Sử dụng nhiều công nghệ mới, đa phương tiện, nhiều gian trưng bày của các cơ quan báo chí tại Hội báo toàn quốc 2023 đã thu hút đông đảo khách tham quan tới giao lưu và tương tác.
Đầu tư công phu
Với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo”, Hội báo toàn quốc năm 2023 thu hút 87 gian trưng bày với sự góp mặt của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố cùng 60 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương - được coi là có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Để chuẩn bị cho Lễ khai mạc Hội báo toàn quốc 2023, nhiều cơ quan báo chí đã lên ý tưởng, thiết kế công phu và tập hợp các ấn phẩm đặc sắc cho gian trưng bày từ rất sớm.
Bà Nguyễn Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TTXVN chia sẻ: TTXVN tham gia Hội báo 2023 với tâm thế mang sự mới mẻ của những người làm báo thông tấn trong một năm qua, giá trị nền tảng của TTXVN là đơn vị thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước. Thông điệp của chúng tôi năm nay là “Nguồn tin chính thống đa phương tiện” thể hiện trên tất cả những ấn phẩm trưng bày. Điểm mới của gian trưng bày năm nay là đồ hoạ về sự phát triển của các sản phẩm thông tin thông tấn.
"Chúng tôi đã chuẩn bị một video giới thiệu về TTXVN, các đơn vị thông tin, các tác phẩm báo chí đa loại hình, đa nền tảng; slide ảnh về các sự kiện chính trị văn hoá, xã hội nổi bật của đất nước và các sự kiện quốc tế qua ống kính của phóng viên TTXVN; sự phát triển các sản phẩm thông tin nổi bật của TTXVN qua các thời kỳ, trong đó có bản tin tuyên ngôn độc lập được phát bằng 3 thứ tiếng. Ngoài ra, chúng tôi trưng bày những ấn phẩm đặc biệt, số Xuân 2023, sách và gửi tặng độc giả một số sản phẩm thông tin xuất bản hàng ngày nổi bật của TTXVN như: Tin nhanh, Tin Thế giới, Tin Tài liệu tham khảo đặc biệt…, tất cả được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng", bà Nguyễn Hồng Hạnh cho biết.
Bên cạnh đó, gian trưng bày của TTXVN cũng đã chọn lọc một số hiện vật tiêu biểu để trưng bày như: Máy đánh chữ hiệu Tipas của nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN - Lê Trân dùng trong các chiến dịch ở chiến khu Việt Bắc; máy thu phát tin của TTX Giải phóng dùng trong suốt những năm 1960-1975; Bộ máy ảnh và đèn flash của chiến sĩ Bùi Đình Tuý - nguyên Phó Tổng giám đốc TTX Giải phóng dùng trong giai đoạn 1965-1967 và chiếc flycam của phóng viên TTXVN dùng trong chiến dịch chống COVID vừa qua. Tại đây, công chúng có thể nhìn ngắm và phần nào hiểu được những hiện vật cùng song hành với TTXVN qua các thời kỳ.
Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, để thu hút và có sự tương tác với công chúng, nhất là công chúng trẻ, gian trưng bày của TTXVN dựng một trường quay ảo với tiêu đề “Cùng làm MC với Truyền hình thông tấn”, các bạn sẽ được tương tác, trải nghiệm làm MC lên hình quay và phát trực tiếp tại gian trưng bày của TTX trên 2 màn hình lớn.
Đến với Hội báo toàn quốc 2023, Tạp chí Kinh tế Việt Nam giới thiệu một sản phẩm mới đó là chatbot trí tuệ nhân tạo Askonomi - được phát triển theo xu hướng mới của báo chí công nghệ đó là ứng dụng công nghệ 4.0 để chuyển đổi số và phát triển báo chí dữ liệu.
Theo ông Nguyễn Hoàng - Phó Tổng thư ký Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tương lai báo chí dữ liệu sẽ là xu hướng dẫn dắt bạn đọc, con Askonomi này được chúng tôi phát triển dựa trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo của OpenAI mới nhất. Tuy nhiên, nó sẽ loại bỏ được 2 hạn chế của ChatGPT đó là khả năng truy cập nguồn thông tin không đáng tin cậy và khả năng chỉ cập nhật thông tin đến năm 2021. Nguồn dữ liệu của Askonomi là chính thống trong 30 năm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam và được đào tạo từng ngày từng phút. Ngoài ra, Askonomi được phát triển riêng tính năng: đồ hoạ hoá các thông tin kinh tế, tích hợp những công cụ AI đưa ra những mô hình dự đoán về dữ liệu kinh tế, theo nguồn thông tin độc quyền của chúng tôi mà các chatbot khác không có.
