Đằng sau việc nhận hối lộ là những cuộc ngã giá giữa nhiều quan chức với các doanh nghiệp để được cấp phép chuyến bay.
Hành khách trong chuyến bay giải cứu từ Philippines về Việt Nam tháng 3-2020 - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Hành khách trong chuyến bay giải cứu từ Philippines về Việt Nam tháng 3-2020 - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN

Khi tiêu cực liên quan các chuyến bay giải cứu bị phanh phui, trong lúc vụ án đang được điều tra thì một kế hoạch "chạy án" có giá triệu đô với những tình tiết ly kỳ như phim cũng được thực hiện.

Bản kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu" vừa được Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ban hành, cho thấy có đến 21 quan chức, cán bộ của bốn bộ ngành cùng Văn phòng Chính phủ và hai tỉnh thành nhận hối lộ.

Trước hàng trăm chuyến bay là những cuộc gặp ngã giá, ra giá chung chi với tình tiết tưởng chỉ có trên phim.

Gây khó để doanh nghiệp hối lộ khi đi chuyến bay giải cứu

Từ tháng 4-2020 đến tháng 1-2022, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước (400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo).

Quá trình cấp phép các chuyến bay công dân tự trả phí, một số cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn tại Bộ Ngoại giao đã lập nhóm lợi ích, đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Do đó các DN phải tìm cách gặp gỡ, ra giá chung chi cho mỗi chuyến bay.

Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan chủ yếu chỉ lựa chọn các DN được cấp trên chỉ định, do người thân nhờ hoặc đã chi tiền trước để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép. Bà Lan còn hướng dẫn DN mượn nhiều pháp nhân khác, để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý là DN được ưu tiên riêng của Cục Lãnh sự.

Với DN chưa chịu đưa hối lộ, bà Lan và nhiều thuộc cấp không đưa vào danh sách (dù Chính phủ đã đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày DN nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay. Mục đích việc gây khó này là để ép DN phải gặp gỡ và đưa hối lộ mới đề xuất cấp phép.

Biết vai trò của bà Lan, từ tháng 5-2020 đến tháng 1-2022, tám đại diện DN đã tiếp cận đưa tiền cho nữ cục trưởng để được cấp phép chuyến bay.

Bà Lan đã có hơn 30 lần nhận tiền từ các DN, ít thì vài trăm triệu, nhiều cả vài tỉ đồng. Những lần đưa, nhận hối lộ này đều diễn ra ngay tại phòng làm việc của bà tại Bộ Ngoại giao hoặc ở nhà riêng của bà, có lần nhận ngay trên ô tô riêng của bà trước cổng bộ. Tổng số tiền bà Lan đã nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng.

Cấp trên của bà Lan là ông Tô Anh Dũng - thứ trưởng Bộ Ngoại giao - có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự trước khi xin ý kiến của tổ công tác năm bộ. Biết được vai trò của ông Dũng, 13 đại diện DN đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề để ông Dũng giải quyết các thủ tục cấp phép chuyến bay và ông Dũng nhiệt tình đồng ý.

Theo kết luận, ông Dũng và đại diện 13 DN không thỏa thuận về số tiền sẽ phải chung chi, nhưng cả hai bên đều hiểu việc DN được tham gia tổ chức chuyến bay sẽ có lợi nhuận.

Đại diện DN sẽ phải chi tiền "cảm ơn" và thực tế ông Dũng đã hơn 30 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng. Những lần nhận tiền diễn ra ngay tại phòng làm việc của ông Dũng, ở quán cà phê hoặc nhà hàng.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Kế hoạch "chạy án" hơn 2 triệu USD

Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng là tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của Công ty Bầu Trời Xanh. Để được tổ chức 109 chuyến bay giải cứu, cả hai đã chi 38,5 tỉ đồng hối lộ nhiều quan chức.

Khi vụ án được điều tra, sợ vướng lao lý, bà Hằng đã tìm đến Nguyễn Anh Tuấn (khi đó là phó giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ tìm mối quan hệ can thiệp "chạy án". Ngay trong cuộc gặp với bà Hằng tại nhà riêng của mình, ông Tuấn đã gọi cho Hoàng Văn Hưng, trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) - người đang thụ lý vụ án để tổ chức các cuộc gặp giữa bà Hằng với ông Hưng.

Tại các cuộc gặp này, Hưng hướng dẫn bà Hằng nếu làm việc với cơ quan điều tra thì nhận mọi tội lỗi để cứu Sơn. Theo phân tích của ông Hưng, bà Hằng là người trực tiếp đưa tiền hối lộ để xin cấp phép nên không thể thoát. Ông Sơn dù là tổng giám đốc nhưng số lần đưa hối lộ ít hơn, vì thế có thể khai chỉ "dựng" ông Sơn giữ chức vụ đó để làm "bù nhìn".

