Quân sự Thành phố tham mưu, đề xuất biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 22 và phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đảng ủy Quân sự TPHCM có trách nhiệm tham mưu thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự Thành phố theo đúng quy định; phối hợp với các cơ quan đề xuất mua sắm trang bị; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập về phòng thủ dân sự…