Thủ tướng yêu cầu thay thế hoặc điều chuyển công việc những cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Trong công điện ban hành tối 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu thực tế một số bộ, cơ quan, địa phương có tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; đẩy việc lên cấp trên hoặc sang cơ quan khác.

Hậu quả là công việc kéo dài, cản trở, làm giảm hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt, có nơi "rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp với cơ quan nhà nước".

Để chấn chỉnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng quyết định công việc theo thẩm quyền; không trình Chính phủ, Thủ tướng, Phó thủ tướng những công việc thuộc thẩm quyền. Các bộ trưởng cũng không được chuyển công việc của mình sang bộ khác; không giải quyết công việc không thuộc thẩm quyền. Các bộ được trả lại văn bản cho địa phương nếu xin ý kiến không đúng thẩm quyền.

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, không lấy ý kiến của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, ảnh hưởng tiến độ xử lý công việc. Bộ được lấy ý kiến phải trả lời đúng hạn, chính kiến rõ, không chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh. Quá thời hạn, nếu cơ quan được lấy ý kiến không trả lời thì được coi là đồng ý với quan điểm của bên xin ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Công chức TP Thủ Đức, TP HCM làm thủ tục hành chính cho người dân, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Công chức TP Thủ Đức, TP HCM làm thủ tục hành chính cho người dân, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Công điện nêu, Chủ tịch các tỉnh, thành không trình, báo cáo công việc của mình lên Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan trung ương; không lạm dụng lấy ý kiến cơ quan trung ương để né tránh trách nhiệm.

Các đơn vị được yêu cầu bổ sung ngay quy trình phân công công việc để cá thể hóa trách nhiệm từng khâu. Nơi nào vì đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để chậm trễ sẽ bị kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân. Người dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung sẽ được biểu dương, khen thưởng.

Bộ Nội vụ, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ phải nhanh chóng đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định, tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ, công chức yên tâm thực hiện công vụ và cụ thể quy trình để không ai đùn đẩy trách nhiệm. Các công việc này cần báo cáo Thủ tướng trong tháng 5. Riêng dự thảo nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung báo cáo sau đó một tháng.

Thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần yêu cầu chấm dứt tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm. Ông từng nói "ai không làm, đứng sang một bên". Tuy nhiên, thực trạng này chưa được khắc phục.

Tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM bốn ngày trước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng một trong những lý do lớn khiến kinh tế thành phố đi xuống là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn. Năm 2022, TP HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ đã có 604 văn bản trả lời; hầu hết thuộc thẩm quyền của thành phố. Ông Dũng nói "điều này rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau".

Tháng 9/2021, tại hội nghị toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói phải có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ. Tổng bí thư cũng nhiều lần nói "ai không làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm".