Kể từ ngày 22-3, quy định miễn kiểm định lần đầu với ô tô mới chưa qua sử dụng, tăng chu kỳ kiểm định với ô tô đang lưu hành được thực thi theo hiệu lực của thông tư số 02/2023/TT-BGTVT.

Miễn kiểm định lần đầu với ô tô mới, tăng chu kỳ kiểm định xe đang chạy - Ảnh 1.

Kể từ ngày 22-3, ô tô mới được miễn kiểm định chu kỳ đầu, chủ xe chỉ cần mang hồ sơ đến trung tâm đăng kiểm để được cấp tem và giấy chứng nhận - Ảnh: PHẠM TUẤN

Cụ thể, đêm 21-3, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành thông tư số 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thông tư này được ban hành theo quy trình, thủ tục rút gọn sau 1 tháng soạn thảo và chính thức có hiệu lực thi hành từ 0h ngày 22-3.

Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục của 18 điều và 19 phụ lục so với thông tư 16/2021/TT-BGTVT. Trong đó có 2 nội dung đáng chú ý như sau:

Miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ; được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới theo hướng tăng thời gian chu kỳ kiểm định. Cụ thể:

Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải:

- Miễn kiểm định chu kỳ đầu tiên và tăng chu kỳ kiểm định đầu tiên từ 30 tháng lên 36 tháng;

- Xe có thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ kiểm định tăng từ 18 tháng lên 24 tháng;

- Xe có thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 12 tháng;

- Xe có thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng;

Ô tô chở người các loại trên 9 chỗ

- Miễn kiểm định chu kỳ đầu tiên và tăng chu kỳ kiểm định đầu tiên từ 18 tháng lên 24 tháng;

- Xe có thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ kiểm định tăng từ 6 tháng lên 12 tháng;

- Xe có thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng;

Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.

Bên cạnh đó, thông tư cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp...

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm, dựa trên số liệu ô tô mới đưa vào lưu hành tại Việt Nam năm 2022 là khoảng 455.000 xe, năm 2023 sẽ có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu. Còn số xe được giãn chu kỳ kiểm định khi thông tư có hiệu lực là khoảng 3.073.629 xe.

Nghiên cứu cho trung tâm đăng kiểm công an, quân đội, cơ sở bảo dưỡng chính hãng kiểm định xe dân sự

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung, khẩn trương sửa đổi nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (theo trình tự, thủ tục rút gọn).

Theo đó sẽ tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương và tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các hành vi tiêu cực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên nghiên cứu một số nội dung như cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được phép cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô; nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm…

----------------------------------------

Có hơn 3 triệu ô tô được giãn chu kỳ kiểm định khi có thông tư mới

Nếu Bộ Giao thông vận tải thông qua dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 16/2021/TT-BGTVT, sẽ có hơn 3 triệu xe được giãn chu kỳ kiểm định so với quy định hiện hành.

Có hơn 3 triệu ô tô được giãn chu kỳ kiểm định khi có thông tư mới - Ảnh 1.

Khóa tập huấn kiểm định viên quân sự hỗ trợ kiểm định xe tại các trung tâm đăng kiểm dân sự tổ chức chiều 18-3 - Ảnh: Cục Đăng kiểm

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, cơ quan này đã hoàn thành dự thảo mới nhất của thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư số 16/2021/TT-BGTVT của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ để trình bộ trưởng xem xét ban hành.

Dự thảo thông tư có hai nội dung đáng chú ý:

Miễn kiểm định lần đầu cho ô tô mới, chưa qua sử dụng (năm sản xuất không vượt quá 1 năm tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định). Thời gian lưu kho để được miễn kiểm định lần đầu sau khi đến tay khách hàng và được đăng ký là 2 năm.

Điều chỉnh chu kỳ kiểm định theo hướng tăng thời gian của chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe.

Xe được miễn kiểm định lần đầu gồm: ô tô chở người dưới 9 chỗ sản xuất mới không kinh doanh vận tải sẽ được miễn kiểm định chu kỳ đầu có thời hạn 36 tháng (chu kỳ đầu tăng 6 tháng so với 30 tháng như hiện nay).

 

Đề xuất sớm miễn kiểm định lần đầu với ô tô mới

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm dựa trên số liệu ô tô mới đưa vào lưu hành tại Việt Nam năm 2022 là khoảng 455.000 xe, năm 2023 sẽ có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu.

