Những câu chuyện được kể tại Tọa đàm “Hội ngộ Giải A Báo chí Quốc gia” đã góp phần truyền lửa nghề, truyền cảm hứng và rèn ngòi bút cho thế hệ nhà báo trẻ, các sinh viên báo chí đang mong muốn theo đuổi nghề báo thiêng liêng và cao quý…
Cuộc hội ngộ, giao lưu đậm “chất” nghiệp vụ
Sáng 19/3, tại Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Hội ngộ Giải A Giải Báo chí Quốc gia”.
Sự kiện là dịp hội ngộ, giao lưu, thảo luận nghiệp vụ của 40 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia trong 5 năm từ 2017 - 2021, cùng lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, nghề báo là nghề rất đáng tự hào và trân trọng. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả những cám dỗ, nhưng nhiều nhà báo vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp để có những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa cho xã hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và phụng sự nhân dân.
“16 mùa Giải Báo chí Quốc gia qua, đã có hàng nghìn tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả trong cả nước được vinh danh. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của đội ngũ những người làm báo cả nước, nhưng đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm rất cao của báo chí đối với đất nước, xã hội”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Những thách thức, nhọc nhằn
Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Bắc Văn, phóng viên báo Nhân Dân đã kể về quá trình tiếp cận tài liệu, thực hiện bài viết “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh”, đăng 2 kỳ trên báo Nhân Dân ngày 13/3/2017.
Bài báo nói về việc Trịnh Xuân Thanh, từ một cán bộ có nhiều sai phạm nghiêm trọng, đang bị kiểm tra, xem xét; đã bị cho thôi các chức vụ về Đảng và chính quyền, nhưng ông ta vẫn “thăng tiến” nhanh qua nhiều chức vụ, lên đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trúng cử đại biểu Quốc hội. Vì sao có chuyện không bình thường ấy? Ai nâng đỡ, đứng sau con đường tiến thân của cán bộ được đánh giá là yếu kém về năng lực điều hành, kinh doanh thua lỗ, tùy tiện, làm trái quy định về quản lý tài chính ấy?
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Dân Việt đã có những chia sẻ rất thú vị về loạt bài 5 kỳ "Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng” - Giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2021.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã có nhiều năm lăn lộn trên những cánh rừng bị “ứa máu” cùng các loài động vật hoang dã đang rên xiết trước họng súng săn. Anh đã từng được cài vào đường dây buôn bán động vật hoang dã ở châu Phi, cơ thể anh đã từng được đồng nghiệp gắn lên các thiết bị để theo dõi con đường di chuyển của các đối tượng buôn lậu… Đi dọc Việt Nam, anh đã chứng kiến người ta giết mổ cả một con hổ để ngâm rượu, tận mắt thấy được những cơ sở nuôi giấu hàng chục con hổ… Dấn thân vào điều tra, anh còn trực tiếp làm việc cùng các điều tra viên của Công an tỉnh Nghệ An để tìm ra chân tướng sự thật…
Nói về loạt bài “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?" của VOV Giao thông, nhà báo Chu Trung Đức cho biết, trong quá trình triển khai đề tài, nhóm gặp khó ngay từ đầu. Đó là những đối tượng trục lợi vỉa hè rất đề phòng và manh động, thậm chí chúng còn công khai theo dõi phóng viên, bám theo những người thực hiện đề tài đến tận cổng Đài, như một lời ngầm đe dọa.
Tuy nhiên, đó chưa phải là những điều mà nhóm phóng viên thực hiện đề tài lo ngại nhất. Điều khiến họ suy nghĩ nhiều hơn đó là những mối quan hệ “vô hình” của các nhóm lợi ích chằng chịt đằng sau việc khai thác nguồn lợi từ vỉa hè đó.
Niềm vui khi tác phẩm tạo được hiệu ứng tích cực
Đề cập đến vấn đề bệnh thành tích, tác phẩm “Làm đẹp những con số” của Đài PT-TH Thanh Hóa đã đoạt Giải A Báo chí Quốc gia năm 2019. Tại tọa đàm, nhà báo Minh Tuyết đại diện nhóm tác giả đã chia sẻ quá trình tác nghiệp cũng như thực hiện tác phẩm này.
