Nhiều nút giao trong thành phố từng tổ chức giao thông theo dạng vòng xoay, sau đó thu hẹp hoặc dỡ bỏ để lắp đèn xanh - đỏ, xây cầu vượt, giúp giảm giao cắt các hướng đi.

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Nút giao trước chợ Bến Thành, quận 1, có từ năm 1914 - là một trong vòng xoay đầu tiên ở TP HCM, gắn bó nhiều thế hệ người dân thành phố. Đến năm 2017, vòng xoay tại đây cũng được phá dỡ thi công ga ngầm Bến Thành của Metro số 1.

Cuối năm 2022, công trường metro lấp mặt bằng trước chợ Bến Thành. Khu vực này được tạm thời phân lại lối đi, kẻ vạch đường, lắp đèn tín hiệu chờ phương án tái lập vòng xoay.

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Ngã tư Hàng Xanh - nơi giao nhau giữa hai tuyến đường lớn Điện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 2013, nơi này đưa vào khai thác cầu vượt thép và dỡ bỏ vòng xoay tại đây.

Tuy nhiên, đây là nút giao lớn kết nối cửa ngõ phía Đông với trung tâm thành phố nên khu vực hiện thường xuyên dồn ứ vào giờ cao điểm.

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Ngã 5 đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh) là một trong nút giao lớn ở cửa ngõ phía Đông thành phố. Đây là điểm giao cắt của các trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí.

Nơi này không tổ chức vòng xoay, song duy trì một tiểu đảo hình tam giác nhằm tách hai hướng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Ung Văn Khiêm; bố trí đèn tín hiệu cho xe qua nút giao.

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn ở nút giao các tuyến đường Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Hồng Hà, Bạch Đằng (quận Gò Vấp) được xây dựng gần 10 năm trước.

Ban đầu vòng xoay này bị cho quá rộng gây ùn tắc nên thành phố đã cắt giảm một phần diện tích xây cầu vượt thép, giúp giảm tình hình kẹt xe.

Người dân lái xe qua cầu vượt thép ở vòng xoay Nguyễn Thái Sơn giờ tan tầm. Khu vực này là nơi giao nhau của 6 tuyến đường nên mật độ xe dày đặc. Vòng xoay bố trí đèn tín hiệu ở các đường lớn, hướng vào giao lộ.

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Ngã 6 Gò Vấp (quận Gò Vấp) hiện chỉ còn một vòng xoay nhỏ thay vì vòng xoay lớn sau khi TP HCM lắp cầu vượt thép từ năm 2017. Khu vực trên là điểm giao nhau của các đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghỉ.

Người lái xe dừng trước đèn đỏ trên đường Quang Trung đi qua Ngã 6 Gò Vấp vào trưa 10/3. Trên các trục đường đi qua giao lộ này đều có đèn tín hiệu cho xe qua.

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Vòng xoay Lăng Cha Cả (phường 4, quận Tân Bình) nổi bật với quả địa cầu hai màu xanh, đỏ, đường kính khoảng 2 m, là nút giao thông quan trọng của TP HCM. Đây là điểm giao cắt của các trục đường lớn như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Sỹ, Bùi Thị Xuân cửa ngõ đi vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Hơn 10 năm trước, nút giao được xây cầu vượt thép để giảm tải áp lực giao thông qua đây.

Click để lật ảnh
Click để lật ảnh

Nút giao Cây Gõ (quận 6, 11) trước đây có vòng xoay lớn, nay đã được thu hẹp thành hình tam giác, xung quanh có đèn xanh - đỏ.

Nút giao này kết nối các trục đường Ba Tháng Hai, Hồng Bàng, Minh Phụng, Phú Thọ. Lượng xe qua đây ngày càng tăng gây ùn ứ, năm 2013 TP HCM đưa vào khai thác cầu vượt thép hình chữ Y, giúp giảm kẹt xe.

Vòng xoay Điện Biên Phủ (quận 1) kết nối các đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Sa vừa được CSGT TP HCM đánh giá tình hình thông nơi đây phức tạp và đề xuất dỡ bỏ để tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu.

Hiện, xung quanh vòng xoay không có đèn tín hiệu giao thông mà cho xe chạy liền mạch để quay đầu và rẽ vào các đường xung quanh. Cao điểm sáng và chiều, lượng xe qua nút giao lớn gây ùn ứ cục bộ.

Sau đề xuất của CSGT, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết đang nghiên cứu, khảo sát, đánh giá lại và dự tính thu hẹp bán kính vòng xoay, kéo dài dải phân cách về nút giao nếu chưa phù hợp.