"Sau 2 năm ảnh hưởng của Covid, báo chí bị tác động về nguồn doanh thu nhưng đến nay đã đến giai đoạn phục hồi, tôi cảm nhận rõ nét không khí nhộn nhịp trong cuộc đua chuyển đổi số trong các tờ báo, để nguồn tin của báo chí luôn là một ngọn hải đăng trong một biển thông tin tràn lan trên các nền tảng xã hội khác. Không khí chuyển đổi số của làng báo lan toả khắp các gian trưng bày một cách rất tích cực và đáng hoan nghênh", ông Nguyễn Hoàng chia sẻ.
Không khí xuân ngập tràn
Tiền phong là một trong những tờ báo tham gia rất tích cực vào Hội Báo hàng năm, mỗi năm tờ báo này luôn xác định tâm thế sẽ tạo ra nét mới trong gian trưng bày của mình.
Phó Tổng Biên tập báo Tiền phong - Phùng Công Sưởng cho biết, năm nay công tác chuẩn bị cho gian trưng bày tại Hội báo được diễn ra khá sớm từ khâu lên ý tưởng, thiết kế và tổ chức sản xuất. Chi hội Báo Tiền phong chủ động liên hệ với Ban tổ chức Hội Báo để lựa chọn gian hàng phù hợp về không gian và những điều kiện ánh sáng, giao thông. Có thể nói, gian hàng năm nay được đầu tư công phu chăm chút, từng chi tiết.
"Về màu sắc, gian trưng bày thể hiện sắc xuân với ánh hồng của sắc hoa đào tràn ngập, kèm vào đó là măng-set Tiền phong được tô đậm màu đỏ, trang bìa của tờ báo xuân được thể hiện chính ở gian trưng bày, chúng tôi muốn thể hiện một tinh thần trẻ trung, sự đổi mới, mùa xuân tràn đầy hi vọng và lạc quan.
Dù ở không gian khiêm tốn, song bố cục và thiết kế của gian trưng bày Báo Tiền phong được các hoạ sĩ tạo điểm nhấn thiết kế nhận diện thương hiệu của tờ báo, thể hiện được hoạt động chính của tờ báo và trưng bày những sản phẩm báo giấy, các sản phẩm tạp chí và những ấn phẩm phụ của Báo Tiền phong. Chúng ta vừa trải qua một kỳ báo Xuân rất nhộn nhịp, âm hưởng của Tết vẫn còn lan toả. Ấn phẩm được coi là điểm nhấn của gian trưng bày chính là bìa của báo Xuân Quý Mão vừa qua, hội đủ rất nhiều những mong muốn, khát vọng và bản sắc của tờ báo" - Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong chia sẻ.
Khát vọng và xu hướng của chuyển đổi số cũng được Báo Tiền phong thể hiện ở việc trưng bày những sản phẩm kỹ thuật hình ảnh kết nối internet trên màn hình. Gian trưng bày Báo Tiền phong gồm một máy quay và kết nối như một trường quay thật để khi công chúng đến thăm gian hàng sẽ được trải nghiệm những kỹ thuật truyền hình được hiển thị ngay trên màn hình. "Các kỹ thuật viên của Tiền phong sẽ ghi lại những khoảnh khắc đó làm tư liệu cho công tác hoạt động báo chí sau này, song quan trọng nhất chúng tôi mong muốn độc giả, những người tham quan có thể trải nghiệm kỹ năng làm báo, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất một chương trình", ông Phùng Công Sưởng cho hay.
Báo Công lý cũng là một gian trưng bày được công chúng quan tâm. Đến với Hội Báo 2023, Báo Công lý mang rất nhiều ấn phẩm: báo in Công lý, báo in Công lý xã hội, báo điện tử Công lý và những chuyên trang điện tử, Công lý xã hội, Bảo vệ Công lý, TV Công lý và những chương trình truyền hình hồ sơ xét xử… Đặc biệt năm nay Báo Công lý mang đến Hội Báo ấn phẩm là số báo Công lý đầu tiên 2/1/2002.
