"Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, có xã chỉ cần 15 người nhưng có xã cần đến 30 người", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết và nhấn mạnh, nghị định mới hoàn toàn giao thẩm quyền cho các địa phương trong quyết định số lượng nhân sự cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Ngày 28-3, tại TPHCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý về 3 dự thảo nghị định thực hiện trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tới, gồm: Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Nghị định quy định tinh giản biên chế; Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc xây dựng 3 dự thảo nghị định trên rất quan trọng. Bộ Nội vụ tập trung tham mưu cho các cấp có thẩm quyền chuẩn bị cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Nghị định mới giao quyền cho các địa phương quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì hội thảo. Ảnh: THẢO LÊ

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, yêu cầu đặt ra là phải chủ động xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh và điều kiện hiện nay đòi hỏi có một cơ chế đủ mạnh để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, đảm bảo số lượng, chất lượng cũng như yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh đó là trong lúc này, Đảng và nhà nước đang tập trung cao cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Hiện nay, có một bộ phận cán bộ có tâm lý giữ an toàn, làm sợ sai. Tới đây, Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, trong năm 2023, ngành nội vụ xây dựng 20 nghị định, trong đó có 3 nghị định trên rất quan trọng, vừa cần thiết vừa cấp bách. Qua đó, khẳng định sự đổi mới rất mạnh mẽ của ngành nội vụ khi xây dựng các nghị định; quyết liệt phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương.

"Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, có xã chỉ cần 15 người nhưng có xã cần đến 30 người", Bộ trưởng Bộ Nội vụ dẫn chứng và nhấn mạnh, nghị định mới hoàn toàn giao thẩm quyền cho các địa phương trong quyết định số lượng nhân sự cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Đồng thời khẳng định, Trung ương chỉ hậu kiểm, các địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác trình tự, thủ tục, đối tượng trên cơ sở nghị định đã ban hành.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Nghị định mới giao quyền cho các địa phương quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã ảnh 2

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân phát biểu góp ý. Ảnh: THẢO LÊ

Nhấn mạnh đến đổi mới mạnh mẽ, phát triển ngành nội vụ, bà Phạm Thị Thanh Trà nói rằng không cách nào khác đó chính là tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, hướng đến sự liên thông đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã với cấp huyện trở lên. Trong đó, nghị định mới đưa ra các tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã cao hơn để từ đó khi sửa Luật Cán bộ, công chức thì đủ điều kiện để liên thông luôn.

Đối với dự thảo nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Bộ Nội vụ nhìn nhận đây là vấn đề rất mới, rất khó và chưa có tiền lệ. Điều này đặt ra yêu cầu các nội dung liên quan đến khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung phải đảm bảo chặt chẽ về chính trị, sự thống nhất và đồng thuận trong hệ thống chính trị. Nghị định lần này sẽ đưa ra bộ khung, các bộ ngành, địa phương căn cứ vào nghị định để cụ thể hóa chi tiết cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị.

Nói về quyết tâm xây dựng nghị định này, Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Yêu cầu đặt ra là phải có nghị định, khó mấy cũng phải làm cho bằng được nhưng không cầu toàn. Từ đây đến khoảng tháng 6-2023, Chính phủ sẽ ban hành nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Khi đó, thực tiễn tiếp tục chứng minh các nội dung trong nghị định đưa ra có phù hợp chưa để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện dần để tạo ra một hành lang pháp lý khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích.