Đến hẹn lại lên, tiếp tục chuẩn bị cho mùa giải mới, các Liên Chi hội, Chi hội, các cấp Hội Nhà báo địa phương đã hoàn tất công tác thẩm định, tuyển chọn các tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia.
Mỗi đơn vị đều ấp ủ nhiều kỳ vọng và mong muốn những tác phẩm đã qua những lần “thử lửa”, sàng lọc bởi những “con mắt xanh” từ cơ sở sẽ là những tác phẩm ấn tượng, chất lượng, đóng góp phần nào vào thành công của mùa giải mới.
Tuyển chọn bài bản, cẩn thận và nghiêm túc
Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều năm qua đã khẳng là một “thương hiệu” quen thuộc tại các giải báo chí. Giải Búa liềm vàng, Giải Báo chí Quốc gia hay Giải Báo chí Thông tin đối ngoại, Giải Báo chí về Đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… đều có dấu ấn của các phóng viên, biên tập viên nhà Đài.
Đặc biệt, Giải Báo chí Quốc gia những năm gần đây, Đài VOV luôn là một trong những đơn vị có nhiều giải thưởng cao, khẳng định tầm vóc, vị thế của Đài Tiếng nói quốc gia. Không những vậy, các giải quốc tế như giải báo chí uy tín nhất của giới phát thanh truyền hình châu Á Thái Bình Dương là giải ABU mấy năm gần đây liên tục Đài Tiếng nói Việt Nam đạt được những giải rất cao.
Năm 2021, Đài còn đạt được cả giải thưởng cho sản phẩm báo chí số, các tác phẩm điều tra phóng sự phát thanh… Đằng sau những “hào quang” ấy phải kể đến những nỗ lực không nhỏ của Liên Chi hội Nhà báo VOV thời gian qua từ khâu tuyển chọn và hỗ trợ các phóng viên, biên tập viên của đơn vị về mặt định hướng thông tin tuyên truyền và thẩm định tác phẩm. Không chỉ phát thanh mà truyền hình, báo điện tử cũng được nhiều giải thưởng bởi sự vào cuộc tích cực này.
Những tác phẩm đã đoạt các giải trong năm theo thể lệ đều có thể tham dự Giải Báo chí Quốc gia. Đây cũng là một trong những thuận lợi trong quá trình tuyển chọn tác phẩm của đơn vị để gửi tham dự Giải Báo chí Quốc gia. Vì những cuộc thử sức ấy đã phần nào “sàng lọc” và khẳng định ít nhiều giá trị của các tác phẩm chất lượng tốt. Dĩ nhiên, các bước tiến hành tuyển chọn vẫn được LCH nhà báo VOV thực hiện bài bản, đúng quy trình.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội nhà báo VOV cho biết: Ngay khi nhận được Hướng dẫn từ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Liên Chi hội đã thông báo và thực hiện việc thu nộp tác phẩm. Sau đó, Đài đã thành lập Ban Thẩm định tác phẩm, sàng lọc nội dung, loại hình và tổng hợp lại gửi về Hội Nhà báo Việt Nam.
Về nội dung và chất lượng tác phẩm, ông Hùng đánh giá, chất lượng tác phẩm năm nay rất tốt, nội dung bám sát được các sự kiện nổi bật trong năm như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phục hồi kinh tế - xã hội sau COVID-19, phòng chống tham nhũng tiêu cực, tấm gương người tốt việc tốt, đề tài mang tính phát hiện đóng góp vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Có nhiều tác phẩm thể hiện dưới hình thức phát thanh hiện đại như tọa đàm, phóng sự tài liệu, phát thanh thực tế…
“Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái được thành công trong mùa Giải Báo chí Quốc gia năm 2022, khẳng định được uy tín cũng như những nỗ lực, cố gắng của hội viên, nhà báo năm qua” - nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ở các cấp Hội Nhà báo địa phương thời điểm này cũng đã hoàn tất công việc quan trọng là tuyển chọn được các tác phẩm xuất sắc gửi đi tham dự Giải Báo chí Quốc gia. Thực tế cho thấy, đối với nhiều địa phương vấn đề đầu tư nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí vẫn còn nhiều khó khăn, ngoài vấn đề nguồn kinh phí, thì ở địa phương trình độ cán bộ phóng viên vẫn còn hạn chế, đề tài không được phong phú, có chiều sâu, chỉ bó hẹp ở một địa phương nhất định.
Tuy nhiên nắm bắt được thực tế đó, Hội Nhà báo ở các địa phương đã có nhiều hoạt động sát với điều kiện thực tiễn, để phát huy lợi thế, tạo thành “bà đỡ” hỗ trợ hội viên nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí của mình. Hội Nhà báo Quảng Ninh năm nào cũng rất coi trọng vấn đề này và triển khai công tác này hết sức bài bản, cẩn thận và nghiêm túc.
