Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét ngày 12-4, trong khuôn khổ phiên họp chuyên đề. Một trong những điểm mới là quy định về việc bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12-4. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12-4. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trình bày tờ trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Điều 57 dự thảo quy định, có 2 trường hợp giao dịch bất động sản phải thông qua sàn. Thứ nhất là chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình hình thành trong tương lai. Thứ hai là chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Các giao dịch khác được khuyến khích thông qua sàn (không bắt buộc).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, các quy định tại dự thảo luật chưa làm rõ được tính an toàn pháp lý của giao dịch bất động sản khi thực hiện qua sàn; chưa quy định rõ trách nhiệm của sàn giao dịch khi xảy ra tranh chấp; không ràng buộc được trách nhiệm của chủ đầu tư khi không thực hiện đúng cam kết… Cơ quan thẩm tra cho rằng không nên luật hóa quy định bắt buộc qua sàn, kể cả khi giới hạn trong 2 trường hợp vừa nêu.

Giao dịch bất động sản qua sàn hay không là quyền của người mua ảnh 1

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộiBùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Ảnh: TTXVN

Một nội dung đáng chú ý khác tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là chương riêng về điều tiết thị trường bất động sản khi xảy ra hiện tượng “sốt nóng” hoặc “đóng băng”. Có hai loại ý kiến trong cơ quan thẩm tra. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc tính hợp lý của quy định này, vì dự thảo luật chưa làm rõ khái niệm pháp lý “điều tiết thị trường”; chưa phân biệt được các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản với thị trường nói chung và chưa rõ tính quy phạm pháp luật, bắt buộc thực hiện của các quy định... Loại ý kiến thứ hai là đồng ý quy định như dự thảo luật nhưng đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định bảo đảm rõ ràng nội dung, tính quy phạm.

Phát biểu về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế nêu ra rất nhiều nội dung đáng suy ngẫm. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu yêu cầu cơ cấu lại thị trường bất động sản để đất đai, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Dự thảo luật chỉ có 1 chương về điều tiết, nhưng nội dung lại không đúng mục tiêu cơ cấu lại thị trường.

“Tái cấu trúc ở đây là tái cấu trúc thị trường, doanh nghiệp và sản phẩm. Xuất phát chính của nó là quy hoạch và kế hoạch”, Chủ tịch Quốc hội nhận định. Bên cạnh đó, trong khi Nghị quyết số 18-NQ/TW yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản thì lại không thấy trong dự luật, thay vào đó là quy định một số trường hợp bắt buộc phải thực hiện giao dịch qua sàn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chỉ có thể quy định thiết chế, địa vị, điều kiện thành lập, cơ chế hoạt động sàn giao dịch. Còn việc lựa chọn tham gia hay không, tham gia sàn nào là quyền của người mua. Đây là cơ hội để rà soát, xử lý vướng mắc, chồng chéo giữa các luật, tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Do luật này sửa đổi nhiều nội dung nên cần rà soát kỹ điều khoản chuyển tiếp để không tạo ra tắc nghẽn trong thực tế.

Chiều 12-4, UBTVQH cũng cho ý kiến lần đầu vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến chính sách về quản lý dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông (OTT).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhận định, đây là chính sách mới, chưa được đánh giá tác động đầy đủ, chưa lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dù chỉ có thể được cung cấp dựa trên kết nối internet, nhưng OTT có những khác biệt với dịch vụ viễn thông (không có cơ sở hạ tầng, băng tần…). Việc áp dụng các nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các loại hình dịch vụ này có thể sẽ làm tăng chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp liên quan, ảnh hưởng đến những lợi ích mà dịch vụ đó có thể mang lại đối với nền kinh tế và tác động không tốt đến thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.