Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đang dần tháo gỡ các “điểm nghẽn” liên kết bằng việc hợp tác đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động.
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gỡ “điểm nghẽn” bắt đầu từ hạ tầng

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của cả nước.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 cũng chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế của Vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước... Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của Vùng.

Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 (TP.HCM) vào giữa năm 2022, sự hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã có những tín hiệu tích cực.

Lãnh đạo các địa phương trong Vùng liên tục phối hợp để bàn về việc xây dựng hạ tầng kết nối vùng. Sau các buổi làm việc định kỳ, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã cùng ký cam kết về tiến độ thực hiện và sẽ đồng loạt khởi công đường Vành đai 3 vào tháng 6 năm nay. Đây là lần đầu tiên, các địa phương trong Vùng cùng nhau phối hợp xây dựng một tuyến đường quy mô lớn, tạo động lực phát triển cho cả Vùng.

Bên cạnh đó, các địa phương đang hợp tác liên kết để xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh); cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai) - Vũng Tàu; các tuyến quốc lộ liên tỉnh… Khi các dự án đường bộ liên kết vùng được xây dựng và hoàn thành, thì nút thắt lớn nhất của Đông Nam Bộ sẽ được gỡ bỏ...

Ông Huỳnh Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia chia sẻ, khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại bất cứ địa phương nào, điều đầu tiên doanh nghiệp xem xét là yếu tố hạ tầng. Vị doanh nhân này cũng chỉ ra, nút thắt lớn nhất của Đông Nam Bộ là hạ tầng giao thông. “Khi các tuyến đường liên vùng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài… được đầu tư đồng bộ, nhà đầu tư sẽ nhìn ra rất nhiều cơ hội đầu tư bất động sản, logistics, du lịch... Khi đó, sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của Đông Nam Bộ sẽ còn cao hơn nữa”, ông Trường đánh giá.

Hợp tác có trọng tâm

Mới đây, TP.HCM, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, các địa phương trong Vùng sẽ tập trung hợp tác 7 lĩnh vực trọng tâm, gồm: quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; giao thông; môi trường; phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi số; du lịch, xúc tiến thương mại - đầu tư.

Tại buổi ký kết, đánh giá về chương trình hợp tác giữa các địa phương, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. HCM cho rằng, việc ký kết hợp tác tập trung vào 7 lĩnh vực là bước khởi đầu để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, 6 tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ phải đi cùng nhau, thì mới phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, cần thay đổi về nhận thức, tư duy trong liên kết phát triển vùng bảo đảm mỗi quyết sách, chủ trương của mỗi tỉnh, thành phố phải tính đến lợi ích chung, hướng đến mục tiêu vừa thúc đẩy phát triển toàn Vùng, vừa thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong Vùng.

“Việc ký kết hợp tác là tiền đề để các tỉnh, thành phố thúc đẩy liên kết phát triển lên tầm cao hơn trong giai đoạn tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2030, đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.