Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), tối 23/4, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp các đơn vị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngày vui thống nhất” tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ...
Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cách đây 48 năm của nhân dân ta do Đảng và Bác Hồ kính yêu lãnh đạo đã để lại cho chúng ta hôm nay những thành quả vĩ đại cùng những giá trị lịch sử. Đó là chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đó là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; đó là xây dựng và thực hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ; đó là tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, "Chương trình giao lưu nghệ thuật “Ngày vui thống nhất” được tổ chức ngày hôm nay là những giai điệu để khắc ghi, để tưởng nhớ và tri ân các nhà lãnh đạo tiền bối; các anh hùng liệt sĩ và đồng chí, đồng bào ta đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước".
Trải qua chiến tranh, trải qua mất mát đau thương chúng ta càng thấy thấm thía sự hy sinh của thế hệ đi trước. Chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã cống hiến máu xương, trí tuệ, tài năng, công sức, của cải cho cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Thời kỳ cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1975): ở miền Bắc, báo chí vừa phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, vừa đề xuất nhiều vấn đề quan trọng trong chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động, xây dựng cuộc sống mới, góp phần định hướng về nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới. Ở miền Nam, báo chí tập trung phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Báo chí đã trở thành lực lượng tuyên truyền, cổ động, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí tư tưởng và hành động, hướng tới mục tiêu đấu tranh chống quân xâm lược. Hơn 20 năm trường kỳ kháng chống Mỹ cứu nước, báo chí đã có sự đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975. Đây là giai đoạn huy hoàng, với nhiều nỗ lực vượt bậc, nhiều chiến công rực rỡ, nhưng cũng nhiều mất mát, hy sinh của những người làm báo trên cả nước.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho biết: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đội ngũ những người làm báo trên cả nước cần ra sức học tập đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, phong cách; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Nhắc nhớ lại một thời hoa lửa của cả dân tộc
Tại chương trình, khán giả đã được thưởng thức các tiết mục đi cùng năm tháng như “Cô gái mở đường”, "Câu hò bên bờ Hiền Lương”, "Bài ca thống nhất”, "Đường chúng ta đi”, "Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, "Dáng đứng Việt Nam”, "Bài ca may áo”, "Tự hào thành phố Hồ Chí Minh”; “Tổ quốc ta cờ bay”… với sự tham gia biểu diễn của các tên tuổi nghệ sĩ: NSƯT Đăng Dương, NSƯT Phương Thảo, Minh Hải, Phạm Thu Hà và các ca sĩ trẻ: Thu Thủy, Minh Quân, Thu Hà, Bùi Hoàng Yến, Tiến Hưng,…
Cũng tại chương trình, khán giả đã buổi giao lưu với Đại tá - nhà báo, nhà thơ Anh Ngọc (Báo Quân đội nhân dân), Đại tá - nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng (Báo Quân đội nhân dân), Đại tá Hán Văn Quảng, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372. Đó là những câu chuyện người thật việc thật, tất cả để cùng nhau nhắc nhớ lại một thời hoa lửa của cả dân tộc.
Chia sẻ về thời kỳ đó, nhà báo Anh Ngọc nhớ lại: "Chúng tôi xuất phát từ ngày 22/1/1975 từ Hà Nội bắt đầu vào Nam, sau một tháng di chuyển trên đường Trường Sơn, khi vào tới Bình Thuận chúng tôi bắt đầu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đến ngày 24/4 tôi có mặt ở Phan Thiết, thời điểm đó mọi thứ đều diễn ra khẩn trương, nhanh chóng, thần tốc. Tôi đến Sài Gòn vào những ngày đầu tháng 5 năm 1975. Đối với chúng tôi những ngày đầu tháng 5 đó vừa lạ vừa quen, tưởng như nằm mơ. Chúng tôi nhớ mãi, đó là đêm chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình".
Còn theo nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, trong những ngày tháng 4 năm 1975, từ rừng Trường Sơn, khi được giao nhiệm vụ vào Huế, ông và đồng nghiệp phải mất một ngày mới vào thành phố Huế, ở đây không một bóng người… Tuy nhiên càng vào trong thì không khí càng vui tươi hơi, đi dọc các tỉnh miền Trung người dân đều hồi hởi đón chào, đi đâu cũng được dân tin, được dân giúp đỡ.
"Tôi đến Sài Gòn vào đúng trưa 30/4/1975, tôi sản xuất những dòng tin đưa về Hà Nội, khi vào tới dinh Độc Lập, tôi tìm khu vực có cây cao để treo ănten để truyền tin về. Lúc đầu sóng bị nhiễu loạn không thể gửi về tòa soạn, sau đó phải nhờ thiết bị khác của Thông tấn xã Việt Nam hỗ trợ thì chúng tôi mới phát được những dòng tin đầu tiên ra Hà Nội", nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại.
Đại tá Hán Văn Quảng, Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372, một trong năm thành viên của Phi đội Quyết Thắng đã trực tiếp thực hiện cuộc ném bom có một không hai trong lịch sử Không quân Việt Nam vào sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975 làm rung động cả Sài Gòn. Chia sẻ tại chương trình ông cho biết: Thời kỳ đó chúng tôi thực hiện tinh thần “Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam”.
"Đến ngày 22 tháng 4 năm 1975 chúng tôi được giao nhiệm vụ lấy máy bay địch đánh địch. Chúng tôi lấy 5 máy bay A37, thông thường với máy bay mới phải học, phải làm quen mất 3 đến 5 tháng. Nhưng chúng tôi cố gắng học thật nhanh, học từng chữ trong bảng điều kiển máy bay. Chỉ có 2,5 ngày chúng tôi học xong và bay thực tế. Đến 28/4 chúng tôi bay từ Đà Nẵng vào Phan Giang, sau đó xây dựng mục tiêu là đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất" Đại tá Hán Văn Quảng chia sẻ.
Chương trình với những giai điệu tự hào đã làm nên một đêm nhạc đầy cảm xúc, lan tỏa thông điệp của tình yêu, ý chí và của khát vọng Việt Nam. Đó là tình yêu đất nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc và khát vọng kiến tạo đất nước Việt Nam hùng cường, hoà bình và hạnh phúc.