Bí thư Nguyễn Văn Nên nói không ngờ tăng trưởng kinh tế quý 1-2023 của TP.HCM xuống sâu như thế và nhận định TP đã thua đậm trận đầu, ba trận còn lại (quý 2, 3, 4-2023) phải lấy lại những gì đã mất.
Sáng 1-4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2-2023.
"Phải lấy lại những gì đã mất"
Bí thư Nguyễn Văn Nên nói không ngờ tăng trưởng kinh tế quý 1-2023 của TP.HCM xuống sâu như thế và nhận định TP đã thua đậm trận đầu, ba trận còn lại (quý 2, 3, 4-2023) phải lấy lại những gì đã mất.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, ba năm nay, tình hình diễn biến theo đúng tinh thần dự báo của các chuyên gia, đó là biến động, bất định, phức tạp và có những điều mơ hồ.
TP hội nhập sâu rộng, bởi vậy, các hoạt động đều chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước. "Do lường trước được tình hình nên năm 2023, TP đề ra mục tiêu thấp hơn năm 2022 nhưng không ngờ kết quả quý 1 lại xuống sâu như thế", ông Nên nói.
Theo ông Nên, sau "cơn bạo bệnh" của năm 2021, TP đã bật dậy rất vững mạnh, đem lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, sau đó TP lại tiếp tục "quằn quại" trở lại, vậy điều gì đã xảy ra, có đúng quy luật không?.
Nguyên nhân do tác động từ bên ngoài là đương nhiên, nhưng "sức khỏe" của TP rõ ràng vẫn còn có vấn đề.
Một số chuyên gia cho rằng hậu quả của cơn bệnh chưa thực sự qua, TP bật dậy về tinh thần là chính nhưng vẫn còn hậu quả của căn bệnh COVID-19 để lại. Bí thư Thành ủy cho rằng, có thể coi 4 quý trong năm như 4 trận đấu vòng loại, trong trận đầu tiên, TP đã thua đậm, thì 3 trận còn lại đều coi như những trận chung kết để lấy lại những gì đã mất. Từ đó, ông Nên gợi mở các sở, ban, ngành cần nói thẳng, nói thật những nguyên nhân, đặc biệt là nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan để đưa ra giải pháp cho quý 2 và những quý còn lại của năm, cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp.
Kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp ngoài dự báo
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu cho thấy tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1-2023 của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương.
Do vậy, nội dung phiên họp này sẽ tập trung phần lớn vào việc phân tích nguyên nhân và nêu giải pháp để kéo tăng trưởng kinh tế của TP, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% - 8% năm 2023.
Mở đầu phần phát biểu của chuyên gia, TS Trần Du Lịch thẳng thắn nhìn nhận kể từ khi có nghị quyết 01 năm 1982 của Bộ Chính trị (về công tác của TP.HCM), mức tăng trưởng của TP.HCM mới giảm như vậy. Và mức tăng trưởng 0,7% như số liệu công bố là "bất ngờ hơn so với dự báo từ quý 2-2022".
-
TP.HCM tăng trưởng quý 1-2023 dưới 1%, chuyên gia nói không lạ
Theo ông Lịch, nguyên nhân khách quan do ngay giai đoạn phục hồi sau đại dịch, quý 4-2022, nền kinh tế Việt Nam và TP.HCM chịu tác động tiêu cực từ các biến động tài chính bên ngoài và việc chấn chỉnh thị trường bất động sản, tài chính trong nước.
Hai yếu tố cộng hưởng làm kinh tế cả nước cực kỳ khó khăn, trong đó TP.HCM là địa bàn tác động mạnh nhất. Tuy nhiên, đến quý 1-2023 tình hình đã dễ chịu hơn, tình hình được cải thiện và tác động tiêu cực đến nền kinh tế TP cũng giảm.
Về nguyên nhân kinh tế TP trong quý 1-2023 tăng trưởng thấp, ông Lịch cho rằng, sau đại dịch Chính phủ đề ra và TP.HCM thống nhất có 3 động lực để kéo nền kinh tế phục hồi, phát triển. Tuy nhiên cả 3 động lực này đều chưa được TP tận dụng.
Cụ thể, công cụ đầu tư công, trong quý 1-2023, TP chỉ giải ngân được 2% tổng số vốn giao (43.443 tỉ), khoảng hơn 951 tỉ đồng. Như vậy TP đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích nền kinh tế.
TP.HCM cũng không sử dụng hiệu quả công cụ hấp thụ vốn cả ở đầu tư công và đầu tư tư nhân. Hiện có hàng trăm dự án tắc nghẽn, không hấp thụ được vốn. "Tôi gặp 40 nhà đầu tư, họ phản ánh nếu TP.HCM không tháo gỡ các dự án thì TP không có gì làm cả", ông Lịch nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Lịch, công cụ phát triển thị trường nội địa cũng chưa được TP phát huy. Ông cho biết, qua theo dõi, chưa bao giờ ông thấy tăng trưởng tổng thu dịch vụ bán hàng của TP thấp hơn cả nước như quý vừa qua.
"Về giải pháp từ tháng 2-2023 tôi đã kiến nghị 10 điểm, trong đó điểm quan trọng là phải giữ các động lực vốn, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Bối cảnh chung quý 1 này thuận lợi hơn quý 4 năm ngoái, tình hình kinh tế sẽ khởi sắc hơn ở cả quý 2, quý 3. TP cần phải nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Lịch nhấn mạnh.