Với xe được tăng thời gian của chu kỳ kiểm định, dự thảo thông tư đề xuất áp dụng với:

Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, xe sản xuất đến 7 năm: chu kỳ đầu tăng lên 36 tháng, tăng 6 tháng so với 30 tháng như hiện nay (xe mới sản xuất không phải kiểm định); chu kỳ định kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với 18 tháng như hiện nay).

Xe chở người đến 9 chỗ ngồi cũng được đề xuất áp dụng chu kỳ kiểm định 12 tháng với xe sản xuất từ 7 đến 15 năm; xe sản xuất trên 15 năm chu kỳ kiểm định định kỳ là 6 tháng (hiện nay chu kỳ này áp dụng cho xe sản xuất đến 12 năm).

Với ô tô chở người trên 9 chỗ có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định lần đầu được đề xuất tăng từ 18 lên 24 tháng, chu kỳ định kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng.

Theo tính toán Cục Đăng kiểm, nếu thông tư mới được ban hành với các nội dung trên, số xe được giãn chu kỳ kiểm định khi thông tư có hiệu lực là khoảng 3.073.629 xe.

Kiểm định viên quân sự bắt đầu hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm

Chiều 18-3, Cục Đăng kiểm đã tiếp nhận 40 kiểm định viên quân sự để hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dân sự tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai từ đầu tuần tới

Vào chiều 18-3, Cục Đăng kiểm và Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) đã chức Lễ khai mạc lớp tập huấn và Lễ xuất quân kiểm định viên quân sự tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới dân sự theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo đó có 40 kiểm định viên quân sự được điều động hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm, trong đó có 30 kiểm định viên chính thức và 10 kiểm định viên dự bị.

30 kiểm định viên chính thức được phân công về 14 trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai để hỗ trợ kiểm định xe cơ giới dân sự.

------------------------------------------

Miễn đăng kiểm xe mới: Chủ xe vẫn phải xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn

Ngày đầu áp dụng thông tư mới về kiểm định xe cơ giới, tại Hà Nội, hàng trăm người dân chen chúc chờ phát phiếu hẹn đăng kiểm cho ô tô cũ, chủ xe mới cũng phải xếp hàng dài lấy phiếu hẹn.

Miễn đăng kiểm xe mới: Chủ xe vẫn phải xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn - Ảnh 1.

Chủ xe cũ, xe mới chen chúc để nộp hồ sơ, lấy phiếu hẹn tại Trung tâm đăng kiểm 29-03V sáng 22-3 - Ảnh: PHẠM TUẤN

Kể từ ngày 22-3, quy định miễn kiểm định lần đầu với ô tô mới chưa qua sử dụng, tăng chu kỳ kiểm định với ô tô đang lưu hành được thực thi theo hiệu lực của thông tư số 02/2023.

Chen chúc lấy phiếu hẹn đăng kiểm 

Miễn đăng kiểm xe mới: Chủ xe vẫn phải xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn - Ảnh 2.

Sáng 22-3, dòng xe vẫn xếp hàng trên đường Cầu Giấy chờ tới lượt vào đăng kiểm

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng cùng ngày, tại Trung tâm đăng kiểm 29-03V (số 3, đường Cầu Giấy, Hà Nội), hàng trăm người dân chen chúc chờ phát phiếu hẹn ngày đăng kiểm cho ô tô cũ. Với các chủ ô tô mới cũng phải xếp hàng lấy phiếu hẹn ngày cấp tem kiểm định.

Vừa sở hữu cho mình chiếc xe mới, anh Lê Tuấn Anh (Hà Nội) phải xếp hàng từ 6h sáng để nộp hồ sơ, lấy phiếu hẹn ngày được cấp tem kiểm định.

"Xe mới mua theo thông tư mới của Bộ Giao thông vận tải thì đỡ hơn trước một cái là không phải mang xe đi. Còn thực chất vẫn phải xếp hàng lấy số, đến ngày giờ trong giấy hẹn vẫn phải đến một lần nữa để lấy tem đăng kiểm" - anh Tuấn Anh nói.

Theo ghi nhận khu vực phát phiếu hẹn tại trung tâm đăng kiểm trên, người dân quây kín, chen chúc nhau để "giành" phiếu.

Miễn đăng kiểm xe mới: Chủ xe vẫn phải xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn - Ảnh 3.

