Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị (Ảnh: baobinhphuoc.vn)
Hợp tác phát triển tập trung vào 7 lĩnh vực trọng yếu
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh Đông Nam bộ là một trong những vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển đất nước. Vùng đã đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, như Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã đánh giá thì vai trò động lực, đầu tàu, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là việc liên kết phát triển vùng, xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, khiến cho nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.
Tại hội nghị, các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đã thống nhất phương hướng hợp tác phát triển của vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới.
Trước mắt, thỏa thuận hợp tác phát triển giữa các địa phương giai đoạn 2023 - 2025 với nhiều nội dung, tập trung vào 7 lĩnh vực trọng yếu: Công tác quy hoạch; Cơ chế điều phối phát triển vùng; Kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư; Kết nối hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ; Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Hợp tác về y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; Nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, đây là bước khởi đầu của việc hiện thực hóa, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 24.
Qua đó, ông đề nghị các địa phương phải xem đây là cam kết chính trị quan trọng, từ đó thống nhất cơ chế giám sát, định kỳ tổ chức giao ban, thường xuyên chia sẻ, trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tập trung hoàn thành tốt các nội dung, thỏa thuận hợp tác đã được thống nhất ký kết.
Đây còn là tiền đề để các tỉnh, thành phố thúc đẩy liên kết phát triển lên một tầm cao hơn trong giai tiếp theo; phấn đấu đến năm 2030 đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế.
Đi cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm mới phát huy được hiệu quả
Trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gồm vùng trung du, miền núi Bắc bộ; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Riêng Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị triển khai trong phạm vi cả nước vào 23-10-2022.
Đi liền với nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Nam bộ, các tỉnh thành trong vùng cũng đã thống nhất cao về liên kết phát triển vùng, xem đây là xu thế tất yếu.
Đáng chú ý, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Cần xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới…
Xét trong bối cảnh và yêu cầu hiện nay, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ có 4 việc quan trọng phải đi cùng nhau, cộng đồng trách nhiệm mới phát huy được hiệu quả.
Các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (Ảnh: baobinhphuoc.vn)
Đó là, cần thay đổi về nhận thức, tư duy trong toàn hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố về yêu cầu liên kết phát triển vùng, bảo đảm mỗi quyết sách, mỗi chủ trương phải tính đến lợi ích chung, hướng đến mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển toàn vùng, vừa thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng.
Bên cạnh đó, cùng nhau tổ chức thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm để toàn vùng phát triển nhanh và bền vững.
Trong lúc chờ hoàn thiện thể chế và thành lập hội đồng điều phối vùng, cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp gỡ trao đổi nội dung liên kết.
Cùng nhau đi đầu trong việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ các lĩnh vực: quy hoạch vùng và địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. “Đặc biệt là tập trung kết nối hạ tầng giao thông, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Nói rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nên cho hay, Nghị quyết 24 đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tỉnh Tây Ninh. Đến năm 2026 hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2030: Hoàn thành đường vành đai 4 TP.HCM; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt như Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa. Nâng cấp, mở rộng hệ thống cao tốc quốc lộ: TP.HCM - Trung Lương; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Quốc lộ 20B). Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM. Đẩy nhanh, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với Cảng biển Cái Mép - Thị Vải; TP.HCM - Cần Thơ”.
“Đây thực sự là những chỉ đạo hết sức mạnh mẽ, đủ rõ để các tỉnh, thành phố cùng nhau nỗ lực triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá. Ông tin với sự quyết tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, các nội dung, nhiệm vụ đề ra sẽ được tổ chức thực hiện thành công, mở ra hướng liên kết phát triển lâu dài và toàn diện hơn.