Nhấn mạnh phải tăng cường công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng nhận định việc thiếu chuyên nghiệp, chủ động trong cung cấp thông tin đã dẫn đến những khủng hoảng truyền thông ở một số lĩnh vực.
Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, với nhìn nhận đây là một nhiệm vụ, chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Ghi nhận công tác truyền thông chính sách vừa được triển khai tích cực, song người đứng đầu Chính phủ cho rằng việc này vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.
"Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước", Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, lãnh đạo Chính phủ quán triệt công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời, quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách.
Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành. Bên cạnh đó, nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam.
Ngoài việc bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.
Giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số, sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông chính sách.
Bên cạnh đó, chủ động đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội; phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.