Điều khiến nhiều người không khỏi giật mình là nhiều sắc phong trong đợt đấu giá này bị nghi ngờ là những sắc phong từng bị trộm cạy két lấy mất tại đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vào năm 2021 gây xôn xao dư luận.
Cuộc đấu giá của sàn đấu giá cổ vật Dương Minh Thượng Hải sẽ diễn ra ngày 22-4 tới. Các sắc phong có mức khởi điểm từ 2.800 - 3.500 nhân dân tệ (khoảng 10 - 12 triệu đồng).
Đa số sắc phong bị mất do nạn trộm cổ vật
Còn nhớ năm 2018, nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng (Thừa Thiên Huế) cùng nhà sưu tập cổ vật Bùi Văn Quang (Nam Định) đã trao tặng lại tám đạo sắc phong dưới triều Nguyễn cho hai làng Quý Lộc và làng La Ỷ ở Huế. Tám đạo sắc phong này từng bị thất lạc khỏi đình làng bởi nạn trộm cổ vật.
Ông Hoàng kể rằng vào năm 2015, có một người Trung Quốc từng tìm đến ông hỏi mua sắc phong với giá rất cao. Người này yêu cầu ông Hoàng trưng ra những đạo sắc phong có đóng dấu của vua và sẵn sàng bỏ số tiền trên trời để mua bằng được.
-
Nghi vấn sắc phong Việt Nam đang đấu giá tại Trung Quốc: Cục Di sản văn hóa chỉ đạo gấpĐỌC NGAY
"Thấy có gì đó kỳ lạ nên tôi quyết định không bán. Sau này tôi mới biết người Trung Quốc ấy đã âm thầm đến Việt Nam được ba năm và đi khắp nơi gom mua rất nhiều đạo sắc phong có dấu triện đỏ của vua triều Nguyễn", ông Hoàng kể.
Kể từ đó, ông Hoàng dừng hẳn việc mua bán sắc phong và chỉ chuyên tâm sưu tập những sắc phong quý, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa rồi tặng lại cho các làng bị mất cắp.
Người có công ngăn chặn những đạo sắc phong của Huế bị đem ra nước ngoài dịp đó chính là TS Trần Đình Hằng - phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật tại Huế.
Sau khi nhận được tin báo của người dân về trường hợp người Trung Quốc bất thường nêu trên, ông Hằng đã gọi điện báo ngay cho công an tỉnh Thừa Thiên Huế để tiến hành theo dõi. Khi người đó đến sân bay Phú Bài để chuẩn bị lên đường về nước, lực lượng an ninh Việt Nam đã chặn lại và thu giữ những đạo sắc phong cổ mà người này mang theo.
Số sắc phong này đã được các cơ quan chức năng tịch thu theo Luật Di sản.
Cần gấp rút thống kê, số hóa sắc phong Việt
Theo ông Trần Đình Hằng, việc thất thoát hay mất trộm sắc phong nói riêng hay những thư tịch, văn bản Hán Nôm cổ nói chung đã diễn ra hơn 30 năm qua. Nguyên do là những văn bản này chưa được người dân cũng như chính quyền địa phương thực sự coi trọng và hiểu hết giá trị.
TS Trần Đình Hằng - phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật tại Huế.
Có những sắc phong mà triều đình ban cho một nhân vật, một gia đình nhưng chứa đựng trong đó là những thông tin về cách tổ chức thủy binh, cách triều đình cử người ra trấn giữ Trường Sa hay Hoàng Sa... Đó là những thông tin mang tầm quốc gia và thật nguy hiểm nếu những văn bản này bị đem ra nước ngoài rồi bị chỉnh sửa có ý đồ.
Theo ông Hằng, điều cần làm ngay lúc này đó là chính quyền các địa phương, các ngành văn hóa cần ngay một cơ chế để thực hiện thống kê, kiểm đếm những sắc phong, những văn bản cổ còn lưu giữ lại tại các làng mạc trên cả nước.
Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết hiện những năm gần đây Huế đã nỗ lực số hóa hơn 410.000 văn bản cổ, trong đó có hàng ngàn đạo sắc phong quý giá ở các đình làng, họ tộc trên địa bàn.
Sau khi thực hiện số hóa, dịch thuật các văn bản trên, sở đều đánh ra một bản đĩa CD rồi tặng lại cho các họ tộc, các làng mạc nơi đang lưu giữ văn bản cổ.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm gìn giữ sắc phong, văn bản cổ của dòng tộc mình, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng kể rằng làng ông (làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, TP Huế) cũng từng là nạn nhân của nạn mất cắp cổ vật, sắc phong.
"Lệ làng tôi nay quy định ai là người được làng bầu giữ chức trưởng làng hay trưởng họ tộc thì người đó có trách nhiệm đem các sắc phong, văn bản cổ của làng, của dòng họ về tại gia cất giữ, bảo quản chứ không cất chung ở đình làng. Việc làm này khá hiệu quả trước nạn trộm cổ vật, cổ thư từng gây bao nhiêu vụ khoắng rỗng đình làng khắp cả nước", ông Hoàng nói.
Cục Di sản đề nghị các địa phương cung cấp thông tin về sắc phong
Cục Di sản văn hóa vừa có văn bản gấp tới năm tỉnh thành: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị kiểm tra gấp thông tin nhà đấu giá Dương Minh (Trung Quốc) đang đấu giá những sắc phong được cho là của Việt Nam.
Theo đó, các địa phương một là khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương hay không.
Hai là, thu thập và cung cấp thông tin pháp lý về sắc phong, các thông tin về việc mất cắp sắc phong, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tính đến giải pháp hồi hương cổ vật, báo cáo đầy đủ gửi cục trước ngày 17-4 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết sắc phong trên 100 tuổi đều được tính là cổ vật, được quản lý theo Luật Di sản văn hóa. Tại Việt Nam, chỉ trừ một số sắc phong thời vua Bảo Đại là chưa đủ 100 năm tuổi.
Trao đổi với báo giới sáng 13-4, ông Nguyễn Đắc Thủy - giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ - đại diện cho địa phương sở hữu sắc phong được rao bán tại nhà đấu giá Dương Minh đề nghị Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải có sự can thiệp để ngăn chặn tình trạng bán đấu giá tài sản của người Việt trên mạng.
"Nếu là hiện vật thật thì đây là tài sản ăn cắp và những người liên quan đến việc lấy cắp này là tội phạm", ông Thủy nói.