Ông Hưng còn lên kịch bản: khi làm việc với cơ quan điều tra bà Hằng sẽ thành khẩn khai báo, còn ông Sơn đổ mọi tội lỗi lên đầu bà Hằng.

Theo chỉ dẫn của ông Hưng, bà Hằng gửi đơn tố cáo đến cơ quan an ninh trình bày việc đưa hối lộ cho nhiều quan chức để được cấp phép chuyến bay. Cùng lúc bà Hằng cũng đưa 200.000 USD cho ông Tuấn để đưa cho ông Hưng.

Những lần gặp sau đó giữa ba người tiếp tục diễn ra tại nhà ông Tuấn, để ông Hưng hướng dẫn bà Hằng cách làm việc, khai báo đối phó với cơ quan điều tra. Trong các cuộc gặp này, ông Hưng đều gợi ý bà Hằng chi tiền.

Từ tháng 3 đến 7-2022, ông Hưng gặp bà Hằng và tiết lộ quan điểm điều tra là ông Sơn là tổng giám đốc, nên buộc phải biết công ty đã chi tiền hối lộ cho nhiều người nên phải chịu trách nhiệm và hỏi thẳng bà Hằng: "Có quyết tâm cứu Sơn không?".

Do hiểu rõ đây là gợi ý của Hưng "nếu quyết tâm cứu Sơn" thì phải chi một khoản tiền lớn, bà Hằng ngay lập tức nói "có" và đề nghị tìm mọi cách để "chạy án". Sau đó, bà Hằng năm lần đưa cho ông Tuấn tổng số tiền 1 triệu USD để chuyển cho ông Hưng.

Trong rất nhiều cuộc gặp sau đó, ông Hưng tạo ra nhiều lý do như "Viện kiểm sát làm rất căng", "Viện kiểm sát chê ít" hay phải chi tiền cho lãnh đạo để gợi ý bà Hằng liên tục phải chi tiền.

Trong năm 2022, nhóm bà Hằng và ông Sơn đã 13 lần đưa cho ông Tuấn tổng cộng 2,65 triệu USD, tương đương 61,6 tỉ đồng. Ông Tuấn khai chỉ giữ lại 400.000 USD, còn lại 2,25 triệu USD đều đưa hết cho ông Hưng để "chạy án".

Ngược lại, ông Hưng khai không nhận bất kỳ khoản nào. Cơ quan điều tra kết luận chỉ đủ căn cứ xác định ông Hưng nhận hai lần, tổng cộng 800.000 USD. Ông Tuấn bị đề nghị truy tố tội môi giới hối lộ, còn ông Hưng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cuối tháng 6-2021, bà Trần Thị Mai Xa - giám đốc Công ty Masterlife - đã mượn pháp nhân của một số công ty để nộp hồ sơ xin tổ chức chuyến bay combo. Với mục đích gây khó khăn, Vũ Anh Tuấn (phó phòng tham mưu) đề xuất cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh Trần Văn Dự ký văn bản chưa cho cấp phép.

Khi bà Xa đặt vấn đề "giúp đỡ", Vũ Sỹ Cường (cán bộ phòng tham mưu) và ông Tuấn đưa ra giá 1 triệu đồng/hành khách, tương đương 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng) một chuyến bay.

Ngã giá xong, ông Tuấn và Cường đã tham mưu cho ông Dự duyệt, ký tám văn bản gửi Bộ Ngoại giao chấp nhận cho DN bà Xa được tổ chức chuyến bay.

Ra giá chung chi cho mỗi chuyến bay, mỗi hành khách

Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh Trần Văn Dự được phân công duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về kế hoạch tổ chức chuyến bay combo.

Hai thuộc cấp Vũ Anh Tuấn (phó phòng tham mưu) và Vũ Sỹ Cường (cán bộ phòng tham mưu) được giao giúp việc cho ông Dự. Lợi dụng việc này, họ đã buộc DN phải chung chi để được cấp phép chuyến bay.

Vũ Anh Tuấn là người trực tiếp liên hệ DN, ngã giá chung chi 50 - 200 triệu đồng trên một chuyến bay hoặc 500.000 - 1,5 triệu đồng một hành khách. DN nào không chấp nhận sẽ bị gây khó dễ bằng cách không cho tổ chức chuyến bay hoặc trả lời vào sát ngày DN bay, buộc họ phải đưa hối lộ.

Ông Tuấn còn phối hợp với Phạm Trung Kiên (thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) để gợi ý DN chi tiền nếu muốn được Bộ Y tế trả lời nhanh.

Nhiều lần ông Tuấn trực tiếp nhận tiền hối lộ hoặc chỉ đạo ông Cường nhận tiền thay mà không báo cáo ông Dự. Kết luận điều tra xác định ông Tuấn đã 46 lần nhận hối lộ với tổng số 27,3 tỉ đồng, ông Dự nhận 7,6 tỉ đồng và ông Cường nhận 9,3 tỉ đồng.