Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trực thuộc 54 cơ quan chủ quản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, cả nước có 2.050 cơ sở phát hành sách. Con số nhà xuất bản so với số công ty làm sách có một sự chênh lệch rất lớn.
Đóng góp vào thành tựu của ngành xuất bản (theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2022, các chỉ số phát triển đều tăng mạnh, cả về năng lực sản xuất, doanh thu, lợi nhuận...) chắc chắn phải kể đến các công ty làm sách, với mô hình liên kết xuất bản đã thực hiện gần 20 năm qua. Và góp phần vào những điểm còn hạn chế của xuất bản cũng chính là mô hình này.
Khi các nhà xuất bản sống bằng bán giấy phép
Giám đốc một nhà phát hành sách ở Hà Nội cho biết rất nhiều đầu sách được in ra không hề tham gia thị trường, không bán được bởi ít ai mua.
Đó là những cuốn sách văn thơ của các cây bút không có tên tuổi, in ra để làm kỷ niệm đời sáng tác, tặng con cháu, bạn bè.
Hay những cuốn sách để tác giả làm thương hiệu cá nhân, các sách về dòng họ, kỷ yếu hội thảo, sách Nhà nước đặt hàng các hội văn học nghệ thuật, sách của hội nghề nghiệp ở địa phương.
Công ty của anh cũng làm nhiều loại sách này, bên cạnh những dòng sách bán chạy như sách dạy kỹ năng, sách giáo trình...
Với những đầu sách phi thị trường, anh thậm chí khuyên tác giả chỉ nên in 100 - 200 cuốn, có khi 50 cuốn, để phục vụ nộp lưu chiểu 20 cuốn, còn lại để biếu tặng, cho đỡ... lãng phí.
Người này cho biết việc xin giấy phép xuất bản hiện nay khá dễ dàng (ngoại trừ những sách nhạy cảm chính trị, tư tưởng hay trái thuần phong mỹ tục). Tỉ lệ sách bị từ chối cấp giấy phép vì chất lượng thấp của đơn vị anh làm rơi vào khoảng 10%.
Hiện trạng sách dở nhiều được người trong lẫn ngoài ngành chỉ ra nguyên do là bởi các nhà xuất bản lâu nay hầu như mất vai trò làm sách thực thụ của mình, sống bằng bán giấy phép cho các công ty làm sách, được gọi là mô hình liên kết xuất bản.
Trong khi đó, mô hình liên kết xuất bản được thực hiện không nghiêm túc, chuẩn mực, đúng quy định.
TS Nguyễn Anh Vũ từng làm giám đốc Nhà xuất bản Văn Học đã chia sẻ thẳng thắn về hiện trạng buồn này.
Đó là nhiều nơi chạy theo nhu cầu giải trí đơn thuần của một bộ phận độc giả, dẫn đến xuất hiện "hàng chợ" trong đời sống văn học Việt Nam, trong khi những sách chất lượng, sách để nâng cao dân trí rất thưa thớt. Các nhà xuất bản phải sống bằng việc bán giấy phép xuất bản.
Trong thực tế, các công ty sách, cơ sở phát hành sách mới chính là lực lượng chủ lực đang trực tiếp làm sách.
Họ mua giấy phép từ các nhà xuất bản cho những cuốn sách họ làm. Một số nhà xuất bản hầu như chỉ còn chức năng bán giấy phép, liên kết xuất bản với các công ty này. Tỉ lệ sách các nhà xuất bản tự làm rất ít.
Năm 2022, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn liên kết xuất bản 2.009 cuốn, số sách tự xuất bản là 4 cuốn. Nhà xuất bản Thế Giới liên kết xuất bản 1.221 cuốn, tự xuất bản 5 cuốn...
Cá biệt, Nhà xuất bản Tôn Giáo lâu nay gần như không tự làm sách, chỉ liên kết xuất bản. Năm 2022, nhà xuất bản này liên kết xuất bản 743 cuốn và không có cuốn nào tự xuất bản.
Nói câu chuyện kể trên không có nghĩa khẳng định liên kết xuất bản là dở. Nhà xuất bản Tôn Giáo hầu như chỉ làm liên kết nhưng các đầu sách làm ra được đánh giá là chuẩn mực, rất ít có sai sót.
Bởi nhà xuất bản này làm liên kết chuẩn chỉ như quy định của pháp luật chứ không lao theo số lượng, làm ẩu.
Bản thân chính sách liên kết xuất bản (bắt đầu từ năm 2004, nhưng thực chất đã diễn ra trong thực tế một cách không chính thức từ đầu những năm 1990) là một chính sách tốt để khai thác thế mạnh của khối tư nhân năng động trong bối cảnh Việt Nam không có xuất bản tư nhân.
Nhiều đầu sách hay, có giá trị, những sách có hàm lượng tri thức cao, những đầu sách hay của kho trí thức nhân loại thế giới được xuất bản ở Việt Nam những năm qua phần nhiều đều là sách liên kết xuất bản.
Gần 20 năm thực thi chính sách này, ngành xuất bản đến nay đã có được những thương hiệu công ty sách rất mạnh như Nhã Nam, Alphabooks, Thái Hà Books... và hàng loạt những thương hiệu nhỏ hơn nhưng cũng ngày càng khẳng định được chất lượng của mình như Phanbooks, Tao Đàn, Thiện Tri Thức...
Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam sau 18 năm hoạt động, hiện mỗi năm làm khoảng 400 đầu sách (so với 4 đầu sách Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 5 đầu sách Nhà xuất bản Thế Giới làm năm 2022).
Trong đó có nhiều đầu sách "bestseller" xuất bản được hàng vạn cuốn, trong nhiều năm như: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Cây cam ngọt của tôi, Chuyện chú mèo dạy hải âu bay, Nhà giả kim, Dám bị ghét, Yêu những điều không hoàn hảo...
Công ty này còn có hẳn nhà in riêng, điều mà hầu hết các nhà xuất bản hiện nay không có.
Nhìn vào mặt sáng này có thể thấy rõ ràng liên kết xuất bản gần 20 năm qua đã mang tới nhiều thành quả.
Nhưng ngành sách rõ ràng sẽ có thêm những sản phẩm chất lượng khi mô hình liên kết được thực hiện chuẩn mực hơn, các nhà xuất bản làm tốt hơn vai trò của mình - một đơn vị làm xuất bản đúng nghĩa.
Hiện nay, một số ít nhà xuất bản vẫn tự khai thác bản thảo, tự xuất bản là chính, như Kim Đồng, Trẻ, Phụ Nữ Việt Nam...
Đây đều là các nhà xuất bản đang kinh doanh tốt. Nhà xuất bản Kim Đồng năm qua lọt top 5 nhà xuất bản có doanh thu trên 100 tỉ đồng, cụ thể là 493,5 tỉ đồng, chỉ đứng sau Nhà xuất bản Giáo Dục.