Chiều 22-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và đoàn đại biểu gồm nhiều doanh nghiệp Mỹ như Meta, Roblox, SpaceX, FedEx, UPS, Amazon Web Services, Boeing, Apple… đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Thủ tướng trực tiếp giải đáp, thông tin về tình hình Việt Nam
"Cảm ơn USABC và các doanh nghiệp Mỹ đã đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn. Mong muốn các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, thành công hơn nữa tại Việt Nam. Các bạn thành công cũng là thành công của chúng tôi", Thủ tướng nhấn mạnh trong cuộc tiếp.
Ông khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn cởi mở và sẵn sàng lắng nghe tâm tư, chia sẻ, ý kiến của cộng đồng các doanh nghiệp Mỹ.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ.
Nhân dịp này Thủ tướng đã thông tin về tình hình Việt Nam như các trụ cột phát triển đất nước, ba đột phá chiến lược và quan điểm về khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Người đứng đầu Chính phủ cũng thông tin về một số ngành, lĩnh vực cụ thể mà USABC và các doanh nghiệp Mỹ quan tâm như kinh tế số và công nghiệp sáng tạo, y tế, năng lượng, nông nghiệp, hàng không…
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của các doanh nghiệp Mỹ. Thủ tướng trực tiếp giải đáp một số kiến nghị và giao cho các bộ ngành tiếp tục xử lý trong thời gian tới.
Ông khẳng định Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng từ Mỹ nhằm cải thiện cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ.
Phối hợp để thành công trong chuyển đổi số
Tại cuộc làm việc với Bộ TT&TT, ông Ted Osius - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành USABC - đánh giá cơ hội phát triển kinh tế số của Việt Nam rất lớn.
Các lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp Mỹ quan tâm là chính sách thúc đẩy kinh tế số, chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam, các quy định về quản lý vũ trụ ảo (metaverse), tài sản số.
Bên cạnh đó là các định hướng, ưu tiên của Việt Nam trong "Năm dữ liệu số 2023" và cách các công ty Mỹ có thể cùng tham gia thực hiện các mục tiêu đó.
Chia sẻ với các doanh nghiệp Mỹ, đại diện Bộ TT&TT cho biết Việt Nam mong muốn triển khai chuyển đổi số trên ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT nhận thấy Việt Nam cần có một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp cho kinh tế số. Đây cũng là lĩnh vực các doanh nghiệp Mỹ có thể tham gia đóng góp.
Việt Nam mong muốn nhận được các kinh nghiệm về việc triển khai sandbox (cơ chế thử nghiệm) nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ có thể tham gia tích cực hơn vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số.
Giải pháp chuyển đổi số thành công ở Mỹ, châu Âu chưa chắc đã thành công ở Việt Nam. Do vậy, các doanh nghiệp Việt có thể đóng vai trò giúp bản địa hóa giải pháp mà các doanh nghiệp Mỹ phát triển.
Meta nhìn thấy tương lai xán lạn ở Việt Nam
Cũng trong ngày 22-3, Giám đốc chính sách công khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Meta Rafael Rrankel đã có cuộc gặp hẹp với một số báo chí, trong đó có Tuổi Trẻ.
Tại cuộc gặp, ông Rafael Rrankel chia sẻ Việt Nam có lượng người dùng Facebook rất lớn và đang tăng nhanh, tần suất sử dụng cao. Đặc biệt việc sử dụng Business Messaging của Facebook trong kinh doanh, chăm sóc khách hàng được áp dụng rất nhiều tại Việt Nam.
"Có thể nói các bạn đang là thị trường đi đầu trên toàn cầu của Facebook về sử dụng tính năng này", ông Rafael Rrankel khẳng định.
Đại diện Meta đánh giá Chính phủ Việt Nam có tầm nhìn và sự đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng viễn thông. Quan trọng hơn nữa là các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số đã được Chính phủ đề ra, coi kinh tế số và hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Ông Rafael Rrankel nhấn mạnh "chính những điều này đã giúp các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ, trong đó có Meta, nhìn thấy tương lai ở Việt Nam rất xán lạn".