Theo nhà báo Đỗ Ngọc Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Ninh thì ngay từ đầu năm, Hội đã chủ động phát động trong hội viên phong trào thi đua sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao để tham dự các giải báo chí. Sau đó là tập huấn nghiệp vụ, trao đổi và định hướng cho hội viên lựa chọn đề tài, tổ chức một số chuyến đi thực tế...
“Công tác thu nộp các tác phẩm tham gia Giải Báo chí Quảng Ninh và tham gia Giải Báo chí Quốc gia được triển khai nhanh và rất khoa học. Theo đó, chúng tôi thành lập Hội đồng và 2 ban giám khảo. Tổng số có 190 tác phẩm tham dự. Các thành viên 2 BGK chấm độc lập, sau đó chấm tập trung đối với từng tác phẩm. Trên cơ sở kết quả chấm của các BGK, Hội đồng nghe lại lần nữa và điều chỉnh, bổ sung nếu thấy cần thiết. Sau đó, Hội đồng chọn 30 tác phẩm đạt giải cao của Giải báo chí tỉnh Quảng Ninh để gửi tham dự Giải Báo chí Quốc gia…” - nhà báo Đỗ Ngọc Hà cho biết.
Sau ánh hào quang… là những “bà đỡ”
Một trong những đóng góp cho các mùa Giải Báo chí Quốc gia thành công chính là sự nỗ lực từ cơ sở, các cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, Liên Chi hội, Chi hội luôn “bắt nhịp” ngay với nhiệm vụ, tiến hành triển khai tới từng hội viên, nhà báo… Sau 16 mùa giải, mỗi một tác phẩm đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, cùng sự phối hợp chặt chẽ từ khâu phóng viên đến khâu biên tập, sự chỉ đạo, đồng hành của lãnh đạo các cơ quan báo chí đã góp phần đem tới nhiều tác phẩm có hiệu quả xã hội mạnh mẽ, tích cực, có sức ảnh hưởng lan tỏa. Việc đầu tư trong sáng tạo tác phẩm vẫn luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu đối với các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, nghề báo là nghề rất đáng tự hào và trân trọng. Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cả những cám dỗ, nhưng nhiều nhà báo vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và đam mê nghề nghiệp để có những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa cho xã hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và phụng sự nhân dân.
“16 mùa Giải Báo chí Quốc gia qua, đã có hàng nghìn tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả trong cả nước được vinh danh. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của đội ngũ những người làm báo cả nước, nhưng đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm rất cao của báo chí đối với đất nước, xã hội”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Trên thực tế, để có tác phẩm báo chí tốt dự Giải Báo chí Quốc gia có nhiều khâu, nhiều yếu tố cấu thành. Đó là tài năng của tác giả, nhóm tác giả, công tác tổ chức chỉ đạo của Ban Biên tập, Ban Giám đốc Đài, các khâu tổ chức thực hiện, nắm bắt phản hồi của công chúng… Sẽ không thể có những thành công của các tác phẩm báo chí có chất lượng cao nếu không có sự dày công đầu tư, sự hỗ trợ, đồng hành của Ban Biên tập, của tập thể các cơ quan báo chí.
Nhà báo Trần Ngọc Thu - Phó Tổng Biên tập báo điện tử Vietnam Plus cho biết, để triển khai những loạt bài chuyên sâu, Vietnam Plus luôn có sự chuẩn bị kỹ càng từ Ban Biên tập đến phóng viên. Trong quá trình thực hiện bài viết, phóng viên luôn nhận được sự hỗ trợ, “điều hướng” từ Ban Biên tập.
Cũng nói về cơ chế nhằm tạo thuận lợi nhất cho phóng viên tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Đức Thành - Ủy viên BBT Báo Lao Động cho biết, để thực hiện các tuyến bài chuyên sâu, Ban Biên tập đã cùng đồng hành, sát cánh, tạo điều kiện hết mức “cần tiền có tiền, cần người có người, cần xe có xe”. Cùng với đó là cơ quan sẽ thực hiện mọi biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phóng viên. Nhờ đó, các phóng viên của Lao Động luôn sẵn sàng lăn xả vào thực hiện những đề tài gai góc nhất với mục tiêu tối cao là phục vụ bạn đọc, phụng sự Tổ quốc.
Có thể nói, với mỗi người làm báo, mỗi mùa giải báo chí là những mùa vàng tôn vinh sự lao động chân chính của họ bởi mỗi giải thưởng giống như những ngọn lửa thắp lên trong tim người cầm bút, nuôi dưỡng ít nhiều niềm tin nơi người đọc. Và những tác phẩm được vinh danh có thể do một tác giả, nhóm tác giả... nhưng đằng sau hào quang đó chính là sự hội tụ, kết tinh của sức mạnh tập thể, của những “bà đỡ” trong hành trình sáng tạo.