Bà Tô Thị Lan Phương - Phó Tổng biên tập Báo Công lý chia sẻ: Năm nay Hội báo toàn quốc với quy mô 87 gian trưng bày hoành tráng có những sản phẩm báo chí từ truyền thống đến hiện đại. Tạo ra một sân chơi cởi mở, các đơn vị có thể trao đổi, giao lưu, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm sản xuất báo chí chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện, thậm chí là những ấn phẩm truyền thống vẫn xuất hiện trên các gian trưng bày một cách rất ấn tượng.
Thực sự, dấu ấn "sáng tạo" đã được khắc họa rõ nét ngay từ những gian trưng bày tại Hội báo toàn quốc 2023.
------------------------------------------------------
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, chiều 17/3, tại hội trường Bảo tàng Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”.
Các khóa học cần đa dạng hơn, từ kỹ năng cho đến thực hành
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì tọa đàm.
Đến dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các cơ quan báo, tạp chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh, các Liên Chi hội, các giảng viên… và đông đảo công chúng báo chí.
Tọa đàm tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Thứ nhất, đánh giá, nhận xét về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) trong thời gian qua, những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Thứ hai, đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay.
Thứ ba, đề xuất hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như thế nào cho hợp lý đối với các cấp Hội địa phương, các cơ quan báo chí. Đối với các cấp Hội Nhà báo thì nên tổ chức đào tạo theo nhiều chủ đề theo từng khu vực; đối với các cơ quan báo chí nên đào tạo tập trung hay đào tạo tại chỗ.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí là một đơn vị của Hội được trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Từ khi thành lập, Trung tâm đã luôn không ngừng nỗ lực vươn lên trong các hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn những nhiệm vụ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam giao phó.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Hơn nữa, trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc theo quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cũng cần phải thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn...
"Do vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Những khóa học cũng cần phải đa dạng hơn với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Không chỉ phóng viên trẻ mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí; thậm chí, cần phải đào tạo nhiều lần, chứ không phải một, hai lần... Tọa đàm ngày hôm nay là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nâng cao công tác đào tạo và bồi dưỡng báo chí cho các hội viên – nhà báo trong thời đại chuyển đổi số", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực
Báo cáo tóm tắt hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) trong 3 năm qua, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm cho biết: Tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước. Ba năm vừa qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, do đó, việc tổ chức lớp học của Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Trung tâm đã phải linh hoạt tổ chức các hoạt động theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh để đáp ứng với tình hình thực tế.
Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến ở các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Nhờ hình thức học mới mẻ và hấp dẫn, các học viên có thể nắm vững kỹ năng, kiến thức giảng viên truyền đạt. Đồng thời, tổ chức lớp học trực tiếp tại các tỉnh thành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu học tập của hội viên - nhà báo trên toàn quốc.
Từ năm 2020-2022, Trung tâm tổ chức tổng số 333 hoạt động, trong đó có 254 lớp học theo ngân sách nhà nước (chiếm 76%); 54 lớp học theo yêu cầu của các Hội địa phương, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương (chiếm 16%); và 25 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 8%). Nội dung bồi dưỡng các khóa học do Trung tâm tổ chức vẫn chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: Kỹ năng cho các loại hình báo chí (228 lớp học); Chuyên đề, chuyên sâu (101 lớp học) và 4 hội thảo, tọa đàm (cả trực tuyến và trực tiếp).
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên trên tất cả các lĩnh vực; khai thác, mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo; đẩy mạnh tổ chức các khóa bồi dưỡng về kỹ năng truyền thông có thu phí…
Kiến nghị "nới" điều kiện để sinh viên mới ra trường có thể tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Hoàng Lâm, Tổng thư ký toà sạn Báo Lao động nhấn mạnh: "Hàng năm, chúng tôi đều nhận được giấy mời của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cử những phóng viên trẻ đi học lớp bồi dưỡng kiến thức, đa dạng; đặc biệt là hướng tới nội dung chuyển đổi số. Chúng tôi kiến nghị nới thêm độ tuổi và điều kiện để các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường có thể tham gia lớp bồi dưỡng".
Nhà báo Hoàng Lâm cũng chia sẻ thêm: "Với kinh nghiệm của Báo Lao động - chúng tôi có quy định mỗi phóng viên đã đi học lớp của Trung tâm về sẽ có nhiệm vụ đào tạo lại với những phóng viên của Báo. Chẳng hạn, có những lớp học về điều tra, với những kiến thức mới, phương thức mới trong báo chí điều tra thì cũng sẽ đào tạo lại. Nhưng khi học xong, chúng tôi muốn tìm kiếm lại nguồn tài liệu rất khó khăn... Vì thế, chúng tôi kiến nghị nên có một kho tài liệu kiến thức để chúng tôi có thể tìm và tham khảo. Điều này giúp ích rất nhiều cho những phóng viên và biên tập viên, kể cả những người đã có kinh nghiệm làm nghề".
Phải có "điểm giao cắt" giữa trung tâm đào tạo nghiệp vụ với các cơ quan báo chí
Đóng góp ý kiến, ông Hoàng Ngọc Sỹ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị cho biết: Quảng Trị là một trong những tỉnh trong những năm qua đã làm tốt nhiệm vụ phối kết hợp với Trung tâm nghiệp vụ báo chí để mở lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn cho phóng viên, biên tập viên trên địa bàn.
"Ngoài các hoạt động chuyên môn, chúng tôi xác định việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ những người làm báo ở cấp tỉnh là rất quan trọng. Trong kế hoạch hoạt động, cứ 1 năm chúng tôi phấn đấu mở 2-3 lớp đào tạo cả Trung ương lẫn địa phương. Những năm do dịch bệnh Covid, hoạt động của Hội dường như bị tê liệt, trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng Trung tâm nghiệp vụ báo chí vẫn mở được nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ rất thiết thực. Hầu như những lớp tập huấn rất phù hợp. Chúng tôi thấy Trung tâm nghiệp vụ báo chí đã mời được những giảng viên gạo cội trong làng báo; các chuyên gia nhiệt tình, "bắt tay chỉ việc". Các học viên cũng cảm thấy kiến thức thu nạp được rất hữu ích trong hoạt động nghề nghiệp, chẳng hạn như lớp kỹ năng về hội tụ báo chí - anh em làm báo hiểu được kinh nghiệm trong cách tổ chức sản xuất, tiếp cận thông tin, qua đó nâng cao trình độ của đội ngũ người làm báo", Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Quảng Trị nhìn nhận.
Trong khi đó, nhà báo Hà Hồng Sâm, Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Nhà báo & Công luận đặt vấn đề: Những năm qua, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí HNBVN đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, chương trình đào tạo của Trung tâm đã và đang thực hiện bám sát yêu cầu thực tế của hoạt động báo chí hiện nay. Về phía báo Nhà báo và Công luận, trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các phóng viên, BTV, chúng tôi quan tâm tới việc đào tạo lại. "Khi chúng tôi nhận phóng viên trẻ hoặc những phóng viên ở báo khác về thì hầu như chúng tôi phải đào tạo lại để phù hợp với hoạt động của tờ báo, tiêu chí thông tin và những yếu tố khác. Vấn đề đào tạo theo tôi nên có "điểm giao cắt" giữa trung tâm đào tạo với các cơ quan báo chí", Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Nhà báo và Công luận nói.
Theo nhà báo Hà Hồng Sâm: "Để đi tới" điểm giao cắt" này, cần phải có sự khảo sát. Chúng ta nên quan tâm đến "khâu feedback" - tức là các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương sau khi có hội viên đi học về thì liệu chúng ta đã có những đánh giá hiệu quả hay chưa? Nhà nước có cơ chế đặt hàng cho các tờ báo, vậy thì nên chăng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương có cơ chế đặt hàng với Trung tâm hay không?".
Kết luận tọa đàm, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian qua, mặc dù còn có nhiều khó khăn về nguồn nhân lực và tài lực, tuy nhiên, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm được nhiều điều đáng ghi nhận. Qua đề nghị của các đại biểu, có thể thấy rằng, nhiều ý kiến đều mong muốn Trung tâm đáp ứng thêm được nhu cầu đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng như những người làm công tác truyền thông ở các đơn vị trên cả nước.
"Bên cạnh nền tảng đào tạo chung của báo chí thì sẽ có những kỹ năng sâu hơn của báo chí sáng tạo, về ứng dụng cách làm báo hiện đại. Tăng cường đào tạo hơn nữa đối tượng và không gian phục vụ, có sự khảo sát từ cơ sở để các khoá học thật sự đáp ứng hiệu quả. Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo báo chí", Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nêu rõ.
Nhóm PV