Xếp hàng từ 6h sáng tới trưa, Trà Giang (25 tuổi, Hà Nội) mới lấy được phiếu hẹn nhận tem đăng kiểm cho chiếc xe mới

Ông Nguyễn Đăng Minh (50 tuổi, Hà Nội) cho biết việc trung tâm đăng kiểm phát phiếu hẹn cho người dân sẽ giải quyết được vấn đề xe cộ xếp hàng "rồng rắn", gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên qua thực tế lấy phiếu tại Trung tâm đăng kiểm 29-03V, ông cho rằng việc phát số "chưa chuyên nghiệp".

"Sáng nay cỡ khoảng hơn 100 người đến xếp hàng, có lên danh sách biển số xe theo thứ tự người đến trước, người đến sau. Tuy nhiên, khi đến thì bên trung tâm không đọc theo danh sách đó mà cứ để người dân ùa vào, chen chúc, xô đẩy nhau. 

Theo tôi, nên có một chiếc loa cầm tay, đọc thứ tự từng người một theo danh sách, hoặc hướng dẫn người ta xếp hàng thì việc phát số khoa học hơn, tránh bức xúc cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Đến xếp hàng từ lúc 6h sáng, tôi cũng có tuổi rồi mà chen chúc quá giờ tôi thấy đầu hơi choáng" - ông Minh nói.

Miễn đăng kiểm xe mới: Chủ xe vẫn phải xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn - Ảnh 4.

Người dân đến đăng kiểm đọc thông tư mới của Bộ Giao thông vận tải được dán tại trung tâm

Tăng chu kỳ đăng kiểm là quyết định "ổn"

Miễn đăng kiểm xe mới: Chủ xe vẫn phải xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn - Ảnh 5.

Những xe đã sử dụng từ 7 - 20 năm sẽ có chu kỳ kiểm định là 12 tháng

Về việc miễn đăng kiểm cho xe mới xuất xưởng, ông Minh cho rằng đây là một động thái hợp lý của Bộ Giao thông vận tải, bởi mỗi xe khi được các hãng phân phối ra thị trường đều đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng.

Sở hữu chiếc Kia Carens đời 2008 (đã lưu hành được 15 năm), theo quy định cũ, anh Nguyễn Lâm Toàn (Hà Nội) cứ 6 tháng phải đi đăng kiểm một lần, nay được tăng chu kỳ đăng kiểm lên 12 tháng, anh cho biết đây là một quyết định "ổn".

"Thực ra xe sử dụng đến 20 năm ở Đức thì hạn đăng kiểm là 2 năm một lần, nhưng hiện nay ở mình đã tăng từ 6 tháng lên 12 tháng, dù chưa được như kỳ vọng nhưng như thế cũng là ổn rồi.

Còn hơn ngày xưa, xe sử dụng 13 năm trở đi là cứ 6 tháng đăng kiểm một lần, mặc dù là xe gia đình, mà cũng chạy rất ít, đến nay cũng chưa được 9 vạn. Đây là một quyết định tốt" - anh Toàn nói.

Miễn đăng kiểm xe mới: Chủ xe vẫn phải xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn - Ảnh 6.

Nhân viên đăng kiểm "khám" xe

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quốc Hoan - phụ trách Trung tâm đăng kiểm 29-03V - cho biết trong đêm 21-3, đơn vị mới nhận được thông tư mới của Bộ Giao thông vận tải về việc tăng chu kỳ kiểm định. Ngay sáng 22-3, toàn trung tâm đã triển khai theo thông tư mới một cách nhanh nhất để phục vụ người dân.

"Được giãn chu kỳ kiểm định, người dân rất phấn khởi. Sáng nay là ngày đầu áp dụng thông tư mới, chúng tôi cũng còn phải nghiên cứu nên lúc đầu hơi chậm một chút, nhưng đến trưa thì mọi thứ đã vận hành bình thường" - ông Hoan nói.

Đánh giá về thông tư mới, ông Hoan cho rằng hiện nay xe ô tô ở Việt Nam càng ngày càng tốt lên, bảo dưỡng, bảo hành cũng được quan tâm hơn, vì vậy ông cho rằng việc giãn hạn đăng kiểm là "hợp lý" và hợp lòng dân.

"Tất nhiên vấn đề an toàn là quan trọng nhất, nhưng chắc Cục Đăng kiểm cũng đã nghiên cứu rất nhiều mới đưa ra những quyết định như thế, tất cả đều dựa trên căn cứ khoa học, kỹ thuật" - ông Hoan nói.