Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 15-3 cuối cùng trở thành nơi chia sẻ nỗi lòng của các nghệ sĩ điện ảnh với số phận của Hãng phim truyện Việt Nam.
NSND Trà Giang: Hãy quan tâm bằng việc làm thiết thực
NSND Trà Giang thay mặt các nghệ sĩ gạo cội của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam lên phát biểu trên sân khấu. Nhưng bà "không kể lại thành tích, chỉ thiết tha mong ước".
Bà kể lại kỷ niệm trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất ở miền Bắc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm xưởng phim (Hãng phim truyện Việt Nam) để khích lệ văn nghệ sĩ vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Bà và các nghệ sĩ đều rất cảm động trước sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước tới Hãng phim truyện Việt Nam trong suốt chặng đường 70 năm phát triển của hãng.
Tiếp nối truyền thống đó, bà mong ước Thủ tướng hãy đến thăm số 4 Thụy Khuê là trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam.
Để thấy những tâm tư rối bời của các nghệ sĩ trước hiện thực hoang tàn, đổ nát "không thể tưởng tượng nổi" của nơi từng sản sinh ra những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Sống ở TP.HCM, bà vừa tới Hà Nội để tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nhờ vậy bà mới có dịp cùng anh em về thăm lại chốn xưa.
Đây là nơi đã chứng kiến những bước đi thành công đầu tiên của bà trên con đường nghệ thuật thứ bảy.
Bà nói, là một học sinh miền Nam được đồng bào miền Bắc chở che, yêu thương, chăm bẵm mà thành một diễn viên nên bà rất biết ơn đồng bào miền Bắc cũng như ngôi nhà số 4 Thụy Khuê và các đồng nghiệp nơi đây.
Thế nên, khi về thăm lại Hãng phim truyện Việt Nam, chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát tới không thể tưởng tượng nổi, bà rất đau lòng.
Đó chính là căn nguyên khiến bà nói lên mong ước của mình trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam.
"Tôi thấy sự quan tâm của các lãnh đạo đối với văn hóa nói chung và các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam nói riêng dường như chỉ thể hiện trên văn bản, các hội nghị, lễ kỷ niệm chứ chưa có những hành động thiết thực", NSND Trà Giang nói.
Cần giải quyết dứt điểm vụ việc ở Hãng phim truyện Việt Nam
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng nhắc tới câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trong phát biểu của mình, đại diện cho đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm, cùng với Cục Điện ảnh.
"Đã hơn 7 năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam - đơn vị từng được coi là cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh.
Tới hôm nay số phận và tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không có lương hằng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp…
Ngành điện ảnh khẩn thiết mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam", ông Hùng Tú nói.
Trước "tâm trạng" của các nghệ sĩ liên quan việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - khi phát biểu tại lễ kỷ niệm đã chỉ đạo các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu thực hiện việc này cho phù hợp với tình hình mới.
Ông cũng nhấn mạnh công tác quản lý văn hóa phải thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, đó là coi trọng đầu tư cho văn hóa.
Liên quan tới câu chuyện Hãng phim truyện Việt Nam, tháng 3-2020, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Trong đó yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).
Theo kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa VFS, quá trình cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt tồn tại không ít hạn chế, khuyết điểm.
Nhưng đến nay việc thực hiện chỉ đạo này dường như vẫn giậm chân tại chỗ.