TTO - Dự án Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng nay 11-8, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo pháp lệnh nêu trên.
Kế thừa quy định hiện hành về 12 đối tượng người có công với cách mạng, dự thảo pháp lệnh (sửa đổi) lần này đã làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước).
Người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài cũng được điều chỉnh vào phạm vi chính sách này. Đồng thời, bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hằng tháng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết quá trình soạn thảo pháp lệnh có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung chính sách bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá.
"Sau khi nghiên cứu, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung chế độ bảo hiểm y tế, chưa mở thêm chế độ trợ cấp mai táng và chính sách ưu đãi khác như người có vợ hoặc chồng liệt sĩ không tái giá; nếu có thì cũng chỉ tập trung vào những người thuộc diện hộ nghèo, đơn thân không nơi nương tựa", ông Dung nói.
Đối với việc công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết theo quy định hiện hành, người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân mà thiệt mạng thì được xem xét công nhận liệt sĩ.
"Thực tiễn áp dụng quy định này, nhiều trường hợp chết đuối khi cứu người, cứu tài sản hoặc tham gia phòng chống bão lũ, chết do tai nạn khi làm nhiệm vụ... dù rất cần phải tuyên dương, ghi nhận trong xã hội song việc được công nhận liệt sĩ làm dư luận xã hội không đồng tình", ông nói.
Trong khi việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Bộ luật hình sự, thậm chí tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đã được Bộ luật hình sự quy định.
Do đó, Chính phủ đề nghị quy định theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách để cứu người, cứu tài sản của nhà nước, nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (huy chương, huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với Chính phủ về việc mở rộng chính sách ưu đãi đối với vợ, chồng của liệt sĩ đã tái giá rồi nhưng vẫn nuôi con đến khi trưởng thành, phụng dưỡng cha mẹ già của liệt sĩ.
Về quy định công nhận liệt sĩ trong thời bình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, làm rõ đạo lý của việc này.
"Hi sinh trong chiến đấu thì rõ ràng là liệt sĩ rồi. Nhưng trong thời bình, chúng ta cần cân nhắc, quy định rõ, không để mỗi khi có sự mất mát thì lại đề nghị. Tôi đồng ý là chỉ những trường hợp gắn với hành động đặc biệt dũng cảm, cao cả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội thì chúng ta xem xét công nhận liệt sĩ", Chủ tịch Quốc hội nói.
LÊ KIÊN