ChatGPT đã trở thành ứng dụng có tốc độ tăng trưởng về số lượng người dùng nhanh nhất trong hai thập niên qua, được xem là bước tiến lớn trong phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đối với hoạt động báo chí, thách thức lớn nhất của ứng dụng này nằm ở việc phát triển trình độ nghề nghiệp.

Xuất hiện nhiều thách thức mới

Có thể khẳng định ChatGPT đang là ứng dụng AI tạo ra làn sóng thông tin mạnh mẽ nhất trong thời đại số. Chỉ sau 2 tháng công bố, website của ChatGPT có hơn 100 triệu người dùng, khoảng 25 triệu lượt truy cập hàng ngày, cao nhất là có 28 triệu lượt truy cập (31/1/2023), khiến nó trở thành ứng dụng phần mềm phát triển nhanh nhất từ ​​trước đến nay.  

Điểm đặc biệt của ChatGPT nằm ở khả năng diễn giải ngôn ngữ một cách rất tự nhiên cùng với kho “kiến thức” vô cùng lớn từ bộ dữ liệu huấn luyện ban đầu do OpenAI xây dựng. ChatGPT có thể trả lời một cách tự nhiên các câu hỏi mà người dùng đưa ra, trong hầu hết các lĩnh vực khác nhau, từ khoa học, kinh doanh, tài chính cho đến thể thao, giải trí và văn hóa.

chatgpt thach thuc nha bao o su nang cao trinh do nghe nghiep hinh 1

Sự xuất hiện của các AI sẽ tạo ra sự cạnh tranh cho báo chí từ các kênh truyền thông mới. (Ảnh: bizfly)

Trong lịch sử phát triển của công nghệ truyền thông, ChatGPT không phải cái tên đầu tiên đặt ra vấn đề cơ hội và những thách thức khi công nghệ làm thay đổi nghề nghiệp của nhà báo. Chúng ta còn nhớ thời làm báo in typo, ảnh kẽm, làm truyền hình Analog đã được thay thế bằng in opset và kỹ thuật số như thế nào. Đến nay, những thế hệ nhà báo vẫn tiếp cận và sử dụng công nghệ trong nghề nghiệp để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của nhà báo và cơ quan báo chí.

Khi ChatGPT lấn sân vào hoạt động báo chí truyền thông: Ai là "tác giả"?
Toà soạn và nhà báo cần phải làm gì để tận dụng tối ưu ChatGPT?
ChatGPT với hoạt động báo chí truyền thông: Cần sử dụng một cách có cân nhắc
ChatGPT giúp ích cho các nhà báo nhiều hơn là đe dọa lấy mất việc

Công nghệ không ngừng phát triển kéo theo sự thay đổi cả trong cách độc giả tiếp cận tin tức và cách các tòa soạn sản xuất và phân phối tin tức. Độc giả giờ đây không thụ động chờ đợi tin tức qua báo in, truyền hình hay radio mà chủ động tìm kiếm thông tin thông qua nhiều phương tiện khác nhau, từ mạng xã hội, podcast, OTT đến các nhóm trò chuyện riêng tư trên công cụ chatting. Chính vì vậy, báo chí phải xuất hiện ở tất cả những nơi mà độc giả có mặt.

Các cơ quan báo chí lớn trên thế giới luôn coi công nghệ là một yếu tố không thể thiếu đối với sự phát triển của tòa soạn và luôn dành sự quan tâm lớn với công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mới.

Việc kết hợp trí tuệ nhân tạo vào quy trình sản xuất tin tức có thể giúp các tòa soạn hoạt động hiệu quả hơn. Nền tảng AI dựa trên học máy và hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt có thể được sử dụng để phát hiện đề tài, thu thập và xử lý thông tin. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: AI thách thức nhà báo trong sự phát triển nghề nghiệp báo chí không phải là sự cạnh tranh với các công nghệ trí tuệ nhân tạo.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh cho rằng, sự xuất hiện của các AI sẽ tạo ra sự cạnh tranh từ các kênh truyền thông mới. Các nhà báo phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các kênh truyền thông mới là các blogger, nhà văn và nhà báo tự do.

Sự phát triển của mạng lưới truyền thông xã hội và các kênh truyền thông khác khiến độc giả ngày càng có nhu cầu cập nhật tin tức và thông tin nhanh hơn. Điều này đặt áp lực lớn lên các nhà báo để sản xuất tin tức và nội dung chất lượng với tốc độ cao. Cùng với đó, thông tin được lan truyền và chia sẻ rộng rãi một cách nhanh chóng. Điều này đặt ra thách thức đối với các nhà báo đưa ra thông tin chính xác và tin cậy, đảm bảo sự uy tín của tác phẩm báo chí.

Một trong những thách thức lớn trong hoạt động báo chí truyền thông khi ChatGPT xuất hiện, theo Ths. Vũ Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là vấn đề bản quyền và đạo đức người làm báo.

Hiện ChatGPT miễn phí cho người dùng, cũng đã đưa ra phiên bản nâng cao có trả phí nhưng đa số người dùng, trong đó có phóng viên, chủ yếu dùng bản miễn phí. Khi phiên bản này nâng cấp và yêu cầu người dùng trả phí, thì vấn đề bản quyền thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Đặc biệt, trong lĩnh vực báo chí, vấn đề bản quyền và đạo đức người làm báo cần phải được đặt ra ngay từ bây giờ ở 2 góc độ: Nhà báo khi sử dụng ChatGPT để hỗ trợ viết bài, có kiểm tra được các nội dung sử dụng trong câu trả lời của ChatGPT có nguồn gốc từ đâu, có cần phải xin phép ai, đơn vị nào khi sử dụng nội dung câu trả lời đó không? Thứ hai, chính bản thân nhà báo chúng ta khi mất công sức, chi phí, thời gian... để sáng tạo ra các sản phẩm báo chí của riêng mình, cũng là đối tượng có khả năng bị ChatGPT vi phạm bản quyền khi các sản phẩm báo chí của nhà báo đó được xuất bản, đăng tải lên Internet, và được ChatGPT quét và sử dụng đưa vào trong câu trả lời của ChatGPT.

"Hơn nữa, nhà báo đối diện nguy cơ bị lộ đề tài, ý tưởng khi dùng ChatGPT. Cho dù ChatGPT công bố rằng những đoạn chat của người dùng sẽ được bảo mật, không công khai. Nhưng không ai khẳng định được ChatGPT có sử dụng và so sánh chéo các nội dung chat của người dùng hay không. Rất có thể, khi một nhà báo đang tìm hiểu, tra cứu thông tin phục vụ cho đề tài viết bài nào đó, ChatGPT hoàn toàn có thể tự cập nhật, và sử dụng nội dung đó trong câu trả lời cho người dùng khác. Như vậy, vô tình, bản thân nhà báo đã bị lộ đề tài, lộ thông tin, lộ ý tưởng cho người dùng khác. Điều đó thật nguy hiểm", Ths. Vũ Cường cho biết.

Không ngừng phát triển kỹ năng

Để có thể ứng phó, thích nghi với sự thay đổi công nghệ và sự phát triển trong một môi trường cạnh tranh thông tin hiện nay, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh cho rằng các nhà báo trước hết phải nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ và ứng dụng các phần mềm trong nghề nghiệp.

Các nhà báo cần phải có khả năng sử dụng các công cụ và phần mềm mới để phân tích dữ liệu, viết bài, sửa bài, biên tập và quản lý các nội dung. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và dữ liệu lớn cũng đang trở thành những công cụ quan trọng và phải được coi là một trong những yếu tố cần và đủ trong nghề báo. Các nhà báo cần phải có khả năng sản xuất và phát triển các nội dung đa phương tiện như video, âm thanh và hình ảnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của độc giả. Đồng thời trau dồi phát triển khả năng thu thập, phân tích và hiểu các dữ liệu số để đưa ra những thông tin và bài viết chính xác và tin cậy.

chatgpt thach thuc nha bao o su nang cao trinh do nghe nghiep hinh 2

Trong thời đại công nghệ bùng nổ, các nhà báo cần phải có khả năng sử dụng các công cụ và phần mềm mới để phân tích dữ liệu, viết bài, sửa bài, biên tập và quản lý các nội dung. (Ảnh: Tư liệu)

"Một trong những kỹ năng quan trọng mà nhà báo cần chú trọng là phát triển và quản lý thương hiệu cá nhân. Các nhà báo cần phải phát triển thương hiệu cá nhân của mình trên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường tầm ảnh hưởng của mình và thu hút độc giả.

Qua đó tương tác và phản hồi với độc giả trên các nền tảng truyền thông xã hội và các phương tiện truyền thông khác để tạo dựng lòng tin và tăng cường tương tác với độc giả. Nâng cao khả năng đàm phán và giao tiếp tốt để tiếp cận thông tin và phỏng vấn các nguồn tin, đồng thời cũng cần phải có khả năng sử dụng các công cụ giao tiếp tốt để truyền đạt thông tin chính xác và hiệu quả cho độc giả", PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ.

Rõ ràng, sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi của ngành báo chí đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà báo, nhưng cũng đòi hỏi các nhà báo phải có nhiều kỹ năng mới để thích nghi với sự thay đổi này - quy trình tác nghiệp, trình độ và tính lan toả thông tin.

"Vì vậy, các nhà báo cần phải tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển các kỹ năng mới để đối phó với các thách thức hiện hữu hoặc có thể xảy ra để cải thiện chất lượng và độ tin cậy của tác phẩm báo chí", PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh nhận định.