Nhà báo Minh Tuyết cho biết, chị viết xong tác phẩm chỉ sau 1 đêm thức trắng trên ghế sofa. Phát sóng rồi, chị và ê kíp “lặng đi chờ phản ứng của lãnh đạo tỉnh”. Sau đó, với tính phản biện sâu sắc, chứng cứ cụ thể, chính xác, thuyết phục, những vấn đề nêu trong tác phẩm đã được lãnh đạo tỉnh tiếp thu, chỉ đạo xử lý, chấn chỉnh. Và đây cũng là bài học được nhiều cơ quan, ban ngành ở tỉnh Thanh Hóa đưa ra để rút kinh nghiệm, phòng ngừa.
Nhớ lại những ngày tác nghiệp trong dịch bệnh để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử khi cả thành phố căng mình chống dịch, nhà báo Tấn Tài - Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ rất xúc động về ý nghĩa của thông điệp phát đi từ tác phẩm "Nơi kết thúc là nơi bắt đầu". Khi bệnh viện dã chiến lớn nhất cả nước hoàn thành sứ mệnh điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân thì cũng là lúc bắt đầu một giai đoạn mới, giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố…
Phóng viên “cần tiền có tiền, cần người có người, cần xe có xe”
Sẽ không thể có những thành công của các tác phẩm báo chí có chất lượng cao nói trên nếu không có sự dày công đầu tư, sự hỗ trợ, đồng hành của Ban Biên tập, của tập thể các cơ quan báo chí.
Chia sẻ tại Tọa đàm, nhà báo Trần Ngọc Thu, Phó Tổng Biên tập báo điện tử Vietnam Plus cho biết, để triển khai những loạt bài chuyên sâu, Vietnam Plus luôn có sự chuẩn bị kỹ càng từ Ban Biên tập đến phóng viên. Trong quá trình thực hiện bài viết, phóng viên luôn nhận được sự hỗ trợ, “điều hướng” từ Ban Biên tập.
Còn theo nhà báo Hồ Quang Phương, Phó trưởng phòng Kinh tế - Xã hội- Nội chính báo Quân đội nhân dân, Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi hội Nhà báo báo Quân đội nhân dân, có 3 vấn đề được quan tâm. Đó là, khâu chọn đề tài được lãnh đạo Phòng cho là quan trọng nhất, luôn được đầu tư kỹ càng. Đi cùng với đó là cách thức tổ chức khoa học, nghiêm túc, sáng tạo và cơ chế nhuận bút ưu tiên, khen thưởng thích đáng.
Cũng nói về cơ chế nhằm tạo thuận lợi nhất cho phóng viên tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Đức Thành báo Lao Động cho biết, để thực hiện các tuyến bài chuyên sâu, Ban Biên tập đã cùng đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện hết mức “cần tiền có tiền, cần người có người, cần xe có xe”. Cùng với đó là cơ quan sẽ thực hiện mọi biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phóng viên. Nhờ đó, các phóng viên của Lao Động luôn sẵn sàng lăn xả vào thực hiện những đề tài gai góc nhất với mục tiêu tối cao là phục vụ bạn đọc, phụng sự Tổ quốc.
Có thể nói, báo chí là “bản phác thảo” đầu tiên của lịch sử. Với sứ mệnh đó, hàng vạn phóng viên, nhà báo trên khắp cả nước đang hàng ngày hàng giờ đi cùng với sự kiện, đến tận cùng của sự thật để chuyển tải đến công chúng một cách kịp thời nhất và hấp dẫn nhất những thông tin, vấn đề mà dư luận đang quan tâm.
Những chia sẻ về sự nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp, tinh thần cống hiến của nhà báo, người làm báo trong sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao tại Tọa đàm hôm nay sẽ góp phần truyền lửa nghề, truyền cảm hứng và rèn ngòi bút cho thế hệ nhà báo trẻ, các sinh viên báo chí - truyền thông mong muốn theo đuổi nghề báo thiêng liêng và cao quý này.