Thông tin trên được đưa ra tại chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 3-2023, với chủ đề "Trách nhiệm công vụ - Cải cách thủ tục hành chính" do Hội đồng nhân dân TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM và Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 12-3.
Thông tin cho hay năm 2022, TP.HCM giải quyết hơn 22 triệu hồ sơ, đúng hạn 99,8%, còn lại trễ hạn và có thư xin lỗi, cung cấp được 436 dịch vụ công trực tuyến.
Đánh giá về kết quả trên, ông Huỳnh Thanh Nhân, giám đốc Sở Nội vụ, cho rằng kết quả cải cách hành chính những năm qua của TP.HCM chưa đạt như mong muốn. Vẫn còn đến hơn 25.000 hồ sơ chưa giải quyết và xếp loại thứ hạng cải cách của TP.HCM còn thấp.
Gặp khó xác nhận cư trú, đường truyền nghẽn
Một vướng mắc nhiều cử tri phản ánh là dù bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nhưng nhiều thủ tục còn cần giấy xác nhận cư trú, khiến người dân gặp khó.
Bên cạnh đó việc thực hiện thủ tục trực tuyến cũng khó khăn do đường truyền nghẽn, lỗi, một hồ sơ gửi trực tuyến có khi hơn 30 phút chưa xong.
"Hiện nay TP đang đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy dữ liệu vẫn chưa liên thông, liên kết, khiến thời gian giải quyết thủ tục còn chậm. Đề nghị TP cho cử tri biết tình hình số hóa thủ tục của TP ra sao?", cử tri Trương Ngọc Lượng (quận 5) hỏi.
Trả lời phản ánh, bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho hay cuối tháng 10-2022 đến nay TP đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử với nhiều tiện ích vượt trội.
"Tuy nhiên đúng là vẫn còn tình trạng đường truyền bị lỗi, nghẽn nhất là vào giờ cao điểm. TP đã tăng cường các giải pháp kỹ thuật và kiến nghị trung ương đảm bảo đường truyền", bà Trinh thông tin.
Về giấy xác nhận cư trú (CT07), thượng tá Trần Trung Hiếu, phó Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, khẳng định khi giải quyết thủ tục cho người dân, cán bộ công chức bộ phận một cửa phải lên hệ thống khai thác dữ liệu dân cư đã liên thông.
Hoặc sử dụng máy quét mã QR để đọc thông tin cư trú của công dân trên căn cước công dân.
Hoặc người dân trình tài khoản định danh điện tử VNeID để thay cho xác nhận thông tin cư trú. Khi không thể khai thác thông tin cư trú từ ba cách trên thì mới cần đến giấy xác nhận cư trú CT07.
"TP đã lập ba tổ công tác kiểm tra các quận huyện, phường xã trong việc thực hiện nghiêm nghị định 104 cũng như công điện của Thủ tướng về thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú", ông Hiếu nói.
Xin số nhà: chỉ đi lòng vòng
Phản ánh đến chương trình, cử tri Thành Nghĩa nêu chỉ việc nhỏ là xin cấp số nhà, nhưng huyện chỉ xuống xã, xã lại chỉ lên huyện. Cử tri này chất vấn trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan.
Còn cử tri Nguyễn Nho Tình (quận 3) phản ánh có trường hợp thái độ của cán bộ công chức còn cau có, không ân cần và đề nghị cần thanh tra thái độ, ứng xử của đội ngũ. Tương tự, cử tri Phạm Minh Hiệp cũng đề nghị TP cần thống kê tỉ lệ người dân không hài lòng và xử lý cán bộ công chức liên quan.
Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP.HCM Phạm Quỳnh Anh cũng thông tin kết quả 1.245 mẫu khảo sát của Ban Pháp chế có 53% số ý kiến chưa hài lòng thái độ phục vụ, 7% chưa hài lòng việc hướng dẫn thủ tục, 12,8% ý kiến phản ánh phải đi lại hơn ba lần mới giải quyết được thủ tục.
"TP đã triển khai quy chế phối hợp giữa các sở ngành và cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất về thái độ, ứng xử của cán bộ công chức.
Tuy nhiên vẫn còn nơi này, nơi kia người dân phản ánh còn chưa tốt, ảnh hưởng môi trường đầu tư của TP. Sở Nội vụ sẽ tham mưu TP chỉ đạo chấn chỉnh quyết liệt hơn", ông Huỳnh Thanh Nhân trả lời cử tri.
Tiếp thu ý kiến các cử tri, ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng gốc rễ của cải cách hành chính vẫn là cán bộ. TP đã thực hiện rất nhiều giải pháp để cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng vẫn còn phàn nàn trong dân.
"Hiện nay có lúc, có nơi, có người, có việc cán bộ công chức giải quyết có vẻ trù trừ, khi tham mưu không còn hăng hái, năng nổ, tích cực, thậm chí là có trường hợp không dám đề xuất gì cả. Vì vậy mà người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khi giải quyết các hồ sơ thủ tục", ông Hoan nhận định.
Để giải quyết tình trạng trên, TP chỉ đạo bốn giải pháp lớn gồm:
Thứ nhất, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu để bảo đảm giải quyết công việc phải "chạy" được. Việc đánh giá áp dụng ngay trong quý 1-2023.
Thứ hai, đánh giá cho được hiệu quả thực hiện công việc của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là giải quyết các hồ sơ tồn đọng.
Thứ ba là triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về động viên, khuyến khích cán bộ công chức, đảng viên năng động sáng tạo vì lợi ích chung.
Thứ tư là rà soát lại tất cả các quy trình liên thông hiện nay giữa các sở để chấn chỉnh, hoàn thiện.