TP HCMBánh mì Nguyên Sinh đã bán hết gần 1.000 ổ bánh trong ngày đầu tiên, bánh mì cụ Lý "không nhớ đã bán bao nhiêu vì đông ngoài sức tưởng tượng".
Lễ hội bánh mì lần thứ nhất tại TP HCM, khai mạc ngày 30/3 và diễn ra trong 4 ngày, dự kiến thu hút hơn 50.000 lượt khách tham quan.
Theo ghi nhận của VnExpress, hai ngày đầu của lễ hội diễn ra trong tuần nhưng lượng khách phủ kín các gian hàng. Vài lối đi chỉ rộng khoảng một sải tay, khách phải xoay người để di chuyển trong đám đông, len qua dòng người đang xếp hàng chờ mua bánh mì.
Dòng người chờ vào bãi gửi xe trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Các bãi gửi xe thuộc khu vực Nhà văn hóa Thanh Niên, nơi diễn ra lễ hội, cũng chật kín.
Lễ hội quy tụ 120 gian hàng với những cái tên quen thuộc như Nguyên Sinh, Bảy Hổ, bánh mì Pew Pew, bánh mì cụ Lý, Grandma Lu, Bon Appetit. Tuy nhiên, một số tên tuổi nổi tiếng khác như Huỳnh Hoa, Như Lan, Chim Chạy không góp mặt. Các gian hàng đa dạng về loại nhân như bánh mì heo quay, thịt nướng, pate chả.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, truyền nhân đời thứ ba tiệm bánh mì Nguyên Sinh tại TP HCM, không hình dung được lượng khách tham gia lễ hội đông đến vậy. Ông cho biết lượng khách ghé gian hàng mua bán tăng khoảng 1.000% so với dự kiến. Vào buổi chiều diễn ra lễ khai mạc, tiệm bánh này đã phát hết 100 ổ bánh mì miễn phí chỉ trong 30 phút.
"Khách ghé lễ hội đông nghẹt, mọi người chen nhau. Tôi không ngờ lễ hội có sức hút thế. Chiều ngày đầu tiên, tiệm đã bán hết khoảng 1.000 ổ. Sáng nay, lượng khách giảm gần một nửa so với hôm qua, nhưng vẫn rất đông", ông Tùng nói và cho biết thêm các sản phẩm bày bán không đủ để phục vụ khách, ông phải gọi nhân viên mang thêm đồ từ quán tới.
Tại gian hàng Bánh mì cụ Lý, khách liên tục ra vào, xếp hàng chờ mua. Anh Quốc Thiên, chủ tiệm, vừa gói bánh cho khách vừa chia sẻ: "Khách đông ngoài sức tưởng tượng, tôi không đếm xuể đã bán bao nhiêu ổ. Khoảng 10h sáng nay đã phải thêm bánh lượt hai để phục vụ".
Anh Thiên cho hay khách đông đến nỗi một số người bị đẩy tràn vào trong gian hàng đứng ăn bánh, uống nước. Khoảng cách giữa các gian hàng không đủ chỗ trống cho khách đứng chờ, thêm người qua lại khiến không gian ngộp và chật chội.
Không gian lễ hội khá lộn xộn. Khách tập trung đông nhất tại những quầy nổi tiếng hoặc nơi phát đồ miễn phí. Khó tìm chỗ ngồi ăn có kê bàn, nhiều người mang ghế ra chỗ trống hoặc tìm đến khu vực bên ngoài lễ hội như các bậc thang, hành lang cho thông thoáng.
Một khu vực ngồi ăn khác trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên.
Nhiều người cho biểt phải gửi xe tại các quán cà phê cạnh Nhà văn hóa Thanh Niên vì các bãi đều kín chỗ. Do quá đông nên họ cũng không thể mua được bánh mì. "Lễ hội có nhiều gian hàng hấp dẫn, nhưng lượng khách quá đông nên ngộp thở giữa mùi thức ăn và dòng người. Tôi thấy giống hội chợ ẩm thực hơn là một lễ hội quảng bá bánh mì", anh Trung, một người ở quận 5, nói.
Chị Thanh Thùy và chị Thùy Dương, đang làm việc tại văn phòng đối diện nơi diễn ra lễ hội bánh mì cho rằng lượng khách những ngày tới có thể còn đông hơn do hai hôm đầu diễn ra vào ngày trong tuần. Cả hai cho rằng lễ hội đông đúc là chuyện không tránh khỏi. Vì muốn thưởng thức những thương hiệu bánh mì nổi tiếng nên chị Dương và chị Thùy cũng không ngại chờ đợi giữa đám đông để mua bánh.
Tại lễ hội, còn có nhiều hàng bán những đồ ăn khác như hải sản, đồ Thái, thực phẩm chức năng, quầy vẽ hanna, có cả gian hàng bán nhang và trầm hương. Khách cho rằng nơi này giống hội chợ ẩm thực hơn.
Quầy vẽ henna, xem tarot thu hút khách tham quan tại lễ hội bánh mì.
"Theo tôi, lễ hội bánh mì chỉ nên tập trung vào các gian bán bánh hoặc nguyên liệu làm bánh. Ngoài ra chỉ nên thêm một vài quầy bán nước giải khát. Vì mục đích chính là quảng bá bánh mì, các gian hàng không liên quan dễ gây loãng", chị Dương bày tỏ.