Nhà báo Léo Figuères - Chủ nhiệm báo L’Avant Garde, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (thứ 5 từ trái qua) với lãnh đạo Hội những người viết báo Việt Nam, tại Thái Nguyên, năm 1950. Ảnh: Tư liệu |
Từ Đoàn Báo chí Việt Nam đến Hội những người viết báo Việt Nam
Ngày 27-12-1945, gần 100 nhà báo ở Hà Nội họp tại trụ sở Hội Văn hoá Cứu quốc (phố Hàng Trống), lập ra Đoàn báo chí Việt Nam, tách khỏi Hội Văn hoá cứu quốc. Đoàn gồm tất cả các lực lượng báo chí dân chủ, tiến bộ và của Đảng Cộng sản. Nhà báo Xuân Thuỷ trực tiếp chỉ đạo việc thành lập nhưng không trực tiếp công khai lãnh đạo. Nhà báo Nguyễn Tường Phượng, chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân được cử giữ chức Chủ tịch. Ông Nguyễn Tấn Gi Trọng, Tổng Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền và Nhà báo Đỗ Đức Dục, phụ trách Báo Độc Lập, được cử giữ chức Phó Chủ tịch. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng làm Tổng Thư ký.
Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Số đông nhà báo ra chiến khu và toả về các vùng nông thôn tham gia chiến đấu. Đoàn báo chí Việt Nam hầu như không hoạt động được.
Nhà báo Xuân Thủy, Hội trưởng Hội những người viết báo Việt Nam, năm 1950. Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam |
Đầu năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà báo Xuân Thuỷ đứng ra thành lập Đoàn báo chí kháng chiến Việt Nam bao gồm tất cả các nhà báo trong Mặt trận Việt Minh. Đoàn báo chí kháng chiến tổ chức học tập chính trị, nghiệp vụ cho các nhà báo, hướng báo chí vào việc động viên toàn dân tham gia kháng chiến.
Tháng 4-1949, theo sáng kiến của Bác Hồ, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Lớp được tổ chức tại vùng rừng núi Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Lớp được mở trong 3 tháng, từ ngày 4-4 đến ngày 6-7-1949. Hầu hết các học viên của lớp sau này đều đứng đầu các cơ quan báo chí của nước ta.
Tháng 3-1950, Giáo sư Trần Văn Giàu, Tổng Giám đốc Nha Thông tin Chính phủ đề nghị thành lập ngay Hội ký giả Việt Nam để làm cầu nối giữa Chính phủ với những người viết báo, đồng thời làm cầu nối giữa báo chí Việt Nam với quốc tế. Thực hiện chủ trương này của Đảng và Chính phủ, ngay sau đó, Nhà báo Xuân Thuỷ, phụ trách Đoàn báo chí kháng chiến đã tổ chức cuộc họp trù bị cho Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam.
Cuối tháng 3-1950, tại trụ sở của Báo Cứu Quốc (nay là Báo Đại Đoàn Kết) ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, một số nhà báo Việt Nam đã nhóm họp để thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Cũng trong buổi họp trên, các nhà báo đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời.
Ngày 21-4-1950, tại Hội trường Mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở xóm Roòng Khoa, đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Đại hội thông qua Điều lệ, bầu Ban lãnh đạo gồm: Nhà báo Xuân Thủy - Hội trưởng; Nhà báo Đỗ Đức Dục (Báo Độc Lập) - Phó Hội trưởng; Hoàng Tùng (Báo Sự Thật); Nhà báo Nguyễn Thành Lê (Báo Độc Lập) - Thư ký; Nhà báo Như Quỳnh - Phó Thư ký; và một số nhà báo: Đào Phan, Từ Giấy, Đỗ Trọng Giang, Lưu Văn Lợi; Quang Đạm, Như Phong, Nguyễn Anh Chấn, Hải Triều, Phan Thao, Huỳnh Tấn Phát.
Chiếu theo đơn xin lập Hội những người viết báo Việt Nam của Nhà báo Xuân Thủy, ngày 2-6-1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Nghị định số 232/NV cho phép thành lập Hội những người viết báo Việt Nam.
Nội dung bản Điều lệ đầu tiên của Hội
Trên Báo Cứu Quốc, Cơ quan Trung ương Tuyên truyền kháng chiến của Tổng bộ Việt Minh (trong Hội Liên Việt), năm thứ 8, số 1583, ra thứ Hai, ngày 26-6-1950 có đưa tin về sự kiện thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, trong đó nêu cụ thể bản Điều lệ quy định của Hội (gồm 17 điều) quy định về các nội dung như: Tên Hội; mục đích của Hội; trụ sở; các vấn đề về hội viên (nhiệm vụ, quyền lợi, tư cách của hội viên); Đại hội đồng; Ban Chấp hành; Tài sản Hội; Kỷ luật; Sửa đổi điều lệ.
Nghị định số 232/NV ngày 2-6-1950 cho phép Hội những người viết báo Việt Nam thành lập và hoạt động. |
73 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu phấn đấu nhằm đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển, đổi mới theo kịp bước đi của thời đại. Hội đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện rõ hơn vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp.
Hội ngày càng chủ động hơn trong việc tham gia, góp ý xây dựng cơ chế chính sách đối với báo chí, đặc biệt công tác chỉ đạo điều hành các khâu tổ chức, nghiệp vụ, kiểm tra, đối ngoại, chất lượng các ấn phẩm báo chí, hiệu quả công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên, xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tổ chức Hội báo toàn quốc, xây dựng Cổng thông tin điện tử của Hội, ban hành “Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” (ngày 16-12-2016) và “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” (ngày 25-12-2018) cũng như nhiều hoạt động xã hội, từ thiện khác…
Hội trường hai tầng, tám mái của Tổng bộ Việt Minh, nơi diễn ra Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. |
Những hoạt động Hội đầy trách nhiệm và tâm huyết đối với mọi lĩnh vực của đời sống đất nước và báo chí hôm nay, đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động và sức lan tỏa của hệ thống Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước./.
Nguyễn Ba